Bạn đọc Nguyễn Mỹ D. (37 tuổi, TP HCM, nguyenthi...@gmail.com) hỏi: Tôi có 3 con nhỏ 1, 3 và 6 tuổi. Ở tuổi này, chuyện các bé thỉnh thoảng sốt nhẹ, ho mấy cái hay "thò lò mũi xanh" là chuyện như cơm bữa, nhất là trong mùa mưa.
Dạo này phòng khám tư đóng cửa, bệnh viện thì tôi cũng được bác sĩ của cháu khuyên chừng nào thấy bệnh gì nặng mới đi, chứ đừng động tí xíu, mệt mệt là ẵm con đến vì bệnh viện vốn là chỗ đông người, vì dịch Covid-19 còn phức tạp... Nhưng thú thực tôi rất bối rối vì không biết trẻ sốt thế nào thì uống thuốc là được, thế nào mới cần đi bệnh viện. Xin bác sĩ cho tôi lời khuyên.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM), trả lời:
Đúng là trong mùa này, trẻ em rất dễ bị những cơn viêm họng, cảm vặt, và cả nhiều bệnh nặng có thể gây sốt như tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm phổi... Điều cần thiết nhất là bạn nên theo dõi trẻ. Trước tình hình dịch Covid-19, khuyến cáo của chúng tôi hiện nay là không nên trẻ mới sốt hâm hẩm một chút là đi bệnh viện ngay, nhưng cũng không nên sợ bệnh viện mà trì hoãn việc khám nếu trẻ có những biểu hiện đáng lo ngại.
Thông thường nếu chỉ là cơn cảm vặt, sổ mũi nhẹ do thời tiết thì các cháu sẽ sớm lướt qua trong vòng vài ngày. Cơn sốt có thể chỉ kéo dài 1-2 hôm và đáp ứng tốt với thuốc hạ sốt. Nếu trẻ chỉ sụt sịt một chút, ho một chút mà vẫn tỉnh táo, vui vẻ, vẫn chơi đùa được thì bạn không nên lo lắng. Ngoài thuốc hạ sốt, nên chuẩn bị cả thuốc ho dạng thảo dược dành cho trẻ em (mua ở nhà thuốc) để dùng nếu bé bị ho.
Tuy nhiên, nếu qua ngày thứ 2 mà còn sốt, nên đưa bé đi khám. Không nên trì hoãn quá 48 giờ kể từ cơn sốt đầu tiên bởi sốt đến ngày thứ 2 có thể là dấu hiệu của các bệnh nặng.
Nếu có kèm các triệu chứng báo động như thở nhanh, có rút lõm ngực khi thở, tím tái, bỏ ăn, bỏ bú, thở rít, li bì, co giật... thì phải cấp cứu, cho dù chưa đến 48 giờ.
Để an toàn khi đi khám bệnh, bạn nên chuẩn bị khẩu trang cho cả bé và mình, rửa tay thường xuyên, tuân thủ khai báo y tế theo hướng dẫn của bệnh viện.