Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết trong một báo cáo ngày 11/3 rằng khoảng cách về xuất khẩu vũ khí giữa Hoa Kỳ và phần còn lại của thế giới đã mở rộng hơn nữa trong giai đoạn 5 năm gần đây nhất 2014-2018, với xuất khẩu vũ khí của Mỹ tăng từ 30% lên 36% tổng số giao dịch toàn cầu so với giai đoạn trước.
Aude Fleurant, giám đốc Chương trình chi tiêu vũ khí và quân sự của SIPRI cho biết: "Hoa Kỳ đã củng cố thêm vị thế của mình với tư cách là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu thế giới.
"[Họ] đã xuất khẩu vũ khí tới ít nhất 98 quốc gia trong năm năm qua; những đợt giao hàng này thường bao gồm các vũ khí tối tân như máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình tầm ngắn và đạn đạo và số lượng lớn bom dẫn đường."
Báo cáo cũng nhấn mạnh khoảng cách ngày càng lớn giữa Washington và Moscow trong xuất khẩu vũ khí. Lượng vũ khí Mỹ xuất khẩu cao hơn Nga 75% trong giai đoạn 2014-18, trong khi con số này chỉ ở mức 12% trong năm 2009-13 , SIPRI cho biết trong một báo cáo chuyển giao vũ khí toàn cầu.
Hơn một nửa (52%) xuất khẩu vũ khí của Hoa Kỳ đã đến Trung Đông trong giai đoạn 2014-18.
SIPRI cho biết xuất khẩu vũ khí của Nga giảm 17% trong cùng giai đoạn, với việc giảm nhập khẩu vũ khí từ Ấn Độ và Venezuela là nguyên nhân chính.
Báo cáo cũng cho biết, Pháp (6,8% tổng số thế giới) là nhà xuất khẩu vũ khí cao thứ ba, tiếp theo là Đức (6,4%) và Trung Quốc (5,2%).
Năm quốc gia hàng đầu chiếm 75% tổng số xuất khẩu thế giới, báo cáo cho biết.
Tổng cộng các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu EU chiếm tới 27% con số toàn cầu.
Trong số các nhà nhập khẩu vũ khí, Ả Rập Saudi là nước đi đầu, với 12% tổng số thế giới, tăng từ con số 4,3% trong giai đoạn 5 năm trước. Tổng lượng nhập khẩu vũ khí của họ đã tăng 192% trong giai đoạn gần đây nhất.
Nhập khẩu vũ khí của một số quốc gia vùng Vịnh Ả Rập cũng tăng mạnh [trong giai đoạn trên], báo cáo cho biết.
Một trong những lý do chính đằng sau sự gia tăng này là sự mất lòng tin lẫn nhau giữa Iran và Ả Rập Saudi cùng UAE.
SIPRI cũng trích dẫn cuộc xung đột ở Yemen, được nhiều người coi là cuộc chiến ủy nhiệm giữa Iran và Ả Rập Saudi; và sự thù địch giữa liên minh Ả Rập do Saudi dẫn đầu chống lại quốc gia nhỏ bé vùng Vịnh Qatar là nguyên nhân ảnh hưởng đến ngành công nghiệp vũ khí.