LTS: Trong cuộc tổng tiến công nổi dậy Mùa Xuân 1975, Bộ Thống soái tối cao đã lựa chọn Buôn Ma Thuột là trận then chốt quyết định bởi nếu chiếm được thị xã này sẽ làm rung chuyển cả Tây Nguyên và miền Nam.
Xin trân trọng giới thiệu với độc giả loạt bài của Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt (Nguyên Trưởng ban KH-CN-MT Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp, nguyên chiến sĩ lái xe tăng số 380 thuộc Đại đội 4, Lữ đoàn 203, cùng đơn vị với các xe tăng 390 và 843 húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa 30-04-1975) về trận đánh lịch sử đó.
Kỳ 1: Điều binh như thần, nghi binh như ảo thuật: Tháng 3/1975, Buôn Ma Thuột như "cá nằm trên thớt"
Kỳ 2: Hai trận thắng vang dội của xe tăng VN: Sự trùng hợp ngẫu nhiên hay lịch sử lặp lại?
Kỳ 3: Đại tá thiết kỵ VNCH không ngờ lại có ngày "được" đi xe thiết giáp của Quân Giải phóng
Đến với thành phố Buôn Mê Thuột (BMT) hầu như du khách nào cũng đến thăm Tượng đài chiến thắng ở Ngã Sáu của thành phố. Nói cho công bằng đây là một tượng đài đẹp, mô phỏng cây ná- một thứ vũ khí tuy thô sơ nhưng đã có công rất lớn trong sinh tồn cũng như đánh giặc giữ làng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Điểm nhấn trọng tâm của Tượng đài là một chiếc xe tăng được đặt trên bệ cao, dưới vòm cánh cung của cây ná. Đó là một chiếc xe tăng T-54 được đắp bằng bê tông theo đúng kích thước thật với nòng pháo vươn cao uy nghi, lẫm liệt.
Trên tháp pháo của xe đắp nổi 3 chữ số: 980. Lý do đặt xe tăng ở vị trí đó khá dễ hiểu và hầu hết du khách có thể suy ra được. Song tại sao nó lại mang số hiệu 980 thì không phải ai cũng biết!
Xe tăng T-54 số hiệu 980 trên Tượng đài Chiến thắng Buôn Mê Thuột.
Tại sao lấy số 980 cho xe tăng đặt trên tượng đài?
Ngã sáu Buôn Ma Thuột là hợp điểm của 6 con đường qua trung tâm thành phố. Ngã sáu cũng chính là giao điểm của quốc lộ 26 chạy theo hướng Đông - Tây và quốc lộ 14 chạy theo hướng Bắc- Nam.
Với vị trí trung tâm như vậy, đây cũng là một địa điểm đã xảy ra giao tranh dữ dội trong trận tiến công BMT của Quân giải phóng trong các ngày 10 và 11.3.1975 - trận then chốt quyết định trong chiến dịch Tây Nguyên làm rung chuyển cả miền Nam.
Vì vậy, sau ngày đất nước thống nhất chính quyền tỉnh Đắc Lắc quyết định xây dựng ở đây một tượng đài chiến thắng để tuyên dương công trạng của các lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh đã làm nên chiến thắng vĩ đại này.
Đánh giá cao vai trò của xe tăng trong chiến thắng BMT, người ta đã quyết định xây một bệ cao và đặt lên đó một chiếc xe tăng. Đó là chiếc T34-85 mang số hiệu 945 - một con số mang ý nghĩa tượng trưng cho thời điểm giành độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Tuy nhiên sau đó người ta nhận được nhiều ý kiến phản hồi khác nhau về tượng đài nhưng lại tập trung vào một chủ đề, đó là: xe tăng T34-85 là loại xe cũ và không hề tham gia trận đánh BMT! Vậy tại sao lại đặt nó lên đây?
Sau khi tham khảo các chuyên gia- nhất là các nhà nghiên cứu lịch sử quân sự và các tướng lĩnh đã tham gia trận đánh, năm 1997 chính quyền tỉnh Đắc Lắc đã quyết định xây dựng lại tượng đài và thay chiếc xe tăng T34-85 bằng chiếc xe tăng T-54 là loại xe tăng chủ công trong trận đánh.
Xe tăng T34-85 trên Tượng đài Chiến thắng Buôn Mê Thuột.
