Dọa trả đũa Mỹ: Iran "lấy đá chọi chân", nguy cơ bùng phát chiến tranh khu vực - toàn cầu

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Mục tiêu của Mỹ là gây sức ép tối đa đối với Tehran, kích động dân chúng bên trong nổi dậy lật đổ chế độ của nước Cộng hoà Hồi giáo Iran.

Bóng ma chiến tranh dầu mỏ đang hiện ra ở khu vực vùng Vịnh trong trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Washington và Tehran, giá dầu tăng lên trên 70 đô la/thùng, mức cao nhất kể từ mấy năm nay.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã bác bỏ mạnh mẽ các tuyên bố của Mỹ đe dọa "đưa xuất khẩu dầu mỏ của Iran về số không", thề sẽ quyết ngăn cản các tàu chở dầu trong khu vực. Eo biển Hormuz, một trong những tuyến đường biển quan trọng nhất của thế giới liệu có trở thành tâm điểm của cuộc xung đột mới?

Trong chuyến thăm các nước châu Âu gồm Thụy Sỹ và Áo từ ngày 2-6/7 vừa qua, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã tuyên bố: "Không nước nào ở vùng Vịnh có thể xuất khẩu được dầu mỏ nếu Iran bị ngăn cản làm việc đó."

Ngay sau đó, tướng Qasem Soleimani, Tư lệnh quân đoàn Al-Quds thuộc Vệ binh cách mạng Hồi giáo (IRGC) nói sẵn sàng thực hiện việc phong tỏa eo biển Hormuz nếu Mỹ cấm Iran bán dầu.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẽ không cho phép Iran xuất khẩu dầu mỏ. Ả rập Saudia và các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất bày tỏ sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của Mỹ tăng sản lượng để bù đắp sự thiếu hụt trên thị trường do Iran bị đình chỉ xuất khẩu.

Bị Mỹ dọa cấm xuất khẩu dầu mỏ

Dầu mỏ là nguồn thu nhập chính của Iran. Iran hiện sản xuất 3,8 triệu thùng/ngày và được Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cấp cô-ta xuất khẩu 2,4 triệu thùng/ngày. Việc cấm Iran bán dầu có nghĩa là cắt đứt động mạch chính của nền kinh tế Iran.

Mục tiêu của Mỹ là gây sức ép tối đa đối với Tehran, kích động dân chúng bên trong nổi dậy lật đổ chế độ của nước Cộng hoà Hồi giáo.

Dọa trả đũa Mỹ: Iran lấy đá chọi chân, nguy cơ bùng phát chiến tranh khu vực - toàn cầu - Ảnh 1.

Dầu mỏ là nguồn thu nhập chính của Iran.

Iran đang ở trong tình trạng hết sức khó khăn. Các biện pháp cấm vận của Mỹ chống Iran lần này mang tính chất toàn diện và khắc nghiệt nhất trong khi Tehran đang đứng trước cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, các cuộc biểu tình chống chính phủ đã bắt đầu nổ ra ở Thủ đô Tehran và nhiều thành phố của Iran.

Hơn thế nữa, Mỹ, Israel và một số nước vùng Vịnh liên tục đe dọa sử dụng vũ lực chống Iran. Tuy vậy, Iran vẫn đang cố gắng tìm ra một giải pháp để vừa có thể xuất khẩu được dầu mỏ, động mạch chính của nền kinh tế vừa tránh được sự đối đầu toàn diện về quân sự cũng như về chính trị với Mỹ, Israel và các nước vùng Vịnh.

Nhiều người coi sự đe doạ của Iran là tuyên chiến. Một số người khác lại cho đây chủ yếu là đòn chiến tranh tâm lý. Nhưng một điều có thể khẳng định được là ông Trump đang tìm mọi cách để thực hiện các biện pháp trừng phạt ác liệt nhất đối với Iran, còn Iran thì sử dụng mọi con bài họ có trong tay để làm thất bại các cố gắng của Trump.

Eo biển Hormuz là cửa ngõ của vùng Vịnh, là con đường biển chiến lược quan trọng và rất hẹp, nằm giữa Iran, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Oman và biển Ả rập. Chỗ hẹp nhất của eo biến này chỉ rộng khoảng 54 km.

Hàng ngày có khoảng 20-30 tàu vận chuyển dầu thô xuất khẩu của các nước khu vực đi qua đây. Hơn 40% lượng dầu mỏ của thế giới, tức khoảng 18-19 triệu thùng/ ngày và 90% xuất khẩu dầu mỏ của các nước vùng Vịnh được chuyên chở qua con đường này.

Hiện nay, eo biển Hormuz là tuyến đường biển duy nhất cho phép xuất khẩu dầu và hơi đốt của các nước vùng Vịnh đến các nước trên thế giới, đặc biệt là Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Tây Âu.

Iran phản pháo có thể đóng cửa eo biển Hormuz

Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã nhiều lần khẳng định sẵn sàng đóng cửa eo biển Hormuz khi cần thiết. Các chuyên gia cho rằng, xét về tiềm lực quân sự, đặc biệt là sức mạnh hải quân, Iran hoàn toàn có thể đóng cửa eo biển này bất cứ lúc nào họ muốn.

Iran hiện có một hạm đội hải quân đồng bộ và hiện đại gồm tàu chiến, tàu ngầm, tàu cao tốc, tên lửa, tàu phóng ngư lôi và rải mìn, máy bay thuộc binh chủng hải quân....

Các nhà quan sát quân sự cho rằng, Iran có nhiều sự lựa chọn. Họ chỉ cần sử dụng một phần sức mạnh hải quân của mình là có thể đóng cửa hoàn toàn eo Hormuz. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc đóng cửa eo Hormuz khó có thể kéo dài và không giải quyết được các vấn đề liên quan đến thỏa thuận hạt nhân Iran.

Đây là sự lựa chọn Iran sẽ phải trả giá cao. Đóng cửa eo Hormuz có nghĩa là châm ngòi cho một cuộc chiến tranh khu vực và có thế dẫn đến khả năng mở rộng ra phạm vi toàn cầu.

Dọa trả đũa Mỹ: Iran lấy đá chọi chân, nguy cơ bùng phát chiến tranh khu vực - toàn cầu - Ảnh 2.

Iran đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz trước sức ép từ Mỹ. Ảnh: AP

Mặt khác, mặc dù cộng đồng quốc tế ủng hộ duy trì thỏa thuận hạt nhân JCPOA và chống lại các biện pháp trừng phạt của Mỹ chống Iran nhưng chắc chắn sẽ không có ai ủng hộ Tehran đóng cửa eo Hormuz bởi vì kinh tế thế giới sẽ bị thiệt hại nặng nề nếu việc cung cấp dầu mỏ từ các nước vùng Vịnh bị gián đoạn.

Eo biển Hormuz bị đóng cửa không chỉ gây thiệt hại cho các nước xuất khẩu và nhập khẩu dầu mỏ mà Iran cũng mất đi một nguồn thu nhập lớn từ các khoản dịch vụ cung cấp cho các con tàu đi qua cửa ngõ này.

Về pháp lý, theo công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, Hormuz được coi là eo biển quốc tế, bởi vì đây là cửa ngõ duy nhất của các nước vùng Vịnh đi ra biển.

Theo công ước này, tất cả tàu bè đều có quyền tự do qua lại eo biển này và các nước ven bờ không được phép ngăn cản. Chính phủ Iran đã ký UNCLOS phải có trách nhiệm tránh các hành động vi phạm công ước.

Mới đây Washington đã nhắc lại 12 điều kiện đối với Iran, trong đó có việc đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân, ngừng chương trình tên lửa đạn đạo, rút quân khỏi Syria, chấm dứt hỗ trợ các lực lượng Houthi ở Yemen và các phong trào vũ trang chống Israel, trước hết là Hezbollah và Hamas.

Đây là những điều kiện Iran khó có thể chấp nhận, bởi vì chấp nhận các điều kiện này có nghĩa là từ bỏ thỏa thuận JCPOA và một loạt các lợi ích khác, thực chất là một sự đầu hàng.

Dọa trả đũa Mỹ: Iran lấy đá chọi chân, nguy cơ bùng phát chiến tranh khu vực - toàn cầu - Ảnh 4.

Đây không phải lần đầu tiên Iran bị cấm vận. Trước đây Iran đã từng bị Mỹ và các nước phương Tây cấm vận 25 năm và đã từng nhiều lần đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz để trả đũa, nhưng để tránh xảy ra một cuộc chiến tranh, Iran đã không đáp ứng các đòi hỏi của Mỹ và phương Tây và cũng không thực hiện việc đóng cửa eo biển Hormuz mà tìm cách bán dầu qua trung gian để nuôi sống nền kinh tế của mình.

Nhiều nước, trong đó có Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước châu Âu đã bác bỏ sức ép của Washington, tiếp tục ủng hộ Iran xuất khẩu dầu.

Washington cấm Iran xuất khẩu dầu mỏ và thắt chặt các biện pháp cấm vận chống Tehran đang đẩy Iran vào chân tường.

Không ai có thể nói được điều gì sẽ xảy ra tại khu vực vùng Vịnh nếu Thỏa thuận hạt nhân JCPOA bị đổ vỡ, Iran không xuất được dầu, nhưng những gì đang diễn ra đang đẩy khu vực lên một bậc thang căng thẳng mới với những hậu quả không thể lường trước được.

Tiêu đề do toàn soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại