Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper ngày 21/7 cho biết, Washington trông cậy vào các đối tác ở châu Á giúp kiềm chế một Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh hai sân bay uy lực nhất của Mỹ vừa tiến hành tập trận với các đồng minh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Mỹ xây dựng liên minh đối phó Trung Quốc
Bộ trưởng Esper cáo buộc Bắc Kinh bắt nạt các quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương, gây hấn với những quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và khiến họ thiệt hại hàng tỷ USD doanh thu từ dầu khí và nghề cá. Ông cũng cáo buộc Trung Quốc “coi thường các cam kết quốc tế”.
“Trung Quốc đã thực hiện hành vi như vậy trong nhiều năm, nhưng thời gian gần đây, ý đồ thực sự của nước này mới được phơi bày một cách đầy đủ”, ông Esper nói.
Trước đó, trong bài phát biểu trực tuyến trước Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế có trụ sở tại Anh, ông Esper cho biết, Washington luôn sẵn sàng duy trì cam kết đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, theo đuổi chiến lược dựa trên 3 trụ cột chính: “chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống, tăng cường quan hệ đối tác và thúc đẩy liên kết trong khu vực”.
Ông Esper khẳng định, quan hệ đối tác đóng vai trò đặc biệt quan trọng và cho đây là một “mạng lưới chiến lược mà đối thủ cạnh tranh của Mỹ khó có thể tạo ra được”. Mạng lưới này bao quanh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tại biển Philippine, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan đã tham gia tập trận chung cùng với các tàu chiến của Australia và Nhật Bản.
Ở Ấn Độ Dương, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz Carrier đã phối hợp với 4 tàu chiến của Ấn Độ diễn tập phòng không và liên lạc.
“Tôi muốn nêu bật sự gia tăng hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Ấn Độ, một trong những mối quan hệ quốc phòng quan trọng nhất của thế kỷ 21”, ông Esper nhấn mạnh.
Ngoài Ấn Độ và các đồng minh lâu năm của Mỹ như Australia, Nhật Bản, ông Esper cũng liệt kê một danh sách dài các quốc gia châu Á đang hợp tác với Mỹ về vấn đề an ninh hàng hải và quân sự.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết, những quốc gia này không chỉ hợp tác với Mỹ và đồng minh mà còn hợp tác với nhau, đồng thời viện dẫn thỏa thuận tiếp cận căn cứ quân sự giữa Australia và Ấn Độ.
Hiện tại, các đối tác và đồng minh của Mỹ không chỉ điều động khí tài quân sự để tham gia tập trận mà họ còn lên tiếng phản đối mạnh mẽ hơn khi chứng kiến một Trung Quốc ngày càng gây hấn hơn.
Trong tháng này, Nhật Bản đã công bố Sách Trắng Quốc phòng cáo buộc Trung Quốc tiếp tục gây sức ép quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khi điều thêm tàu thuyền và máy bay hoạt động xung quanh khu vực. Tokyo cho “đây là một vấn đề nghiêm trọng”.
Sách Trắng của Nhật Bản cũng chỉ trích hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông: “Trung Quốc đang đẩy mạnh quân sự hóa, mở rộng và tăng cường các hoạt động trong lĩnh vực hàng hải và hàng không, tiếp tục nỗ lực đơn phương để thay đổi hiện trạng bằng biện pháp cưỡng ép”.
Ấn Độ cũng đã có nhiều tiếng nói hơn trong vấn đề Biển Đông, dù quốc gia này không có tuyên bố chủ quyền và cũng không thường xuyên triển khai lực lượng quân sự tại nơi đây. Tuy vậy, New Dehli lại phụ thuộc vào các tuyến hàng hải bận rộn bên trong và xung quanh Biển Đông. Hồi tháng 5/2020, Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã 2 lần ra tuyên bố nêu rõ lập trường ủng hộ tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông”.
