Căng thẳng Mỹ-Iraq
Bản chất và mức độ khác nhau nhưng tình hình ấy đều tác động tới chính sách của Mỹ đối với hai nước này và chiến lược của Mỹ đối với cả khu vực cũng như ảnh hưởng tới vai trò và vị thế của Mỹ trong tương lai ở khu vực Vùng Vịnh.
Từ phía Iraq rộ lên những ý kiến bác bỏ việc để cho Mỹ có căn cứ quân sự lâu dài trên lãnh thổ Iraq.
Trong khi đó, cho dù hiện mới chỉ ở trong dạng khẩu chiến, Mỹ và Iran rất nặng lời với nhau, khuấy động lo ngại về những kịch bản đụng độ quân sự, thậm chí cả chiến tranh nữa có thể xảy ra ngay nay mai. Mỹ gia tăng áp lực đối với Iran. Iran doạ sẽ phong toả cả Eo biển Hormuz.
Hiện tại, Mỹ có khoảng 5500 quân nhân ở Iraq. Phía Iraq cho rằng sau khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq bị tiêu diệt thì Mỹ không còn lý do gì nữa để duy trì quân đội của Mỹ trên lãnh thổ nước này.
Iraq lo ngại binh linh Mỹ tiếp tục hiện diện ở nước này dù IS đã bị tiêu diệt. Ảnh minh họa: NI
Điều được phía Iraq luôn đặc biệt nhấn mạnh là việc Mỹ có được căn cứ quân sự ở Iraq hay không là quyết định của phía Iraq và là chuyện chủ quyền quốc gia ở Iraq. Ở đây ẩn chứa lo ngại của phía Iraq về khả năng Mỹ lần lữa không chịu rút hết binh lính ra khỏi Iraq với viện cớ là lo ngại về an ninh.
An ninh thì cụ thể, nhưng mối đe doạ về an ninh lại có thể rất trừu tượng nếu Mỹ bám giữ vào những biện minh là tàn dư của IS vẫn còn hay các phần tử, lực lượng khủng bố Hồi giáo cực đoan ở Iraq và khu vực vẫn chưa bị tiêu diệt hết.
Phía Iraq chắc chắn không lại gì và không còn hoài nghi gì nữa về ý đồ chiến lược của Mỹ là duy trì hiện diện quân sự ở Iraq để vừa chi phối tương lai chính trị ở nước này vừa hậu thuẫn cho sự can thiệp quân sự của Mỹ vào Syria.
Mỹ có nhu cầu chiến lược chi phối Iraq để ngăn ngừa Iraq ngả về phía Iran. Mỹ cần Iraq làm hậu phương và bàn đạp cho hoạt động quân sự ở Syria và phòng ngừa sẵn cho khả năng không gây dựng được vai trò quân sự nữa ở Syria khi có giải pháp chính trị hoà bình cho nước này. Giống như ở Iraq, Mỹ muốn đẩy lùi ảnh hưởng của Iran ra khỏi Syria.
Phía Iraq làm rộ lên chuyện căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq vì ba lý do.
Thứ nhất, việc này là chuyện đối nội vô cùng nhạy cảm đối với chính phủ Iraq, bất kể phe phái chính trị, sắc tộc hay tôn giáo nào lên cầm quyền với hậu quả và hệ luỵ không chỉ là bất đồng quan điểm chính trị thuần tuý mà còn có thể là xung khắc bạo lực, phân rẽ đất nước hoặc ly khai lãnh thổ.
Thứ hai, có căn cứ quân sự của Mỹ trên lãnh thổ, Iraq sẽ không còn có nhiều sự lựa chọn chính sách đối ngoại và an ninh, đặc biệt là sẽ không thể gắn kết với Iran để đối phó với những đối thủ khác trong khu vực.
Thứ ba, Iraq muốn tăng cái giá buộc Mỹ phải trả cho trường hợp buộc phải chấp nhận để cho Mỹ có căn cứ quân sự lâu dài trên lãnh thổ của mình.
Giằng co Mỹ - Iran
Trong khi đó, căng thẳng leo thang đến đỉnh cao giữa Mỹ và Iran lại là chuyện khác. Mấu chốt ở chỗ Mỹ rút khỏi thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA) áp dụng trở lại, thậm chí còn quyết liệt hơn, những biện pháp trừng phạt Iran, trong đó đặc biệt là phong toả tài chính và cấm vận xuất khẩu dầu lửa của Iran.
Iran đáp trả Mỹ quyết liệt vì nhu cầu đoàn kết, thống nhất nội bộ, vì lo ngại Mỹ còn lấn tới nữa và vì phải dùng đến kịch bản tồi tệ nhất để cảnh báo và răn đe Mỹ.
Mỹ làm găng như chưa từng thấy với Iran trước hết cũng vì nhu cầu đối nội, tiếp theo là vì đã đâm lao nên phải theo lao sau khi rút khỏi JCPOA, vì Mỹ muốn lần này giải quyết hết mọi vấn đề liên quan đến Iran chứ không chì có vấn đề hạt nhân và tên lửa của Iran như vai trò của Iran ở Syria, Iraq và Yemen, ý đồ chiến lược của Iran ở khu vực...
Tuy nhiên, cả hai phía đều tránh xô đẩy lẫn nhau đến đụng độ quân sự trực tiếp. Iran doạ thế thôi - như đã nhiều lần doạ trong quá khứ - chứ sẽ không phong toả Eo biển Hormuz. Và chẳng phải vừa mới đây ông Trump đã ngỏ ý sẵn sàng có thoả thuận tổng thể mới với Iran - như đã làm với Triều Tiên và Nga - hay sao?
Những diễn biến mới kia trong quan hệ giữa Mỹ với Iraq và Iran gây lo ngại và quan ngại sâu sắc thật nhưng xem ra sẽ không vượt ra ngoài tầm kiểm soát của các bên liên quan.
Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.