FT: Sốt ruột cứu vãn danh tiếng của Vành đai và con đường, TQ "ép" Pakistan khởi động lại dự án

An An |

Đồng thời, theo báo Anh, một quan chức quân sự cấp cao Pakistan đã được bổ nhiệm để quản lý và chịu trách nhiệm về các vấn đề an ninh thuộc dự án.

Quân đội Pakistan sẽ tăng cường kiểm soát

Tờ Financial Times (FT - Anh) ngày 11/12 đưa tin, dưới áp lực từ Trung Quốc, Pakistan đã khởi động lại loạt dự án thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường, đồng thời bổ nhiệm một quan chức quân sự cấp cao để đơn giản hóa quá trình ra quyết định đối với các khoản đầu tư trị giá hàng tỷ USD.

Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) là một phần quan trọng của sáng kiến ​​Vành đai và Con đường mà Bắc Kinh coi là "con đường tơ lụa thế kỷ 21" để kết nối châu Á, châu Âu và châu Phi. Tuy nhiên, chỉ một nửa trong số các dự án trị giá 62 tỷ USD được công bố ở Pakistan đang được tiến hành khi Islamabad đã thu hẹp lại các cam kết tài chính để thực hiện gói cứu trợ khẩn cấp trị giá 6 tỷ USD của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).

FT cho biết, Bắc Kinh thất vọng với tiến độ chậm chạp của sáng kiến, được coi là một ví dụ sáng chói về đầu tư chuyển đổi kinh tế của Trung Quốc nên đã gây áp lực lên Islamabad, buộc chuyển giao quyền kiểm soát từ chính phủ Thủ tướng Imran Khan cho phía quân đội.

Vào tháng 11, Trung tướng Asim Saleem Bajwa - vốn đã nghỉ hưu - được bổ nhiệm làm Chủ tịch Cơ quan quản lý Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan mới, nhằm tăng cường kiểm soát của quân đội Pakistan đối với dự án này.

FT: Sốt ruột cứu vãn danh tiếng của Vành đai và con đường, TQ ép Pakistan khởi động lại dự án - Ảnh 1.

"Pakistan hiện đang lo lắng về việc rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc", ông Husain Haqqani, cựu Đại sứ Pakistan tại Mỹ, nói. Ảnh: Bloomberg

Một quan chức cấp cao trong Văn phòng Thủ tướng Pakistan cho hay, trách nhiệm của Cơ quan quản lý Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan sẽ tập trung vào dự án khổng lồ này. Tướng Bajawa cũng sẽ chịu trách nhiệm về các vấn đề an ninh.

Bẫy nợ?

Nhưng các nhà phân tích cho rằng, mặc dù quân đội Pakistan đang nắm quyền kiểm soát lớn hơn đối với dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan thì cuộc khủng hoảng kinh tế ở Pakistan cũng sẽ tiếp tục hạn chế tiến độ phát triển của nó.

Theo FT, Islamabad đã cắt giảm nhập khẩu, giảm giá đồng rupee, giảm chi tiêu phát triển và tăng thuế trong nỗ lực cắt giảm thâm hụt tài chính và tài khoản vãng lai đáng kể. Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội GDP đã giảm từ 5,8% trong năm ngoái xuống mức dự báo 2,4% trong năm nay.

Trung Quốc từ lâu đã phải đối mặt với những chỉ trích rằng các dự án thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường đã đẩy các quốc gia có nền tài chính yếu kém vào nợ nần và đó là những khoản nợ không bền vững. Islamabad dự kiến ​​sẽ trả 40 tỷ USD cả gốc lẫn lãi cho Trung Quốc trong hai thập kỷ tới.

Bà Sakib Sherani, cựu cố vấn của Bộ trưởng tài chính Pakistan chia sẻ với FT cho biết, khoản nợ liên quan đến dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan không phải không thể kiểm soát được. Nhưng bà cảnh báo rằng, khả năng trả nợ của Pakistan phụ thuộc vào việc tăng xuất khẩu. Các khoản nợ liên quan đến dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan phải tạo ra nguồn xuất khẩu đủ giải quyết các khoản nợ.

Các quan chức Pakistan tuyên bố, Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan sẽ chuyển từ các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn sang các lĩnh vực khai thác quặng như đồng, vàng, dầu và khí đốt.

"Pakistan hiện đang lo lắng về việc rơi vào bẫy nợ", ông Husain Haqqani, cựu Đại sứ Pakistan tại Mỹ và là chuyên gia về các vấn đề Nam Á tại Viện Hudson, nói.

FT: Sốt ruột cứu vãn danh tiếng của Vành đai và con đường, TQ ép Pakistan khởi động lại dự án - Ảnh 2.

Đường cao tốc hữu nghị Trung Quốc-Pakistan là công trình quan trọng thuộc sáng kiến Vành đai vào Con đường - dự án cơ sở hạ tầng toàn cầu khổng lồ để hồi sinh Con đường tơ lụa cổ đại, kết nối các doanh nghiệp TQ với các thị trường mới trên thế giới. Ảnh: AFP

Hình tượng thành công

Ông Haqqani cho biết, về phần mình, Trung Quốc lo ngại việc họ đã đầu tư rất nhiều vào Pakistan và "gần như không đạt được triển vọng về lợi nhuận chiến lược và kinh tế". Một số người tin rằng, đối với Bắc Kinh, mối lo ngại lớn hơn là hình ảnh của hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan.

"Trận chiến lớn ở thời điểm này là về danh tiếng của dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan và Bắc Kinh rất quan tâm đến việc cứu vãn danh tiếng này", Andrew Small, tác giả của tác phẩm China-Pakistan Axis (Trục Trung Quốc - Pakistan) cho biết.

"Họ (Trung Quốc) cần chứng minh rằng Vành đai và Con đường đã thành công, rằng sáng kiến này không khiến nền kinh tế Pakistan gặp khó khăn, cũng không có phản ứng tiêu cực. Kết quả tích cực của dự án tại Pakistan, một đồng minh thân cận của Trung Quốc, có thể là điềm báo cho thành công của sáng kiến Vành đai và con đường ở nơi khác", ông viết.

Ông này nhấn mạnh thêm: "Nếu họ (Trung Quốc) không thể thực hiện điều đó trong một bối cảnh hiện nay, điều đó cho thấy rằng mô hình đã có thiếu sót".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại