Không phải 3 rocket "rẻ tiền", Mỹ tốn nửa triệu USD để "lấy đầu" tướng Iran:?
Ngày 3/1/2020, thông tin Tư lệnh Lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Thiếu tướng Qassem Soleiman thiệt mạng trong vụ không kích bên ngoài sân bay Baghdad ở Iraq đã tác động mạnh tới Trung Đông và các quốc gia có liên quan.
Bên cạnh các thông tin liên quan tới căng thẳng leo thang giữa Iran, Mỹ và Israel cũng như mối lo ngại về một cuộc xung đột cấp khu vực có thể bùng nổ bất cứ lúc nào, một chi tiết được quan tâm đó là cách thức tiến hành và vũ khí mà người Mỹ đã sử dụng để giết hại vị tướng Iran.
Theo nguồn tin ban đầu tại hiện trường, đã có 3 trái rocket được khai hỏa và các nhân chứng nghe thấy tiếng cánh quạt của trực thăng vũ trang trong khu vực.
Tướng Souleimani đang trên đường từ Damascus, Syria tới Baghdad, Iraq trước khi bị Mỹ tập kích (Nguồn: Dailymail).
Tuy nhiên vào tối ngày 3/1, tờ Dailymail của Anh đã xác nhận việc Mỹ đã sử dụng máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper khai hỏa 4 tên lửa vào 2 xe hơi chở Tướng Souleiman và phó chỉ huy lực lượng dân quân thân Iran Abu Mahdi al-Muhandis.
Mặc dù tờ Dailymail không xác nhận loại tên lửa được UAV khai hỏa nhưng theo các thông số kỹ thuật, một chiếc MQ-9 Reaper có thể mang theo 4 tên lửa AGM-114 Hellfire hoặc 2 quả bom thông minh GBU-12 Paveway II trong các nhiệm vụ tương tự.
Nếu AGM-114 Hellfire được sử dụng, người Mỹ đã phải tốn tới nửa triệu USD (ước tính giá thành một tên lửa Hellfire là 117.000 USD thời giá 2017) để lấy được "cái đầu" của viên tướng người Iran.
Tướng Soleiman vừa đến sân bay Baghdad trên một chuyến bay từ Syria và khi đang ở trong một chiếc xe hơi rời sân bay thì tên lửa từ UAV của Mỹ bắn tới (Nguồn Dailymail).
Tại sao không phải là "Bom Ninja"?
Việc xác định được tên lửa AGM-114 là vũ khí trong cuộc tập kích dẫn tới câu hỏi là tại sao Mỹ không sử dụng "Bom Ninja" (biến thể AGM-114R9X có tới 6 lưỡi dao như đã từng sử dụng nhằm vào các lãnh đạo khủng bố ở Syria) và biến thể Hellfire nào đã được người Mỹ sử dụng.
Theo tờ New York Times, cuộc tập kích là một sự kết hợp của một loạt hoạt động tình báo cao cấp từ khai thác nguồn tin địa phương, tác chiến điện tử, máy bay trinh sát và các kỹ thuật giám sát khác.
Rõ ràng là người Mỹ đã có đầy đủ thông tin xác định các nhân vật có mặt trong hai chiếc xe hơi và việc lựa chọn địa điểm tập kích là đường ra khỏi sân bay Baghdad đã loại trừ thương vong không đáng có cho dân thường.
Nó khiến việc tiêu diệt toàn bộ mục tiêu trong hai chiếc xe được ưu tiên sử dụng các loại thiết bị nổ chứ không phải "vũ khí lạnh" như AGM-114R9X.
Các biến thể của tên lửa AGM-114 Hellfire.
Trong một cuộc phỏng vấn của hãng tin Reuters, chỉ huy dân quân Abu Muntathar al-Hussaini nói: "Chiếc xe chở Tướng Soleimani và ông Abu Mahdi al-Muhandis trúng hai tên lửa dẫn đường phóng liên tiếp còn chiếc xe thứ hai chở các vệ sĩ bị trúng một tên lửa".
Vụ nổ của tên lửa AGM-114 Hellfire đã "xé nát" thân thể của vị tướng Iran (việc xác định nhân thân đã phải dựa vào một chiếc nhẫn trên thi thể), còn phó chỉ huy người Iraq đã bị cháy tới mức không thể nhận diện.
Một cảnh quay của camera an ninh vào thời điểm vụ tập kích diễn ra cho thấy vụ nổ được kết hợp bởi một đám cháy nhiên liệu và các mảnh kim loại bốc cháy, nó cho thấy nhiều khả năng biến thể nhiệt áp tăng cường kim loại AGM-114N đã được sử dụng.
AGM-114N được thiết kế phục vụ chiến tranh đô thị, nó có thể gây ra thiệt hại lớn trong cấu trúc kín như lô cốt, các phòng của một tòa nhà và mục tiêu ẩn nấp trong công sự.
Đầu đạn chứa một loại bột nhôm flo hóa được xếp lớp giữa kim loại cho mục đích phân mảnh và chất nổ PBXN-112.
Khi AGM-114N phát nổ, hỗn hợp bột nhôm bị phân tán và bốc cháy rất nhanh cùng với các phân mảnh gây mức sát thương lớn cho mục tiêu như những gì đã diễn ra ở Baghdad, Iraq.
Camera giám sát ghi lại cảnh tên lửa bắn trúng xe hơi chở Tướng Qassem Soleimani và phó chỉ huy dân quân Iraq hôm 3/1/2020.