Một năm sau ngày Công Vinh giải nghệ, bóng đá Việt vẫn "đi tìm" Công Phượng

Kinh Luân |

"Ở một nền bóng đá khác, một nền văn hóa khác, Công Vinh hoàn toàn có thể là hình ảnh đại diện cho giới cầu thủ - một nghề tử tế như mọi nghề khác"...

1. Một năm trước, ngay sau cái ngày Công Vinh nói lời chia tay với sự nghiệp cầu thủ, một người đàn ông từng trăn trở rất nhiều với bóng đá Việt Nam đã đặt bút viết dòng chữ trên trong nỗi đau day dứt về Công Vinh - "kẻ to gan" dám làm cầu thủ tử tế trong nền bóng đá chưa tử tế, thay cho lời chia tay với một trong những cầu thủ vĩ đại nhất của bóng đá Việt Nam.

Một năm đã trôi qua, người hâm mộ bóng đá Việt Nam trong nỗi nhớ Công Vinh, hướng mắt về Công Phượng. Đấy dường như đã là lẽ dĩ nhiên, bởi sau sự ra đi của Công Vinh, khả dĩ chỉ có Công Phượng mới đủ tên tuổi, cũng như độ rung trong lòng những người yêu bóng đá Việt Nam để thêm lần nữa đặt niềm tin, sự kỳ vọng vào một chân sút xuất sắc, với bản lĩnh của một ngôi sao lớn.

Chặng đường Công Vinh đi qua, từ tuổi 16 với tài năng chớm phát, cho tới ngày những giọt nước mắt thi nhau thánh thót rơi trên sân vận động Mỹ Đình một năm về trước trong ngày chia tay sự nghiệp là một quãng đường dài, với nhiều thành công, nhưng cũng chẳng ít gian truân.

Một năm sau ngày Công Vinh giải nghệ, bóng đá Việt vẫn đi tìm Công Phượng - Ảnh 1.

Trên chặng đường ấy là cái bóng của Văn Quyến ở cả SLNA lẫn đội tuyển, nhưng 3 Quả bóng Vàng trong cả sự nghiệp, trong đó đáng chú ý nhất là Quả bóng vàng năm 2004, sau Văn Quyến một năm - ở tuổi 19, Công Vinh đã buộc tất cả phải thừa nhận tài năng của mình - một tài năng không mang tính thiên bẩm như Văn Quyến, nhưng thấm đẫm mồ hôi và lòng quyết tâm gấp bội.

Ở tuổi 22 của Công Phượng ngày hôm nay, Công Vinh đã sở hữu cho mình đến 3 danh hiệu Quả bóng vàng, trong khi "đứa con cưng" của bầu Đức vẫn trắng tay. Ở lứa tuổi của Công Phượng, Công Vinh đã là người hùng ghi bàn thắng quyết định đem về chức vô địch AFF Cup - chức vô địch Đông Nam Á duy nhất của bóng đá Việt Nam cho đến tận ngày hôm nay.

Ấy thế mà Công Vinh hầu như chưa từng nhận được sự tôn vinh như Công Phượng. Cầu thủ viết nên lịch sử cho bóng đá Việt Nam, cầu thủ tận hiến đến những giọt mồ hôi cuối cùng cho đội tuyển quốc gia Việt Nam ấy, nhận được sự ghi nhận của cả Đông Nam Á, châu Á, thậm chí là FIFA ấy còn chẳng nhận được nổi một trận cầu tri ân từ VFF.

Một năm sau ngày Công Vinh giải nghệ, bóng đá Việt vẫn đi tìm Công Phượng - Ảnh 2.

Còn Công Phượng, với thành tích đáng tự hào nhất chỉ là chức vô địch giải U21 quốc tế, lại đang là niềm hi vọng của cả nền bóng đá nước nhà. Ngày 22 tuổi ấy, Công Vinh làm gì có ai "đứng sau" để cao giọng: "Không thích xem Công Phượng thì tắt TV đi", làm gì có HLV luôn cất lời khen ngợi bất chấp hay dở thế nào, làm gì có "đặc quyền" trong đội hình chính.

2. Bởi như đã nói, cái tội của Công Vinh vốn là dám to gan làm cầu thủ tử tế trong một nền bóng đá chưa tử tế. Bóng đá với Vinh là những bàn thắng đến từ những buổi tập đẫm mồ hôi, là đau đớn bởi chấn thương, là nỗ lực không ngừng để vươn lên, là niềm tự hào khi được khoác lên người chiếc áo đội tuyển, để rồi từ đó vinh quang, tiền tài, danh vọng sẽ đến.

Một năm sau ngày Công Vinh giải nghệ, bóng đá Việt vẫn đi tìm Công Phượng - Ảnh 3.

Công Vinh từng lạc lõng giữa một nền bóng đá với nhiều góc khuất, nhưng sự lạc lõng ấy đôi khi lại khiến người ta nhìn rõ hơn những góc khuất với chẳng nhiều sự tử tế ấy. Ở nền bóng đá ấy, danh tiếng hay sự xuất chúng đôi khi chẳng đến từ tài năng thực sự hay những nỗ lực chuyên môn, mà đến từ những chiêu trò bơm thổi, những màn phù phép biến hóa khôn lường.

Một năm mà Công Vinh chia tay sân cỏ, bóng đá Việt Nam chìm đắm trong cơn khủng hoảng với thất bại não nề ở SEA Games 29, giải đấu mà "nếu lứa U19 HAGL không vô địch, hãy gọi tôi là Đức "nổ" và ít nhất 80% các vị trong thường trực VFF phải từ chức".

Và ở đấy, Công Phượng lại tiếp tục lung linh... trong những trận giao hữu, hay những trận đấu vòng bảng trước các đối thủ yếu hơn rất nhiều - như trận thắng 4-0 trước U23 Myanmar chiều qua trên đất Thái Lan chẳng hạn.

Một năm sau ngày Công Vinh giải nghệ, bóng đá Việt vẫn đi tìm Công Phượng - Ảnh 4.

Cũng đúng thôi, ở bất cứ thời điểm nào, một nền bóng đá cũng nên có một cầu thủ mang tính biểu tượng, để người hâm mộ có tâm điểm mà nhìn vào, để truyền thông có điểm nhấn khai thác, để các nhà tài trợ dựa vào đó mà chi tiền...

Có rất nhiều lý do để chọn Công Phượng làm biểu tượng cho bóng đá Việt Nam, kể cả trước, lẫn sau khi Công Vinh giải nghệ - cả chuyên môn lẫn ngoài chuyên môn. Nhưng vắng Công Vinh rồi, lấy ai nhắc cho những người yêu bóng đá Việt Nam rằng bóng đá phải là tài năng, là cống hiến, là thành tích mới là thứ bóng đá tử tế và xứng đáng được tôn vinh.

Thứ bóng đá tử tế ấy, trong thời đại kim tiền, chẳng phải quá xa xỉ hay sao?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại