Nếu Iran không thể xuất khẩu, thì các nước khác cũng vậy
Gần đây Iran đã đưa ra lời đe dọa sẽ phong tỏa eo biển Hormuz, tuyến đường biển trọng yếu đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ từ Trung Đông, nếu như Mỹ tiếp tục tìm cách chặn mọi con đường và hoạt động xuất khẩu dầu thô của nước này.
Sau khi đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Washington đã liên tục giáng các đòn trừng phạt mạnh tay với quốc gia Trung Đông này, đồng thời còn lấy trừng phạt để dọa dẫm và ép các đồng minh ngừng nhập mặt hàng dầu mỏ của Tehran trước hạn chót là ngày 4/11 năm nay.
Kể từ sau lời đe dọa của chính quyền Tổng thống Donald Trump, nhiều tập đoàn năng lượng lớn của châu Âu như tập đoàn Total (Pháp) đã rút khỏi Iran. Nếu tình hình tiếp tục xấu đi, ngành dầu mỏ của Iran sẽ chịu thiệt hại nặng nề.
Tất nhiên Iran không thể làm ngơ trước những lời đe dọa của Mỹ. Cố vấn cấp cao về các vấn đề quốc tế của nhà lãnh đạo tối cao Iran, ông Ali Akbar Velayati, khẳng định Tehran sẽ có các biện pháp trả đũa tương xứng.
"Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã đưa ra phản ứng minh bạch, đầy đủ và nhanh chóng nhất về vấn đề này trong chuyến công du châu Âu gần đây nhất của ông.
Câu trả lời [của ông Rouhani và của Iran] rất rõ ràng: Nếu Iran không thể xuất khẩu dầu qua Vịnh Ba Tư, thì các nước khác cũng vậy", ông Velayati phát biểu trong một cuộc thảo luận tại câu lạc bộ Valdai, Nga.
"Hoặc là tất cả các nước cùng được xuất khẩu, hoặc là không nước nào hết", vị cố vấn cấp cao cho biết.
Hầu hết lượng dầu thô xuất khẩu từ Ả Rập Saudi, Iran, các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Kuwait, và Iraq đều được vận chuyển theo tuyến đường đi qua eo biển Hormuz, một đoạn hẹp nằm giữa Vịnh Oman và Vịnh Ba Tư.
Đây cũng là tuyến đường xuất khẩu các loại khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Qatar - nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới. UAE và Ả Rập Saudi đã nỗ lực tìm những tuyến đường vòng qua eo biển này, tuy nhiên họ chưa từng thành công.
Eo biển Hormuz. Ảnh: Wikipedia.
Liệu Iran có dám chặn eo biển Hormuz hay không?
Trong quá khứ, việc di chuyển qua eo biển này đôi lúc cũng khá nguy hiểm. Hạm đội số 5 của quân đội Mỹ đồn trú tại Bahrain có nhiệm vụ bảo vệ các tàu chở hàng trong khu vực, tuy nhiên giữa Tehran và Washington đã có một số căng thẳng. Đầu năm 2018, Mỹ đã cáo buộc tàu thuyền của Iran đe dọa các tàu chiến của họ trong vùng biển này.
Thán 7/2010, một tàu chở dầu 'M Star' của Nhật Bản đã bị tấn công tại khu vực eo biển này, và một nhóm liên kết với lực lượng khủng bố Al-Qaeda đã đứng ra nhận trách nhiệm. Đến tháng 5/2015, các tàu Iran được cho là đã tấn công một tàu chở dầu có cờ hiệu Singapore, buộc tàu này phải bỏ chạy.
Trả lời phóng viên RT, các nhà phân tích cho biết giá dầu có thể tăng lên tới 250 USD/thùng nếu Iran chặn eo biển Hormuz. Tuy nhiên, họ vẫn nghi ngờ khả năng Iran làm điều đó, bởi lực lượng quân đội được bố trí khá dày đặc tại khu vực chiến lược này.
Trong bài bình luận trên trang Pravda, tác giả Aydin Mehtiyev cho biết Iran chưa từng sử dụng lợi thế về vị trí địa lý của mình trước khi cuộc chiến tranh Iran-Iraq (1980-1988) nổ ra. Đó là lần đầu tiên Tehran đe dọa phong tỏa eo biển Hormuz.
Tuy nhiên, khi ấy Lầu Năm Góc đã đi trước Iran một bước khi điều tàu chiến tới Vịnh Ba Tư, đồng thời chuẩn bị sẵn tâm lý sẵn sàng tấn công Hải quân Iran nếu Tehran chặn eo biển.
Ngày nay, trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ-Iran ngày càng leo thang, chính quyền ông Trump cũng đã điều tàu sân bay Abraham Lincoln tới diễn tập gần Vịnh Ba Tư ngay sau lời đe dọa của Tehran. Đây rõ ràng là lời cảnh cáo đối với Iran rằng: một cuộc chiến chắc chắn sẽ xảy ra nếu Iran cố gắng phong tỏa eo biển Hormuz.
Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, eo biển Hormuz đã được công nhận là tuyến đường hàng hải quốc tế, và các quốc gia xung quanh khu vực này không được phép phong tỏa đường di chuyển của các tàu, thuyền quốc tế.
Các nhà phân tích tin rằng dù Tehran đưa ra nhiều tuyên bố nghe chừng nguy hiểm, nhưng có lẽ sắp tới nước này sẽ hạn chế các hành động khiến mối quan hệ với Mỹ tiến triển theo hướng xấu hơn.
Tuy nhiên Iran cũng đã có thành công bước đầu khi nhận được sự ủng hộ từ các nước đồng minh của Mỹ và từ các 'ông lớn' như Nga và Trung Quốc. Bởi vậy, trước mắt có lẽ Iran sẽ chỉ dừng lại ở mức độ khẩu chiến với Mỹ, chứ không phải một cuộc chiến toàn diện tại khu vực eo Hormuz vốn đã bất ổn từ trước.
TT Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran