Món quà Nga tặng Syria
Hình ảnh vệ tinh gần đây đã tiết lộ những gì Nga gọi là "sự thay đổi triệt để" trong chính sách ở Syria, đó là cung cấp tổ hợp tên lửa S-300 nhằm nâng cấp sức mạnh cho mạng lưới phòng không của Damascus trước các đợt tấn công của Israel.
Điều này chắc chắn sẽ làm cho các chiến dịch tấn công Iran của Israel ở Syria trở nên khó khăn hơn trước.
Tuy nhiên, nó lại không che khuất được hậu quả lớn nhất của việc chuyển giao. Đó là khuyến khích Tehran ngày càng tự tin hơn; đồng thời tăng nguy cơ xung đột giữa Israel và Iran – theo hai nhà phân tích Jonathan Ruhe và Ari Cicurel từ viện An ninh Quốc gia Do thái (JINSA).
Moscow đã trao cho Damascus tổ hợp tên lửa tiên tiến S-300 sau khi hệ thống phòng không của Syria vô tình bắn rơi một chiếc máy bay của Nga vào ngày 17/9. Khi đó, hệ thống này đang cố gắng đáp trả lại máy bay của Israel thực hiện nhiệm vụ chống Iran ở Syria.
Các lực lượng Syria đang sử dụng hệ thống S-200 đã khá xưa cũ từ thời Liên Xô. Do đó, S-300 tiên tiến sẽ cung cấp cho Syria hiệu năng kỹ thuật tốt hơn để đối đầu với các máy bay của Israel.
Việc chuyển giao S-300 còn là một động thái chính trị. Nó cho thấy cam kết của Moscow đối với chính quyền Assad và đặt dấu chân vĩnh viễn ở Trung Đông, nơi Tổng thống Vladimir Putin coi là nền móng quan trọng nhất để đưa Nga trở lại vị thế siêu cường trước kia.
Với các nhà quan sát Syria, ngay cả khi việc chuyển giao S-300 giúp Damacus tăng cường phòng thủ và quan hệ chính trị với Nga, nó sẽ không ngăn cản khả năng của không quân Israel trong việc tiến hành nhiệm vụ trên bầu trời Syria.
Từ trước khi chuyển giao S-300, Nga đã có các đợt nâng cấp radar và tên lửa phòng không đời cũ của Syria. Trong năm qua, Israel đã nhiều lần đối mặt với các nỗ lực đánh chặn máy bay bằng những hệ thống được nâng cấp này (mà vụ việc ngày 17/9 chỉ là một trong nhiều lần phòng không Syria ra tay).
Sự chủ động trên cho thấy năng lực phòng không của Syria đã có tiến bộ đáng kể và tự tin trong việc đối đầu với máy bay Israel.
Tuy nhiên, Israel đã khá thành công khi bắt thóp được các hệ thống này và vượt mặt nhiều lần trong các đợt tấn công riêng biệt vào tháng 2 và tháng 5 - với chỉ tổn thất một máy bay duy nhất.
Trên thực tế, nhiều chuyên gia đều nhận định, Israel đã chuẩn bị cụ thể các hoạt động chống lại S-300. Phi công nước này được cho là đã huấn luyện chống lại hệ thống của Nga trong các bài tập với Hy Lạp từ năm 2015 và gần đây là ở Ukraine.
Ngoài ra, tiêm kích F-35 tàng hình trong biên chế cũng được thiết kế để ngăn chặn và phá hủy các hệ thống phòng không tương tự như S-300. Thủ tướng Netanyahu và các quan chức trong nước đã tuyên bố rất rõ ràng về việc S-300 sẽ không ngăn cản Israel thực thi các lằn ranh đỏ của mình tại Syria.
Quân đội Israel cũng khá nổi tiếng về khả năng vượt qua nhiều hệ thống phòng thủ đáng gờm trong quá khứ. Năm 1982, Israel đã xóa sạch mạng lưới phòng không của Syria do Liên Xô cung cấp ở Lebanon chỉ trong vòng một ngày.
Vào năm 2007, Israel cũng sử dụng các hệ thống tác chiến điện tử tinh vi để vượt qua mạng lưới phòng thủ của Syria và phá hủy địa điểm mà nước này cho là lò phản ứng hạt nhân bí mật của chính quyền Assad.
Mỹ cấp thêm vũ khí cho Israel, dẹp tan suy nghĩ tự tin của Iran?
Mỹ sẽ tăng thêm vũ khí cho Israel để xóa tan suy nghĩ tự tin của Iran?
Theo hai nhà phân tích Jonathan Ruhe và Ari Cicurel, việc Nga chuyển giao S-300 không báo hiệu bất kỳ thay đổi lớn nào về lập trường của Nga đối với sứ mệnh chống Iran của Israel. Moscow cũng không có "cổ phần" trong tham vọng sử dụng Syria làm bàn đạp chống lại Israel của Tehran.
Trước đó, Moscow cũng không hề manh động khi Israel tung hỏa lực vào phòng không Syria nhằm trả đũa vụ việc máy bay nước này bị bắn rơi hồi đầu năm nay khi tiến hành không kích Iran.
Có thông tin cho rằng, Tổng thống Putin đã được báo cáo về cuộc không kích của Israel nhằm vào Syria nhưng ông đã không đưa ra bất kỳ quyết định nào. Cả trước và sau khi Moscow công bố việc chuyển giao S-300, nhà lãnh đạo Nga đều nhấn mạnh yêu cầu các lực lượng nước ngoài, kể cả Iran sẽ phải rời Syria.
Với tuyên bố này, quyết định giao S-300 thực tế chỉ phản ánh và củng cố mối quan tâm cơ bản của Moscow trong việc giúp bảo vệ chính quyền Assad, thay vì tạo ra những cơ hội mới cho Tehran để mở rộng sự hiện diện của mình tại đây.
Tuy nhiên, trong đó vẫn ẩn chứa nguy cơ tiềm tàng. Tuyên bố từ giới lãnh đạo Iran gần đây cho thấy, Tehran dường như lại nghĩ rằng việc chuyển giao S-300 đang là một động thái mà Nga muốn bảo vệ nước này trước các cuộc không kích của Israel ở Syria.
Những nhận thức sai lầm như vậy có thể thúc đẩy quá trình va chạm của hai nước trong một tình huống sau này.
Cả hai bên đều hiểu cuộc xung đột một khi diễn ra có thể sẽ bao gồm cả sự tham gia của Hezbollah ở Lebanon.
Một cuộc chiến bùng nổ như vậy sẽ không giống như bất kỳ cuộc đụng độ nào gần đây trong khu vực và sẽ gây ra tổn hại nặng nề cho những nỗ lực của chính quyền Trump nhằm đẩy lùi Iran trong khu vực. Nó thậm chí có thể đe dọa đến cả chiến lược và nền kinh tế của Israel.
Để giúp ngăn chặn mối đe dọa của một cuộc xung đột như vậy, Mỹ có thể tăng cường khả năng hoạt động của Israel ở Syria và gửi một thông điệp ngăn chặn rõ ràng tới Iran, hai nhà phân tích Jonathan Ruhe và Ari Cicurel nêu quan điểm.
Từ những thỏa thuận quốc phòng mà hai quốc gia có với nhau, Israel có thể nhanh chóng nhận được các hệ thống của Mỹ hiện đang hoạt động hiệu quả tại Syria, bao gồm các phi đội F-35, vũ khí chính xác và máy bay không người lái (UAV) tác chiến điện tử.
Điều này có thể đi một chặng đường dài để sửa chữa những nhận thức sai lầm của Iran rằng: Việc S-300 đến Syria là một sự thay đổi chính sách ủng hộ Tehran của Nga.
Bằng cách hỗ trợ cho Israel bảo vệ chính mình, Mỹ có thể giảm thiểu rủi ro và chi phí cho một tình huống leo thang lớn ở Syria.