Mỹ rút khỏi hiệp ước INF: Cơn ác mộng mới của Trung Quốc sẽ diễn ra như thế nào?

Vy Lam |

Quyết định này sẽ cho phép Washington cạnh tranh với Bắc Kinh trong lĩnh vực chế tạo các loại vũ khí tương tự mà trước đây từng nằm trong danh sách cấm của Hiệp ước INF.

Hôm 20/10, Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF). Tổng thống Donald Trump cáo buộc rằng Nga đã "vi phạm hiệp ước INF trong nhiều năm", và "chúng tôi sẽ không để họ vi phạm thỏa thuận hạt nhân, chế tạo những vũ khí mà theo nội dung của thỏa thuận chúng tôi không được phép chế tạo".

Tuy nhiên, bất chấp những cáo buộc cho rằng Moscow đã nhiều lần vi phạm hiệp ước (Nga được cho là đã tiến hành thử nghiệm bay một loại tên lửa hành trình nằm trong danh sách cấm từ năm 2008) thì quyết định rút khỏi INF của Mỹ không hẳn là nhằm vào Nga, hay thậm chí cũng không phải vì vũ khí hạt nhân.

Theo chuyên gia Nathan Levine trên tạp chí National Interest, trong kỷ nguyên mới của cuộc cạnh tranh chiến lược, động thái trên của Mỹ đang nhằm trực tiếp vào cuộc đối đầu với Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trung Quốc đối mặt với viễn cảnh ác mộng

Trung Quốc không tham gia INF – Hiệp ước nghiêm cấm phát triển hoặc triển khai các loại tên lửa đạn đạo/hành trình mang đầu đạn thông thường/hạt nhân phóng từ trên bộ có tầm bắn từ 500-5.500km.

Điều đó đã cho phép Bắc Kinh xây dựng một kho vũ khí khổng lồ gồm các loại vũ khí thông thường có khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD), như tên lửa đạn đạo chống tàu – "sát thủ tàu sân bay" DF-21D (tầm bắn 1.500km). Trong khi ấy, tất cả những vũ khí trên đều nằm trong danh sách mà Mỹ bị cấm triển khai.

Mỹ rút khỏi hiệp ước INF: Cơn ác mộng mới của Trung Quốc sẽ diễn ra như thế nào? - Ảnh 1.

Tầm bắn và phạm vi bao phủ của một số loại tên lửa Trung Quốc. Ảnh: National Interest

Điều này đã khiến Mỹ bị vượt mặt đáng kể trong cuộc cạnh tranh "tầm bắn" giữa các hệ thống khí tài được thiết kế để kiểm soát một cách an toàn các vùng biển và các vùng không phận phức tạp ở tây Thái Bình Dương.

Trong trường hợp nổ ra xung đột công nghệ cao, các tàu chiến mặt nước của Hải quân Mỹ sẽ gặp nhiều bất lợi, phải phụ thuộc vào các hệ thống thế hệ cũ, như tên lửa tấn công mặt đất Tomahawk và lực lượng triển khai từ tàu sân bay (vốn rất dễ bị tấn công) để đối đầu với các loại vũ khí A2/AD vô cùng nguy hiểm mà Trung Quốc có thể giấu bên trong lãnh thổ.

Đây là một vấn đề lớn, bởi theo ông Christopher Johnson, cựu chuyên gia phân tích các vấn đề Trung Quốc của CIA, "Trong bất cứ cuộc chiến tranh đường không nào, chúng ta sẽ đều chiến đấu rất tốt trong vài ngày đầu", tuy nhiên, "sau đó chúng ta phải rút về Nhật Bản, và tại đó, ta không thể tiến hành đủ các đợt xuất kích để tấn công thọc sâu vào lục địa Trung Quốc".

Trong trường hợp không thể tấn công các hệ thống chống tàu trên lục địa Trung Quốc thì các tàu sân bay Mỹ hoạt động ngoài khơi Trung Quốc sẽ rơi vào tình cảnh vô cùng nguy hiểm.

Tuy nhiên, theo ông Levine, việc Mỹ rút khỏi INF có thể giúp đảo ngược trạng thái đối kháng này và khiến Trung Quốc đối mặt với viễn cảnh ác mộng.

Các hệ thống vũ khí thông thường mới của Mỹ (bắt đầu từ phiên bản phóng từ mặt đất của tên lửa Tomahawk, sau đó mở rộng tới các loại tên lửa đạn đạo tương tự như DF-21 và DF-26 của Trung Quốc) có thể được bố trí tại các khu vực xa xôi, không thể đánh chìm được như bắc Nhật Bản, nam Philippines hay thậm chí bắc Australia.