Song do lúc đó, việc xin một chiếc xe tăng thật đặt lên tượng đài là hết sức khó khăn nên người ta đành phải đắp nó bằng bê tông.
Còn số hiệu xe được lấy là 980 bởi xe 980 là xe của Anh hùng Đoàn Sinh Hưởng - nguyên đại đội trưởng Đại đội xe tăng 9 của Trung đoàn 273 thời điểm 1975.
Đây là xe dẫn đầu đội hình thọc sâu của trận đánh, chính nó đã bắn sập cổng Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23, sau đó dẫn dắt đội hình xung phong đánh chiếm căn cứ này. Tiếp đó, xe 980 lại dẫn đầu đội hình đánh qua Ngã Năm lên Ngã Sáu. Với những chiến tích vẻ vang đó, số hiệu 980 đã được gắn cho chiếc xe trên tượng đài này.
Một xe hai tướng - độc nhất vô nhị?
Không chỉ lập chiến công vang dội trong chiến đấu, xe 980 còn có những bí mật thú vị về những thành viên của nó mà không phải ai cũng biết!
Tính đến thời điểm 30.4.1975, người gắn bó nhất với chiếc T-54 số hiệu 980 là đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng trên cương vị trưởng xe. Ông gắn bó với chiếc xe này từ khi hành quân từ miền Bắc vào chiến trường B3 cho đến khi kết thúc trận đánh địch rút chạy ở Cheo Reo - Phú Bổn ngày 21.3.1975.
Sau trận này, đại đội của Đoàn Sinh Hưởng được lệnh bàn giao xe cho đơn vị khác và nhận xe chiến lợi phẩm tiếp tục chiến đấu.
Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng ngoài cùng bên phải.
Sau ngày đất nước thống nhất, Đoàn Sinh Hưởng được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT và đi học tại Học viện xe tăng mang tên Nguyên soái Ma-li-nốp-xki (Liên Xô), sau đó là Học viện Quốc phòng và đã hoàn thành học vị Tiến sĩ tại đây.
Sau khi trải qua nhiều cương vị quan trọng ông được bổ nhiệm chức vụ Tư lệnh binh chủng Tăng Thiết giáp (TTG) năm 1993, Tư lệnh Quân khu 4 năm 2005 rồi về hưu với quân hàm Trung tướng.
Do trong quá trình hành quân và chiến đấu, biên chế các xe thường thay đổi theo yêu cầu nhiệm vụ và khả năng của mỗi người nên một trong những lái xe đã từng điều khiển xe 980 là Hoàng Trung Kiên. Sau ngày thống nhất đất nước Kiên được đi học tại Trường sĩ quan TTG. Tốt nghiệp, ông ở lại trường công tác.
Với tư chất thông minh và khả năng sư phạm cũng như nghiên cứu khoa học ông đã trở thành PGS- TS, Nhà giáo ND và được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường sĩ quan TTG. Năm 2010 ông được cấp trên giao đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh binh chủng TTG và được phong quân hàm Thiếu tướng.
Một xe có hai thành viên trở thành sĩ quan cấp tướng - 980 dường như "độc nhất vô nhị" trong lĩnh vực này!
Thiếu tướng Hoàng Trung Kiên thừa ủy quyền Chủ tịch nước đã gắn huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng ba lên quân kỳ quyết thắng của Trường Hạ sĩ quan xe tăng 1 (2012). Ảnh: Đoàn Hoài Trung.
Còn một điều thú vị nữa là hai vị tướng này có tâm hồn rất lãng mạn và rất yêu thi ca, nghệ thuật. Cả hai đều rất hay làm thơ và đã có nhiều bài thơ được phổ nhạc. Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng đã xuất bản cuốn hồi ký "Những tháng ngày đẹp nhất" năm 2012.
Còn Thiếu tướng Hoàng Trung Kiên đã xuất bản được 2 tập thơ của riêng mình và đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng ngoài làm thơ còn rất ham mê bóng đá. Chính ông chứ không phải ai khác đã đưa đội bóng đá Quân khu 4 lên góp mặt tại VLeague - giải đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam.
Có lẽ 980 không chỉ "độc nhất vô nhị" trên lãnh thổ Việt Nam?