“Quan điểm vẫn như vậy nhưng giọng điệu của tuyên bố cho thấy Ấn Độ sẽ đưa ra tiếng nói mạnh mẽ hơn về những gì xảy ra trên Biển Đông”, ông Abhijit Singh, Viện trưởng Viện Sáng kiến an ninh hàng hải, Tổ chức nghiên cứu quan sát viên (ORF), New Delhi, Ấn Độ nhận xét.
Ezra Vogel, học giả về châu Á cho rằng: “Nếu xảy ra một cuộc đụng độ nhỏ trên Biển Đông và nếu các quốc gia không thể kiểm soát được tình hình thì điều này sẽ dẫn đến hậu quả vô cùng thảm khốc và cả hai bên đều mất mát. Sẽ rất đáng sợ”.
Các bên biết rõ điểm dừng
Bất chấp việc hai bên cáo buộc nhau phô diễn sức mạnh quân sự, các quan chức Trung Quốc và quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ đều cho biết họ không muốn thấy xảy ra xung đột quân sự trong khu vực.
Bộ trưởng Mark Esper hôm 21/7 thông báo, ông hy vọng sẽ có chuyến thăm Bắc Kinh trước cuối năm nay. “Chúng tôi mong muốn tạo ra một mối quan hệ mang tính xây dựng và mang lại kết quả thiết thực với Trung Quốc, trong khuôn khổ quan hệ quốc phòng, để mở ra các đường dây liên lạc và giảm thiểu rủi ro”.
Thông báo của ông Esper được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang căng thẳng ngoại giao sau quyết định của Washington đóng cửaTổng lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Houston.
Nhiều nhà phân tích đánh giá, Bắc Kinh có thể sẽ chào đón chuyến thăm của ông Esper vì điều này giúp ngăn “cuộc chiến tranh lạnh” giữa hai quốc gia leo thang thành một “cuộc chiến tranh nóng”. Giáo sư Hoàng Tĩnh, trưởng khoa nghiên cứu quốc tế và khu vực tại Đại học Ngôn ngữ và Văn hóa Bắc Kinh cho rằng, chuyến thăm của ông Esper, nếu diễn ra, có thể được xem như phản ứng tích cực đối với tuyên bố của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi hai bên tìm cách tái hòa giải sau nhiều tháng xung đột, khiến quan hệ giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
“Có sự đồng thuận giữa các chính trị gia của Mỹ về việc phải tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc, nhưng việc ông Esper thể hiện thiện chí đến thăm Bắc Kinh cho thấy Mỹ không muốn “chiến tranh lạnh” chuyển thành “chiến tranh nóng”, giáo sư Hoàng Tĩnh nói.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Bộ này đã ghi nhận thiện chí của ông Esper và coi “mối quan hệ giữa quân đội hai nước là một phần quan trọng của ngoại giao Trung-Mỹ”.
Bắc Kinh và Washington đã thiết lập các kênh xử lý khủng hoảng về vấn đề quốc phòng và ngoại giao, nhưng kênh liên lạc này đã “im hơi lặng tiếng” giữa lúc căng thẳng gia tăng và dịch bệnh Covid-19 hoành hành.
Tiến sỹ Collin Koh, nhà nghiên cứu của Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam thuộc Trường Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) nhận xét kế hoạch của ông Esper đến thăm Trung Quốc trước cuối năm nay cho thấy 2 bên đã nhận thức được rằng căng thẳng chính trị có thể leo thang thành xung đột quân sự.
“Có sự gia tăng nguy cơ đụng độ quân sự giữa các lực lượng của Mỹ và Trung Quốc hoạt động tại các điểm nóng trong khu vực, chẳng hạn như Biển Đông. Nhìn chung mong muốn của các bên là duy trì các kênh giao tiếp để xây dựng lòng tin và tìm kiếm biện pháp đảm bảo an ninh. Tôi cho rằng trước khi ông Esper đưa ra tuyên bố này, các cơ quan quốc phòng của hai nước có thể đã bàn bạc với nhau về chuyến thăm”./.