Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Y sinh (BARDA) – một cơ quan chính phủ phụ trách đối phó với đại dịch và khủng hoảng sinh học của Mỹ mới đây đã ký hợp đồng với công ty dược phẩm Đan Mạch Bavarian Nordic để mua vắc xin Jynneos đông khô.
Hợp đồng có giá trị ban đầu 119 triệu USD, nhưng tổng giá trị có thể tăng thêm 180 triệu USD (lên tới 299 triệu USD) nếu Mỹ muốn mua thêm. Khi đó, số vắc xin mà Mỹ nhận được sẽ là khoảng 13 triệu liều.
Vắc xin Jynneos được tạo ra để điều trị bệnh đậu mùa, nhưng đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) chấp thuận sử dụng để phòng bệnh đậu mùa khỉ vào năm 2019. Việc chuyển vắc xin Jynneos sang dạng đông khô sẽ giúp kéo dài hạn sử dụng.
Bavarian Nordic đã làm việc với Mỹ kể từ đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên vào năm 2003, cung cấp gần 30 triệu liều vắc xin Jynneos.
Trước đó hôm 18/5, một người đàn ông ở bang Massachusetts (Mỹ) đã được chẩn đoán mắc bệnh đậu mùa khỉ sau khi đi du lịch ở Canada.
Đây là ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên ở Mỹ trong năm nay. Một số ca nghi nhiễm khác cũng đang được theo dõi. Năm ngoái, Mỹ đã ghi nhận 2 ca mắc đậu mùa khỉ. Cả 2 người này đều từng đi du lịch ở Nigeria.
Ngoài Mỹ, các ca mắc và nghi mắc đậu mùa khỉ đã được ghi nhận ở Anh, Canada, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý, Thụy Điển trong những tuần gần đây. Úc cũng vừa phát hiện ca bệnh đầu tiên.
Ngày 19/5, Bavarian Nordic thông báo công ty này cũng đã đạt được thỏa thuận với một quốc gia châu Âu về vắc xin phòng bệnh đậu mùa “để đối phó với những trường hợp mắc đậu mùa khỉ mới”. Bavarian Nordic không nói rõ về số lượng liều vắc xin mà quốc gia này đặt mua, cũng không cung cấp thông tin về giá trị của hợp đồng.
Ngoài vắc xin, chính phủ Mỹ cũng đang rục rịch mua thêm Tecovirimat – loại thuốc kháng virus tiêu chuẩn được dùng để điều trị bệnh đậu mùa khỉ. Bộ Quốc phòng Mỹ đã ký hợp đồng trị giá 7,5 triệu USD với hãng dược phẩm SIGA Technologies vào tuần trước.
Theo RT, Fortune