Cơ quan này là tòa án phúc thẩm cuối cùng của WTO và nó cần ít nhất 3 thẩm phán để duy trì hoạt động. Cơ quan này được nhiều người xem là cơ chế hiệu quả nhất của WTO bởi phán quyết của nó có thể dẫn đến việc áp thuế quan lên các quốc gia tranh chấp thương mại. Nói cách khác, nó được xem là một cơ chế chống lại chủ nghĩa bảo hộ đơn phương.
Tuy nhiên, theo báo South China Morning Post (SCMP) ngày 11-12, sau khi Mỹ ngăn chặn việc bổ nhiệm thẩm phán mới, cơ quan này không còn khả năng hoạt động.
Động thái trên của Washington vấp phải chỉ trích nặng nề của nhiều chuyên gia. Họ khẳng định nó có thể mở ra thời kỳ gián đoạn thương mại nặng nề hơn, theo sau quãng thời gian 1,5 năm Mỹ và Trung Quốc phớt lờ các quy định của WTO trong cuộc chiến thương mại của họ.
Khi được hỏi về sự tan rã của Cơ quan phúc thẩm của WTO, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng hồi tuần rồi quy trách nhiệm cho "một quốc gia nào đó", ám chỉ Mỹ.
Trong khi đó, giới học giả Trung Quốc khẳng định sự tan rã này có thể làm gia tăng sức ép lên hệ thống thương mại đa phương – vốn đang bị khủng hoảng nghiêm trọng chủ yếu vì chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Theo SCMP, giới chức Mỹ từ lâu chỉ trích Cơ quan phúc thẩm của WTO vì điều mà họ cho là "vượt quá ủy quyền của nó" khi phân xử các vụ kháng cáo. Bên cạnh đó, Mỹ cũng đã chỉ trích Trung Quốc tại WTO vì không thay đổi trạng thái "đất nước đang phát triển".
Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tranh luận gay gắt để đưa ra quyết định về việc liệu có tiến hành vòng áp thuế mới nhằm vào 160 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào ngày 15-12 hay không.
Theo báo New York Times, trong khi cố vấn thương mại cấp cao của Tổng thống Trump, ông Peter Navarro, cùng các nhân vật "diều hâu" ủng hộ việc áp thuế để buộc Trung Quốc thay đổi hành vi thương mại, nhiều quan chức cho rằng việc áp thuế bổ sung sẽ phản tác dụng.
Ông Peter Navarro, cố vấn thương mại cấp cao của Tổng thống Donald Trump, ủng hộ áp thuế bổ sung nhằm vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Ảnh: Reuters