Những vũ khí này có tiềm năng trở thành nền tảng cho một chiến lược quân sự khác của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương – hiện chiến lược này đang ngày càng nhận được nhiều sự tán thành của các chuyên gia quân sự ở Washington.

Chiến lược mới sẽ sử dụng các hệ thống A2/AD của Mỹ để phong tỏa các vùng biển nằm trong "chuỗi đảo thứ nhất" và biến các vùng biển gần Trung Quốc trở thành "No Man's Land" (vùng đất chẳng thuộc về ai).

Chiến lược Phòng thủ quần đảo, như chuyên gia Andrew Krepinevich đề cập trên tờ Foreign Affairs, sẽ mang lại cho Mỹ khả năng răn đe và kiềm chế sự hung hăng quân sự của Trung Quốc mà không cần phải triển khai các tàu chiến mặt nước của Mỹ ở khu vực nhiều nguy hiểm.

Ngoài ra, chiến lược này có thể sẽ có chi phí thấp hơn đáng kể (cả về tiền và nhân lực) so với chiến lược phụ thuộc vào các nhóm tác chiến tàu sân bay đắt tiền để duy trì quyền kiểm soát trên biển.

Các nhà chiến lược Trung Quốc từ lâu đã rất lo ngại về khả năng xảy ra viễn cảnh này, trong đó, các hệ thống phòng thủ của Mỹ và đồng minh trong khu vực sẽ khiến Trung Quốc không thể triển khai lực lượng hải quân vượt ra bên ngoài các vùng biển lân cận.

Mỹ rút khỏi hiệp ước INF: Cơn ác mộng mới của Trung Quốc sẽ diễn ra như thế nào? - Ảnh 2.

Hệ thống tên lửa hành trình phóng từ trên bộ BGM-109G, được Mỹ phát triển trong thập kỷ cuối của Chiến tranh Lạnh và sau đó bị phá hủy theo Hiệp ước INF. Ảnh: Wiki

Mỹ đã quyết định sáng suốt?

Nhiều chuyên gia phân tích kiểm soát vũ khí đã cảnh báo rằng việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF có thể kích động một cuộc "chạy đua tên lửa". Chính trị gia Aleksey Pushkov của Nga thậm chí còn tuyên bố động thái này "là một đòn giáng mạnh mẽ vào toàn bộ hệ thống ổn định chiến lược của thế giới".

Song, ông Levine cho rằng, ít nhất trong tình cảnh của Mỹ-Trung hiện nay thì động thái của Washington, ngược lại, có thể giúp tăng mức độ ổn định chiến lược vì 2 lý do sau.

Đầu tiên, nếu đi theo Chiến lược Phòng thủ Quần đảo như đã đề cập ở trên thì Mỹ không nhất thiết phải triển khai các hệ thống quá đồ sộ tới khu vực nằm trong tầm bắn của vũ khí Trung Quốc nếu xảy ra khủng hoảng.

Những hệ thống trên, nếu bị thiệt hại, sẽ là thảm kịch lớn (VD như thiệt hại một chiếc tàu sân bay có thể kéo theo 6.000 sinh mạng), khiến bất cứ nhà lãnh đạo nào của Mỹ cũng sẽ cảm thấy vô cùng áp lực, buộc phải bất ngờ khiến tình hình leo thang lên quy mô của một cuộc xung đột.

Trong khi đó, các loại vũ khí tấn công tầm xa không người lái, với chi phí rẻ, có thể làm tốt nhiệm vụ của chúng, và giúp giảm nguy cơ leo thang khủng hoảng.

Mỹ rút khỏi hiệp ước INF: Cơn ác mộng mới của Trung Quốc sẽ diễn ra như thế nào? - Ảnh 4.

Những phương tiện tác chiến đồ sộ và đắt đỏ như tàu sân bay, nếu thiệt hại, sẽ là thảm kịch lớn đối với Mỹ.

Thứ hai, khi Mỹ giảm nhu cầu triển khai các tàu mặt nước gần Trung Quốc thì nhu cầu tấn công các hệ thống tên lửa nằm trong lục địa Trung Quốc cũng sẽ giảm theo.

Điều này rất có ý nghĩa, bởi như chuyên gia Caitlin Talmadge từng giải thích trong một bài báo gần đây trên tờ Foreign Affairs, các loại vũ khí hạt nhân được Trung Quốc trà trộn với lực lượng tên lửa thông thường.

Do đó, Mỹ gần như không thể tấn công vào kho tên lửa đạn đạo thông thường của Trung Quốc mà không vô tình phá hủy các hệ thống nằm trong lực lượng răn đe hạt nhân chiến lược của Bắc Kinh.

Trong trường hợp "phải đối mặt với mối đe dọa như vậy, giới lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ triển khai những vũ khí hạt nhân còn lại", làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại