Tàu ngầm Liên Xô quyết đấu nghẹt thở với hải quân Mỹ trên biển Caribe: Cận kề cái chết

Hoàng Anh |

Chiếc tàu ngầm bị giật mạnh đến nỗi các đèn trần tắt lịm: "Báo cáo Trung tâm! Nổ ở boong thượng tầng đằng mũi!" – tiếng trưởng khoang đầu tiên hét lên qua loa điện động.

LTS: Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 suýt chút nữa đã đẩy thế giới đến bờ vực của sự hủy diệt. Thật may là điều tồi tệ nhất đã không xảy ra. Các nhà lãnh đạo của cả 2 phe đã giữ được "những cái đầu lạnh".

Tuy nhiên, có rất nhiều bí mật mãi tới gần đây mới dần dần được hé lộ. Qua hồi ký mang tên "Những người khuấy động biển sâu" của Đại tá Hải quân Liên Xô Nikolai Andreyevich Cherkashin, chúng ta phần nào sẽ hiểu được tình hình lúc đó căng thẳng đến mức nào. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Kỳ 1: Các Anh hùng tàu ngầm Liên Xô đối mặt "tam giác quỷ" Bermuda

Trong cuộc quyết đấu lạ thường giữa các tàu chiến Mỹ và các tàu ngầm Liên Xô, thuyền trưởng tàu ngầm đại dương cỡ lớn B-130, Thiếu tá Shumkov là thuyền trưởng duy nhất có kinh nghiệm bắn ngư lôi hạt nhân ...

Biển Sargasso. 25 tháng 10 năm 1962

Khi thuyền trưởng tàu ngầm đại dương cỡ lớn B-130, Thiếu tá Shumkov nhận được lệnh từ Moskva - "Chuyển phiên liên lạc liên tục", - ông hiểu rằng chỉ còn một vài giờ, nếu không nói là vài phút trước khi nổ ra cuộc chiến tranh với Mỹ, một cuộc chiến tranh thế giới mới - chiến tranh hạt nhân.

"Phiên liên lạc liên tục" - điều ấy có nghĩa đã có lệnh "sử dụng vũ khí đặc biệt" với các tàu chiến của đối phương. Không phải tìm kiếm đối phương ở đâu xa – các khu trục hạm và hộ tống hạm Mỹ đang quần đảo ngay trên đầu. Mục tiêu chính - tàu sân bay trực thăng chống ngầm "Essex" ở gần đó, trong tầm bắn của ngư lôi mang đầu đạn hạt nhân.

"Phiên liên tục" - có nghĩa là tàu ngầm thường trực trong tư thế xòe ăng-ten và kính tiềm vọng trên mặt nước.

Và điều đó diễn ra trong làn nước cực kỳ trong của biển Sargasso, trong vùng quần tụ các tàu chống ngầm đang săn tìm những chiếc tàu ngầm ồn ào khắp mọi nơi và chắc chắn không bỏ lỡ cơ hội để "vô tình" đè sống đáy tàu lên đài chỉ huy tàu ngầm ngay sau khi phát hiện ra bọt sóng màu trắng của kính tiềm vọng.

Nhưng mệnh lệnh là mệnh lệnh, và Shumkov duy trì độ sâu lặn 12 mét, cắt mặt sóng bởi cột ăng-ten đã giương lên, đồng thời với cả hai kính tiềm vọng – kính tiềm vọng thiên đỉnh và kính tiềm vọng thuyền trưởng.

 Tàu ngầm Liên Xô quyết đấu nghẹt thở với hải quân Mỹ trên biển Caribe: Cận kề cái chết - Ảnh 1.

Nikolai Shumkov - Thuyền trưởng tàu ngầm B-130.

Trong cái rủi có cái may - kỹ thuật viên trinh sát vô tuyến kết nối ăng-ten và chăm chú lắng nghe thinh không. Anh mang vào phòng chỉ huy trung tâm bức điện tín vừa chặn thu được: "Đồng chí thuyền trưởng, máy bay chống ngầm "Neptune" đã cất cánh từ căn cứ không quân Ruzveltrost". Anh được lệnh chuyển vũ khí trên tàu về trạng thái sẵn sàng sử dụng.

Giờ này sang giờ khác chẳng có gì khá hơn... Một từ đã hai tháng quẩn quanh trong đầu, giống như một vết khắc đau nhói, nay đã trở thành thực tế: CHIẾN TRANH! Hai ống phóng đằng mũi đã nạp ngư lôi hạt nhân.

Chúng phát nổ như thế nào, Shumkov biết rõ hơn bất cứ ai khác. Một năm trước đây, ông đã bắn đạn ngư lôi hạt nhân trong vịnh Đen tại Đất Mới.

Đất Mới (Novaya Zemlya). Tháng 10 năm 1961

Đầu tiên là một cú volley cho nổ trên mặt nước của đầu đạn nguyên tử. Shumkov quan sát nó qua kính tiềm vọng, sau khi đeo một cặp kính tối màu. Nhưng ánh sáng chói lòa bùng lên xuyên qua kính đen, vẫn làm đau nhói mắt.

Trái ngư lôi hạt nhân thứ hai được ông bắn đi ba ngày sau. Nó ra khỏi ống phóng ở độ sâu 30 mét, và trong khi đạn lao vút đến ô vuông quy định, Shumkov kịp đưa chiếc B-130 của mình lùi về sau ghềnh đá.

Nhưng ngay cả ở vị trí đó ông cũng cảm thấy hình như đại dương đang rùng mình, giống như một con cá voi bị thương ... Một bướu nước khổng lồ bùng lên ở giữa vịnh. Cú chấn động thủy động lực vùi dập tả tơi chiếc tàu ngầm. May là kịp tắt thiết bị sonar ...

Vì những vụ nổ thử nghiệm trên mà ngực áo người sĩ quan trẻ được tô điểm tấm Huân chương Lenin. Đó là lý do tại sao Shumkov, thuyền trưởng duy nhất có kinh nghiệm thực tế bắn ngư lôi hạt nhân, được phái đến bờ biển Cuba – kề ngay nước Mỹ.

Và thủy thủ đoàn chiếc B-130 dưới quyền thuyền trưởng – một tập thể thành thạo đi biển, sóng gió dạn dày, các thủy thủ đã phục vụ đến năm thứ tư, một đội hình như vậy có thể đi bất cứ nơi đâu, ít nhất là phá vỡ cuộc phong tỏa của người Mỹ và trong trường hợp tàu Liên Xô bị chặn giữ, họ sẽ phải giáng đòn tấn công vào các tàu Mỹ từ dưới mặt nước.

Biển Sargasso. Tháng 10 năm 1962

Trận quyết đấu ở biển Sargasso đang ngày càng gay gắt. Shumkov không đợi có lệnh sử dụng vũ khí trên tàu, khi bay máy bay chống tàu ngầm đang bay tới, ông ra lệnh cho tàu lặn ngay. Tuy nhiên, người Mỹ đã giao hội và phát hiện được chiếc tàu ngầm.

Các tàu Mỹ mở hết tốc lực với ý định rõ ràng đâm thẳng vào tàu ngầm Nga. Bốn mươi giây chậm trễ của chiếc khu trục hạm gần nhất và hai mươi mét nước của độ sâu đạt được đã giúp tàu ngầm thoát đòn đánh thẳng vào thân. Tiếng rống xé nước của chân vịt cuồn cuộn trên đầu các thủy thủ tàu ngầm...

 Tàu ngầm Liên Xô quyết đấu nghẹt thở với hải quân Mỹ trên biển Caribe: Cận kề cái chết - Ảnh 2.

B-130 bị buộc phải nổi lên để sửa chữa động cơ diesel và nạp ắc quy ngày 26 tháng 10 năm 1962 tại biển Sargasso, bị máy bay chống ngầm hải quân Mỹ phát hiện, sau đó bị các tàu mặt nước Mỹ phát hiện.

Và nếu sống mũi tàu sắc như gươm cắt nghiến tháp chỉ huy tàu ngầm thì sao? Năm cây số độ sâu nước biển chắc chắn sẽ giấu kín ngôi mộ tập thể bảy mươi tám thủy thủ. Sẽ chẳng có gì với vấn đề trách nhiệm quốc tế.

Tàu ngầm biến mất trong Tam giác Bermuda giống như tàu ngầm S-80 mất tăm tích ở biển Barents hoặc tàu ngầm diesel mang tên lửa đạn đạo chiến lược K-129 trong khu vực quần đảo Hawaii - không có công hàm, không một lời phản đối. Phản đối ai, vì cái gì? Ai đã nhìn thấy? Ai có thể chứng minh? Nói cho cùng – những dấu chấm hết giữa biển khơi bao la...

Và ngoài thân tàu bom chìm đã phát nổ: ầm ầm bên trái ... ầm ầm bên phải ...

Shumkov nhớ rõ những lời chia tay cuối cùng của Tham mưu trưởng Hạm đội Biển Bắc, đô đốc Rassokho "Vũ khí chỉ được sử dụng theo lệnh từ Moskva. Nhưng nếu người ta tát vào má bên phải của bạn – chớ giơ má trái ra!"

Tàu bị giật mạnh đến nỗi các đèn trần tắt lịm.

- Báo cáo Trung tâm! Nổ ở boong thượng tầng đằng mũi! – tiếng trưởng khoang đầu tiên hét lên qua loa điện động.

- Kiểm tra tất cả các khoang! - Đó là tất cả những gì Shumkov có thể trả lời khoang đầu tiên.

- Chúng ta đang bị đánh bom! - ai đó xác định tình hình một cách rầu rĩ. Điện chiếu sáng khẩn cấp bị cắt, và Shumkov ngay lập tức cảm thấy hang chục cái nhìn cầu khẩn hướng vào mình.

Và lập tức ông chợt nhận ra (mà nếu như không nhận ra thì sao?!): không phải đánh bom. Đó là người Mỹ ném lựu đạn tín hiệu xuống nước - ba tiếng nổ theo mã quốc tế để ra lệnh nổi lên ngay lập tức. Nhưng B-130 đã lặn sâu quá nhanh. Trái lựu đạn thứ ba rơi trúng thân tàu, và sức nổ của nó làm kẹt bánh lái sâu đằng mũi.

Đồng hồ đo sâu chỉ 160 mét. Đó là khoảng cách tới bề mặt biển. Tới giới hạn độ sâu lặn thì ít hơn. Tới nền đất đáy biển – còn năm cây số rưỡi.

- Trung tâm ! Khoang 6 đang ngập...! – loa liên lạc giữa các khoang vang lên rồi tạm dừng. Trong khoang 6 – các động cơ điện quay trục chân vịt đang gào rú, nước mặn đang vỗ tung tóe - giống như đổ xăng để dập than hồng.

- Trung tâm! Bịt xong chỗ rò! Khoang 6...

- Rõ, khoang 6!

Shumkov lấy lòng bàn tay lau mồ hôi lạnh trên trán. Lạnh! Đó là cái lạnh trong hỏa ngục bốn mươi độ.

Thân tàu kêu vang, như thể bị quất roi lia lịa. Bị quất, không phải bằng roi mà bởi các xung sonar. Các khu trục hạm "sờ nắn" được con cá mập thép bằng các chùm tia siêu âm, đã nhốt nó vào một chiếc "hộp" khít rịt.

Shumkov cố gắng thoát khỏi chiếc hộp đó bằng phần năng lượng dự trữ ít ỏi còn lại. Giật phải, giật trái, thay đổi độ sâu – đi đâu được cứ đi. Rồi thì sao, điện tử học của người Mỹ quả thật hạng nhất. Vỏ thép rên rỉ dưới những cú đánh.

Bỗng chuẩn úy hải quân-trinh sát viên vô tuyến xuất hiện trong phòng điều khiển trung tâm.

- Đồng chí thuyền trưởng, tôi xin lỗi – có chút nhầm lẫn. Trong bức điện không phải câu "vũ khí sẵn sàng", mà là thiết bị tìm kiếm.

Shumkov không còn sức để gửi điện đi tiếp... Để có đủ điện kéo nước rút, thuyền trưởng ra lệnh ngắt mạch các tấm điện cực bếp điện, giảm ánh sáng trong khoang đến giới hạn nhỏ nhất.

Trong cảnh tranh tối tranh sáng ngột ngạt là hình bóng những con người lột trần đến quần lót đứng như bất động bên các thiết bị máy móc và màn hình với khăn lót giường quấn quanh cổ. Phải giành sự chăm sóc trước nhất cho đội thủy âm - "đôi mắt" của tàu ngầm.

"Để người của chúng tôi không bị đột quỵ nhiệt, - chuyên gia ngành trưởng của lữ đoàn nay là Chuẩn đô đốc về hưu V. Senin hồi tưởng, - người ta cấp cho chúng tôi nửa lít nước trong ca trực nửa giờ, mà xét theo nhiệt độ nước và mùi vị thì nó giống hệt nước tiểu.

Mặc dù vậy, việc trực sonar diễn ra liên tục, vị trí của các tàu khu trục truy kích chúng tôi thường xuyên được xác định trong nhật ký trực máy của tàu, mặc dù sau này nó thấm đầy mồ hôi chúng tôi".

Shumkov: "Bất ngờ – chính là đã chiến thắng! Chúng tôi chỉ có thể làm người Mỹ bất ngờ bằng một cách: cơ động xoay vòng và lao thẳng về hướng nước Mỹ. Đó là điều chúng tôi đã làm..."

Những chiếc khu trục hạm - thợ săn thực sự không ngờ đến điều này. Con cá lớn đã nửa sống nửa chết bỗng lao vuột khỏi chiếc lưới dệt bởi những chùm tia sonar và bằng chút sức lực cuối cùng nó vượt ra ngoài khu vực bị theo dõi. B-130 thoát khỏi những kẻ đeo bám với tốc độ của ... người đi bộ.

 Tàu ngầm Liên Xô quyết đấu nghẹt thở với hải quân Mỹ trên biển Caribe: Cận kề cái chết - Ảnh 3.

Hải quân Mỹ giám sát tàu ngầm Liên Xô gần Cuba năm 1962.

 Ắc quy cũ và đã quá kiệt, vốn chưa kịp thay trước khi vào chiến dịch, đã ép nốt những ampe-giờ cuối cùng từ những tấm bản cực của nó. Nhưng niềm hy vọng mơ hồ cho một kết quả thắng lợi của trận quyết đấu một lần nữa lại mờ mịt, kỹ thuật viên thủy âm thốt vào microphone bằng giọng của người hấp hối:

- Phương vị ... có tiếng làm việc của sonar.

Shumkov héo rũ người – lại bị chúng chộp lần nữa. Giá khi đó ông biết cuộc vùng vẫy vượt thoát kéo dài 4 giờ liền của ông đã gây nên sự náo loạn đến mức nào trên chiếc tàu sân bay chống ngầm "Essex", trong nhóm xung kích tàu sân bay này có những chiếc khu trục hạm không may mắn kia.

Tất cả các máy bay trên hạm và trực thăng trên hạm đều cất cánh lên không trung. Các tàu khu trục dàn đội hình hàng ngang càn quét hết ô vuông này đến ô vuông khác. Họ sục sạo bằng toàn bộ công suất của các thiết bị điện tử tìm kiếm – cả dưới nước và trên mặt nước.

Mà tốc độ của B-130 đã giảm xuống còn một nửa hải lý. Ông già tàn tạ phải lê bước nhanh hơn. Dung lượng ắc quy, theo báo cáo của máy trưởng, cạn gần như "chỉ còn nước". Nếu động cơ sức yếu ở chế độ hành trình tiết kiệm giờ đây lịm hẳn thì con tàu sẽ không còn duy trì được thăng bằng độ sâu – nó sẽ bắt đầu chìm. Hay cho tàu nổi lên?

Shumkov nhìn những khuôn mặt nhễ nhại, hốc hác của các quân nhân dưới quyền, râu ria đen nhẻm bờm xờm quá nhanh. Đã là ngày thứ tư họ phải thở không phải không khí – mà là loại khí dung quái gở sinh ra từ hơi nhiên liệu diesel, thủy lực, acid sulfuric, hydrid antimon và các loại khí khác từ ắc quy thải ra.

Hỗn dịch địa ngục này ăn mòn cả những thứ nhẹ - các mảnh xốp dùng nhồi gối. Shumkov không nghi ngờ rằng kíp thủy thủ của ông sẽ phải hít chất độc này vào ngày thứ năm, thứ sáu, rồi thứ bảy, nếu ông cho phép dùng dự trữ năng lượng cho việc bơi ngầm. Nhưng dự trữ đó còn suy kiệt sớm hơn thể lực con người.

- Tất cả về chỗ! Cho tàu nổi lên!

Các phi công trực thăng Mỹ bay treo lơ lửng trên mặt biển, thót tim theo dõi cảnh tượng chiếc thân dài của con quái vật màu đen trũi hiện ra mờ ảo từ dưới biển nước dày màu xanh biếc trong suốt. Xuất hiện đầu tiên là phần mũi hình đầu rắn và chính diện tháp chỉ huy như hình con mắt trên khuôn mặt có trán hẹp.

B-130 - theo phân loại của người Mỹ về tàu ngầm thuộc lớp "Foxtrot" – đã nhô lên trong tư thế nửa nổi nửa chìm. Thiếu sự làm việc của động cơ diesel các thủy thủ tàu ngầm thậm chí không thể thổi đến cùng sitec dằn.

Các khu trục hạm lập tức quây chặt chiếc tàu ngầm. Đội hộ tống bắt giữ kẻ chạy trốn như thế đấy.

Túm tụm quanh các lan can, các thủy thủ Mỹ đội mũ panama vận quần sooc trắng của bộ quân phục nhiệt đới vừa thảy hạt ngô vào miệng vừa thích thú nhìn những con người bán khỏa thân trên nền ren màu biển xanh đang há miệng hớp không khí trong lành một cách thèm khát.

Làm sao họ có thể biết những con người kiệt sức kia vừa lao ra khỏi một hỏa ngục như thế nào, những cabin không điều hòa nhiệt độ?

Một bức điện mã chưa từng nghe, không thể tưởng tượng nổi, bức điện tự sát bay về Moskva: "Bắt buộc phải nổi lên. Vĩ tuyến ... Kinh tuyến... – Bị 4 khu trục hạm Mỹ bao vây. Các động cơ diesel của tôi bị hỏng và ắc quy hết sạch điện. Tôi đang cố gắng sửa chữa một động cơ diesel. Tôi chờ chỉ thị. Thuyền trưởng PA B-130".

Các điện tín viên ném văn bản này lên thinh không 17 lần. Người Mỹ đã bóp nghẹt kênh liên lạc bằng nhiễu. Phải mất sáu giờ để Moskva biết được khổ nạn của "B-130" ...

- Tất cả các hướng dẫn đều quy định nổi lên ban đêm, - Shumkov bây giờ nhớ lại, - Dù sao tôi cũng đã trùng trình việc cho tàu nổi lên đến bình minh. Tại sao? Bởi vì trong bóng tối sẽ dễ dàng che giấu sự kiện ta-ran (đâm va) hơn. Ban ngày sẽ nhiều người nhìn thấy chuyện đó...

Tàu khu trục "Barry" (số mạn DD 933) lao vào chúng tôi, nhằm sống mũi vào giữa thân tàu. Chúng tôi thả trôi - không bẻ lái, không trốn tránh. Tôi đứng trên cầu điều hướng hành trình đài chỉ huy. Cách ba mươi mét tàu khu trục đột ngột đổi hướng – sóng nhồi tràn lên tàu chúng tôi.

Tôi lập tức đánh tín hiệu semaphore cho tàu kỳ hạm "Blandy": "Hãy chỉ thị cho thuyền trưởng tàu khu trục có số mạn DD 933 chấm dứt hành động khủng bố."

USS "Barry" hãm tốc độ lại. Nó chòng chành cách chúng tôi năm chục mét. Tôi thấy rõ thuyền trưởng của nó – người đàn ông râu tóc màu hung đỏ, mặc chiếc áo sơ mi quân phục trắng ủi thẳng nếp, cầm tẩu thuốc trong tay. Ông ta nhìn xuống tôi – cầu điều hướng tháp chỉ huy khu trục hạm cao hơn tháp chỉ huy tàu ngầm.

Đứng cách thuyền trưởng một khoảng ngắn là một thủy thủ người da đen vạm vỡ, anh ta tỏ thái độ rất hùng hồn khi trỏ cho chúng tôi thấy giàn phóng bom chìm đằng mũi khu trục hạm loại "Hadjehog" - ý nói, đó là thứ chúng tôi sẽ dùng chặn các anh nếu các anh mưu toan lặn trốn...

Trên các tàu ngầm viễn dương cỡ lớn đề án 641 có ba động cơ diesel, ba đường trục truyền lực, ba chân vịt. Một chiếc hư thì vẫn còn hai, phòng khi tồi tệ nhất, và vẫn có thể xoay sở với một động cơ. Nhưng trên chiếc "B-130" tất cả ba động cơ cùng hư hỏng một lúc, mà là các động cơ được tăng cường khá mới.

Nhưng ở đây có mùi thần bí của Tam giác Bermuda, mà B-130 tuần dương trên vùng biên giới phía nam của nó. Hay đúng hơn, đó là sự cẩu thả của công nhân nhà máy Kolomna, do lỗi của họ mà các bánh dẫn động bị nứt.

Phụ tùng loại đó trên tàu lại không biên chế. Thậm chí sau này tại các kho của Hạm đội Biển Bắc cũng không có. Các động cơ diesel bị hư duy nhất chỉ có thể sửa chữa ở nhà máy. Đối với Trung tá hải quân Shumkov đây chính là phán quyết của số phận. Từ Moskva một bức điện bay tới – quay về nhà, đi đến điểm hẹn gặp tàu kéo.

... Các kỹ thuật viên động cơ của Shumkov khó khăn lắm mới xử lý tạm được một động cơ diesel và từ từ di chuyển về phía đông-bắc – đi gặp tàu cứu hộ SS-20. Các khu trục hạm ngấm ngầm hộ tống "Foxtrot" tới điểm hẹn chừng nào chúng chưa tin rằng chiếc tàu ngầm được mắc vào tàu kéo và không còn có thể giở thủ đoạn nào nữa.

 Tàu ngầm Liên Xô quyết đấu nghẹt thở với hải quân Mỹ trên biển Caribe: Cận kề cái chết - Ảnh 4.

Shumkov: "Người Mỹ tiễn chúng tôi đến kinh tuyến thứ 60, nơi mà Kennedy mô tả là "tuyến trục xuất" các tàu ngầm Liên Xô. Khi chia tay với USS "Barry" người ta đánh tín hiệu hàng hải theo tiếng Ukraine - "Tạm biệt"!

Tuy nhiên, một năm sau, tôi quay lại đó một lần nữa – trên tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa K-90. Và sau đó còn nhiều dịp khác". Chiến tranh lạnh vẫn đang quay cuồng trên nhiều vùng biển.

Nikolai Aleksandrovich Shumkov về hưu với quân hàm Đại tá hải quân sống trong một căn hộ một phòng cùng với vợ. Trên kệ sách - mô hình một chiếc tàu ngầm. Trên thảm treo tường – gắn biểu tượng Thánh Nicholas, vị thánh bảo trợ các thủy thủ bồi hồi nhớ lại:

"Có lẽ chỉ có Chúa mới giữ được cho tôi khỏi bước đi định mệnh. Hôm nay, khi đã ở sau đỉnh dốc cuộc đời mình tôi mới thấy rõ ràng chúng tôi đã đi trên bờ vực thẳm nguy hiểm như thế nào. Tất nhiên, tôi có thể phá hủy chiếc tàu sân bay Mỹ bằng quả thủy lôi hạt nhân mang theo trên tàu.

Những viên đạn đã được bắn ra. Nhưng những trái ngư lôi thì chưa được bắn đi. Cuộc quyết đấu bò tót sinh tử Caribbean, mà ở đó, cả bò mộng, cả võ sĩ giao đấu, cả các khán giả miễn cưỡng, may mắn thay, đều không phải đổ máu".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại