Mỹ quyết giải mật mọi thông tin tình báo về nguồn gốc COVID-19

Bằng Hưng |

Hạ viện Mỹ bỏ phiếu nhất trí 100% yêu cầu giải mật thông tin tình báo về nguồn gốc virus gây đại dịch COVID-19 đã khiến hơn 1 triệu người Mỹ tử vong.

Cuộc bỏ phiếu diễn ra hôm 10-3 (giờ Mỹ) nhận được sự ủng hộ hoàn toàn tại Hạ viện, với tỉ lệ 419 phiếu thuận và 0 phiếu chống.

Vì đã được Thượng viện Mỹ nhất trí thông qua tuần rồi nên dự luật "giải mã nguồn gốc COVID-19 " sẽ chuyển đến Nhà Trắng để Tổng thống Joe Biden ký ban hành thành luật.

Hãng AP mô tả cuộc tranh luận tại Hạ viện diễn ra ngắn gọn và đi thẳng vào vấn đề: Công chúng Mỹ cần câu trả lời rằng virus SARS-CoV-2 hình thành như thế nào và làm sao để ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh trong tương lai?

"Người dân Mỹ cần biết mọi khía cạnh của đại dịch COVID-19, bao gồm cách thức virus hình thành và cụ thể là sự xuất hiện của nó có liên quan tới phòng thí nghiệm hay không?" - ông Mike Turner, Chủ tịch Uỷ ban Tình báo Hạ viện Mỹ, cho hay.

Việc giải mật tập trung vào thông tin tình báo liên quan đến Viện Virus học Vũ Hán (Trung Quốc) xem có "mối liên hệ tiềm ẩn" nào giữa nghiên cứu được thực hiện ở đó với sự bùng phát của COVID-19 hay không.

Mỹ quyết giải mật mọi thông tin tình báo về nguồn gốc COVID-19 - Ảnh 1.

Hình ảnh dưới kính hiển vi về virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19 do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ công bố. Ảnh: AP

Giới chức tình báo Mỹ đang bị chia rẽ về việc liệu rò rỉ từ phòng thí nghiệm hay sự lây lan từ động vật là nguồn gốc thực sự của loại virus gây đại dịch này.

"Tính minh bạch là nền tảng của nền dân chủ của chúng ta" - Hạ nghị sĩ Jim Himes của đảng Dân chủ và cũng là thành viên Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ phát biểu trong cuộc tranh luận.

Được biết, nếu được Tổng thống Joe Biden ký ban hành, luật này yêu cầu trong vòng 90 ngày phải giải mật "tất cả thông tin liên quan đến mối liên hệ tiềm ẩn giữa Viện Virus học Vũ Hán và nguồn gốc của virus SARS-CoV-2". Điều đó bao gồm thông tin về nghiên cứu và các hoạt động khác tại phòng thí nghiệm và liệu có nhà nghiên cứu nào bị bệnh hay không.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức tuyên bố COVID-19 là đại dịch vào ngày 11-3-2020. Các cuộc tranh luận về nguồn gốc đại dịch COVID-19 luôn là chủ đề gây tranh cãi không chỉ bên trong nước Mỹ mà còn giữa Washington và Bắc Kinh.

Tháng trước, tờ The Wall Street Journal dẫn một báo cáo cho hay Bộ Năng lượng Mỹ đã kết luận "với mức tự tin thấp" rằng đại dịch COVID-19 có khả năng phát sinh từ một vụ rò rỉ phòng thí nghiệm của Trung Quốc.

Sau đó, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray cũng cho biết họ tin rằng đại dịch COVID-19 có khả năng xuất phát từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.

Đáp lại, phía Trung Quốc phủ nhận báo cáo của Mỹ và cáo buộc Washington "lan truyền thông tin hoang đường" mà không có "bằng chứng hỗ trợ".

Trong khi đó, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom hôm 3-3 cho biết họ vẫn đang làm việc để xác định nguồn gốc của đại dịch COVID-19. "WHO không từ bỏ bất kỳ kế hoạch nào nhằm xác định nguồn gốc đại dịch COVID-19" - ông Tedros Adhanom nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại