Mỹ lách cấm vận Nga vì... trực thăng Mi-17 Afghanistan

Nhật Nam |

Mặc dù đã ban hành lệnh cấm vận quốc phòng với Nga nhưng Mỹ buộc phải lách luật vì trót mua trực thăng Mi-17 của Nga cung cấp cho Afghanistan.

Mỹ lách cấm vận Nga vì máy bay trực thăng Afghanistan

Trong cuộc phỏng vấn của chương trình truyền hình Nga ngày 12/3, Tổng giám đốc Tổng công ty nhà nước "Rostec" Sergei Chemezov tuyên bố, các biện pháp trừng phạt của Mỹ không ảnh hưởng đến doanh thu xuất khẩu vũ khí Nga của Công ty xuất nhập khẩu vũ khí quốc doanh Rosoboronexport.

Theo ông, hợp tác kỹ thuật quân sự trực tiếp với Hoa Kỳ gần như là không có, ngoại trừ việc Mỹ mua của Nga 50 trực thăng vận tải Mi-17, để cung cấp cho đồng minh của mình là quân đội Afghanistan. Tất cả các hợp đồng này đều được thực hiện trước năm 2014, tức là trước khi Mỹ ban hành lệnh trừng phạt Nga sau cuộc khủng hoảng chính trị Ukraine.

Ông Chemezov nói rằng, mặc dù hai nước đã cắt đứt quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự nhưng hiện nay, vấn đề đặt ra là phải sửa chữa các máy bay của Afghanistan, vì vậy người Mỹ buộc phải hủy bỏ các biện pháp trừng phạt mới đối với Rosoboronexport để mua phụ tùng và thực hiện công tác bảo dưỡng.

Theo đó, vào tháng 6/2015, Bộ quốc phòng Hoa Kỳ đã buộc phải tiếp tục dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với các hợp đồng của tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport về sửa chữa, bảo trì máy bay trực thăng Mi-17 của không quân nước đồng minh Afghanistan.

Theo Tổng giám đốc tập đoàn, các hạn chế đưa ra từ ngày 2 tháng 9 năm 2015, đã được dỡ bỏ ngay vào ngày 25 tháng 11 năm đó. Tuy nhiên, Mỹ cũng “thòng” thêm một điều khoản là, các quyết định dỡ bỏ lệnh cấm được đưa ra trong vòng hai năm, nhưng nếu cần thiết, phía Mỹ có thể sẽ gia hạn.

 Mỹ lách cấm vận Nga vì... trực thăng Mi-17 Afghanistan - Ảnh 1.

Trực thăng Mi-17 Nga được quân đội các nước đồng minh của Mỹ ưa thích

Sau đó, tập đoàn Rosoboronexport đã ký kết hợp đồng với công ty LOM Praha của Séc để kiểm tra kỹ thuật bốn máy bay trực thăng đầu tiên. Sau khi công ty này đưa ra các đánh giá về tình trạng kỹ thuật của máy bay, công ty của Nga sẽ đề xuất các biện pháp giải quyết.

Nhà lãnh đạo Rostec còn nói thêm rằng, tuy không còn các thương vụ giao dịch vũ khí quân dụng nhưng Hoa Kỳ vẫn là thị trường chính tiêu thụ vũ khí thể thao và vũ khí săn bắn của tập đoàn Kalashnikov, thậm chí là các công ty Mỹ còn xin giấy phép chế tạo súng ngay tại thị trường Mỹ.

Ông nhấn mạnh, hiện người Mỹ không hài lòng với tình hình này và đang buộc phải tìm kiếm thị trường mới, đó là các nước trong thế giới Ả Rập, các nước Đông Nam Á hay các quốc gia Mỹ Latinh. Ngoài ra, Mỹ cũng có kế hoạch “thoát Nga” trong tương lai.

Mỹ ép đồng minh không được mua trực thăng Nga, xài đồ cũ của Mỹ

Vào tháng 6/2016, Quốc hội Mỹ cũng ban hành lệnh cấm chính phủ Afghanistan không được dùng ngân sách viện trợ quân sự của Mỹ để mua trực thăng Mi-35 của Nga, buộc Kabul phải dừng kế hoạch này để tìm nguồn kinh phí mua sắm mới từ Moscow.

Theo đó, vào cuối tháng 11/2016, Lầu Năm Góc đã chính thức từ chối mua thêm máy bay trực thăng Mi-17 của Nga và trong tương lai sẽ chỉ cho phép quân đội nước này mua máy bay trực thăng UH-60A Black Hawk của công ty Sikorsky-Mỹ, để cung cấp cho quân đội Afghanistan.

Lầu Năm Góc thông báo rằng thay vì mua máy bay trực thăng Nga Mi-17 cho các lực lượng Afghanistan, họ đang có kế hoạch rút khỏi hệ trang bị của quân đội Mỹ 53 máy bay trực thăng UH-60 và nâng cấp chúng để giao cho quân đội Afghanistan.

Theo các thành viên của Quốc hội, các lực lượng vũ trang Mỹ sẽ được nhận máy bay mới UH-60MS, trong khi những chiếc UH-60 bị loại biên vẫn có thể sử dụng được hàng chục năm nữa, đây là nguồn cung không tồi cho quân đội Afghanistan.

Ngược lại thời gian trước đây khoảng gần 1 thập kỷ, Lầu Năm Góc đã bất chấp những phản đối của Quốc hội nước này để mua máy bay trực thăng Mi-17 Nga cho quân đội các nước đồng minh ở châu Á, bởi họ chỉ a thích sử dụng trực thăng của Nga.

Máy bay trực thăng vận tải của Nga được thiết kế đặc biệt cho cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố ở địa hình đồi núi hiểm trở, đặc biệt phù hợp với địa hình các khu vực Trung Á và Nam Á rộng lớn, nhiều rừng rậm, núi cao, sông suối. Hơn nữa, chúng rất dễ bảo dưỡng và vận hành.

Tổng cộng, Lầu Năm Góc đã mua tổng số khoảng 50 chiếc để cung cấp cho quân đội Afghanistan. Ngoài ra, quân đội Pakistan và Quân đội Iraq cũng được cung cấp vài chục chiếc trực thăng Mi-17 nữa, để các nước này sử dụng trong cuộc chiến chống khủng bố.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại