Mỹ-Nga liên thủ đối đầu 'kẻ thù' Trung Quốc, tại sao không?

Hồng Anh |

Hai nước Nga-Mỹ hoàn toàn có thể trở thành các đối tác trên cùng chiến tuyến chống lại 'kẻ thù' Trung Quốc, ông Harry J. Kazianis nhận định trên trang The American Conservative.

** Bài viết thể hiện quan điểm của ông Harry J. Kazianis, Giám đốc phụ trách lĩnh vực nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia, đồng thời ông còn là tổng biên tập của tạp chí National Interest (Lợi ích Quốc gia).

Mỹ-Nga sẽ hợp lực trước sự trỗi dậy của Trung Quốc?

Trong khi những người mang tư tưởng "cấp tiến" cánh tả vẫn ám ảnh rằng điệp viên Nga đã thâm nhập vào mọi ngóc ngách của nước Mỹ, thì có khả năng rất cao rằng Washington và Moskva sẽ sớm bắt tay hợp tác sau cuộc gặp thượng đỉnh Helsinki ngày 16/7.

Cả hai nước Nga-Mỹ đều có lí do chính đáng để lo sợ trước những thay đổi về trật tự thế giới sắp xảy ra và ảnh hưởng tới vị thế của họ. Hơn nữa, nhiều bài học lịch sử cũng cho thấy rằng khi một thế lực mới muốn thay đổi trật tự thế giới, thì ngay cả những kẻ thù lâu năm nhất cũng có thể bắt tay hợp tác với nhau.

"Thế lực" mà tôi vừa nhắc tới trên đây chính là Trung Quốc - cường quốc châu Á đang trên đà lớn mạnh và gia tăng vị thế nhanh chóng.

Rõ ràng, xét từ tốc độ phát triển hiện nay, một ngày nào đó sức mạnh kinh tế của Trung Quốc sẽ còn vượt xa cả sức mạnh kinh tế của Nga và Mỹ cộng lại. 

Hơn nữa, nếu chuyển hóa sức mạnh kinh tế to lớn ấy của Trung Quốc thành sức mạnh quân sự, thì số phận của Mỹ và Nga coi như đã được định sẵn từ trước.

Sau Chiến tranh Lạnh, điều giúp hai nước Mỹ-Trung Quốc duy trì quan hệ là sự hợp tác về kinh tế, thế nhưng gần đây mối quan hệ hợp tác này đang xấu đi từng ngày.

Không chỉ bất đồng, Washington còn liệt kê Bắc Kinh vào danh sách những 'kẻ thù' của nước Mỹ, bên cạnh Nga và EU. Nước Mỹ đang phải đối mặt với mức thâm hụt thương mại 500 tỉ USD mỗi năm do vấn nạn trộm cắp sở hữu trí tuệ của Trung Quốc. Hơn nữa, Mỹ còn cáo buộc Trung Quốc 'ăn cắp' hàng tỉ USD và rất nhiều bí mật quân sự của nước này.

Không chỉ dừng lại ở vấn đề thương mại, Mỹ-Trung Quốc còn có nhiều mâu thuẫn về địa chính trị, như các vấn đề trên khu vực Biển Đông, Biển Hoa Đông, hay eo biển Đài Loan... Những mâu thuẫn này đang có chiều hướng xấu đi và có nguy cơ bùng phát thành các cuộc đối đầu quân sự trong tương lai.

Mỹ-Nga liên thủ đối đầu kẻ thù Trung Quốc, tại sao không? - Ảnh 2.

Từ trái qua phải: Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh APEC 2017. Ảnh: Adrian Wyld/The Canadian Press/AP.

Nga-Trung bằng mặt, nhưng chưa chắc đã bằng lòng

Dù Nga có thể chưa muốn thừa nhận ngay lúc này, nhưng họ cũng có vấn đề riêng với Trung Quốc.

Hiện nay Moskva và Bắc Kinh đều đang bàn tới mối quan hệ đối tác thân thiết, tăng cường hợp tác kinh tế, kí kết các thỏa thuận năng lượng, và thậm chí Nga còn đang đẩy mạnh các thương vụ bán các loại vũ khí tân tiến nhất của nước này cho Trung Quốc.

Như vậy, ít nhất hai nước Nga-Trung cũng đang có mối quan hệ khá tích cực - nếu xét từ vẻ bề ngoài.

Tuy nhiên điều đó sẽ không kéo dài. Xét về lâu dài, Moskva sẽ phải tính đến những ý định của Bắc Kinh.

Thứ nhất là mối lo ngại về dự án cơ sở hạ tầng "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc, được thực hiện nhằm thúc đẩy liên kết giữa Trung Quốc với các quốc gia trên lục địa Á-Âu-Phi, trong đó có sự tham gia của nhiều nước Trung Á thuộc Liên Xô cũ.

Không chỉ kí kết những thỏa thuận năng lượng lớn, các quốc gia này còn được hưởng nhiều lợi ích kinh tế khi hợp tác với Bắc Kinh. Điều này có thể sẽ khiến Moskva lo ngại rằng những người 'láng giềng gần' sẽ có ngày theo hẳn phe Trung Quốc.

Thứ hai là cán cân vũ khí quân sự trong vài năm tới có thể sẽ không nghiêng về phía Moskva như hiện nay nữa. 

Hiện nay Trung Quốc đã và đang đặt mua một số thiết bị quân sự hiện đại bậc nhất của Nga, như hệ thống phòng không S-400 và chiến đấu cơ Su-35.

Tuy nhiên, rất có khả năng Trung Quốc sẽ đánh cắp và sao chép công nghệ của các loại vũ khí này để tự sản xuất trong nước và thậm chí là xuất khẩu ra thị trường nước ngoài với giá rẻ hơn nhiều so với mặt hàng gốc, và trực tiếp cạnh tranh với Nga trên thị trường mua bán với Mỹ.

Hơn nữa, nếu như một cuộc chiến nổ ra giữa hai nước Nga-Trung, thì Nga sẽ phải chiến đấu với chính công nghệ vũ khí của mình. Lịch sử đã chứng minh rằng viễn cảnh đó là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Cuối cùng, Nga và Trung Quốc từng có mối quan hệ không mấy êm đềm trong quá khứ - do đó rất có khả năng Bắc Kinh sẽ tìm cách trả đũa Nga vì những sai lầm trong lịch sử.

Nhiều ý kiến tại Trung Quốc tin rằng các phần lãnh thổ thuộc lục địa châu Á của Nga là một phần của nước Trung Quốc cổ đại - và họ cho rằng một ngày nào đó Trung Quốc có thể 'đòi lại' các phần lãnh thổ này, giống như những động thái tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông trong những năm gần đây.

Tóm lại, có thể Mỹ và Nga chưa thể lập liên minh đối phó Trung Quốc ngay lúc này, tuy nhiên điều đó rất có thể sẽ xảy ra trong tương lai. Mặc dù hiện nay đa số người Mỹ phản đối Tổng thống Trump làm thân với người đồng cấp Nga, nhưng biết đâu trong tương lai hai nước này lại trở thành đối tác trên cùng chiến tuyến chống lại 'kẻ thù' Trung Quốc?

Ông Trump bắt tay ông Putin tại thượng đỉnh Mỹ - Nga ở Helsinki.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại