Một bộ phận cơ thể cũng bị nhiễm độc như gan, thận... mà nhiều người không hề hay biết

Ngọc Minh |

Cũng giống như gan, thận, tim… hay những bộ phận khác trong cơ thể da là cơ quan rất dễ bị nhiễm độc mà ít ai ngờ tới.

Cơ quan nhiễm độc nhanh

Da là cơ quan bị nhiễm rất nhiều độc tố vì da là cơ quan có trọng lượng rất lớn trong cơ thể (> 5% trọng lượng cơ thể) và bao bọc ngoài cùng, trực tiếp tiếp xúc với các chất độc hại trong môi trường.

Bệnh nhân N.V.Th (35 tuổi, Hà Nội) đến bệnh viện Da liễu Trung ương khám trong tình trạng da bàn tay và chân có nhiều vảy sừng khó chịu.

Kết quả khám bác sĩ phát hiện anh Th đã bị ung thư da do bị nhiễm độc Arsen mạn. Bệnh biểu hiện với tình trạng ung thư da rất rõ ràng.

Một bộ phận cơ thể cũng bị nhiễm độc như gan, thận... mà nhiều người không hề hay biết - Ảnh 1.

Da là cơ quan bao phủ bên ngoài rất dễ bị nhiễm độc, ảnh minh hoạ.

Sau khi, nghe bác sĩ giải thích về nguyên nhân dẫn tới mắc bệnh là do quá trình ngộ độc da kéo dài anh Th đã rất bất ngờ. Theo suy nghĩ của anh Th, thì chỉ gan, thận dễ nhiễm độc chứ anh không nghĩ da có thể bị nhiễm độc.

TS.BS Vũ Nguyệt Minh, Phó trưởng khoa Tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận những trường hợp bệnh nhân các bệnh lý về da do ngộ độc.

Bác sĩ Nguyệt Minh lý giải, da cũng là một cơ quan của cơ thể tương tự như tim, gan, thận, như da đặc biệt hơn các cơ quan khác là nó chiếm khối lượng rất lớn. Vì thế các cơ quan khác bị nhiễm độc thì da cũng bị nhiễm độc.

Quá trình nhiễm độc của da thường dễ và nhanh hơn các cơ quan khác. Do da bao phủ bên ngoài cơ thể, tiếp xúc trực tiếp với môi trường. Khi môi trường bên ngoài không đảm bảo thì da lại càng dễ bị nhiễm độc.

Theo bác sĩ Nguyệt Minh có 2 nguyên nhân chính khiến do da bị nhiễm độc là tiếp xúc trực tiếp hoặc do chế độ ăn uống, thuốc men…

Yếu tố nhiễm độc da từ bên ngoài thường liên quan tới yếu tố nghề nghiệp. Ví dụ công nhân làm trong các môi trường tiếp xúc với các hóa chất độc hại như: chì, than, các hóa chất khác.

Theo CDC khi nhắc tới vẫn đề nghề nghiệp thì nhắc nhiều tới vẫn đề nghề nghiệp: Viêm da tiếp xúc kích ứng và viêm da tiếp xúc dị ứng… về bản chất chính là ngộ độc da.

"Trong cuộc sống của chúng ta cũng có rất nhiều yếu tố gây độc cho da mà chúng ta không nghĩ tới như: khói bụi từ môi trường, hóa chất tồn tại trong các sản phẩm sinh hoạt hàng ngày…", bác sĩ Nguyệt Minh nói.

Nguồn nhiễm độc thứ 2, có thể đến từ bên trong do chế độ ăn uống, thuốc men.

Bác sĩ Nguyệt Minh, cho biết có 4 chất độc cho cơ thể mà da rất dễ bị ngộ độc đó là: Arsen, cadmium, chì và thủy ngân. Trong đó, tại Bệnh viện Da liễu hay gặp nhất là các bệnh nhân nhiễm độc từ nguồn nước sinh hoạt có chứa arsen.

Khảo sát nguồn nước ở đồng bằng sông Hồng và thành phố Hà Nội của các chuyên gia Việt Nam và Thụy Sỹ cho thấy: nồng độ arsen từ 0,1- 810 μg/l, có 27% giếng có nồng độ arsenic vượt quá nồng độ an toàn 10 μg/l do Tổ chức Y tế Thế giới (TCYTTG) quy định.

Ngoài ra, công nhân làm nghề luyện kim, khai mỏ, sản xuất kính… hoặc uống thuốc điều trị hen phế quản cổ truyền có nguy cơ cao nhiễm arsen. Arsen lắng đọng tại tổ chức giàu keratin như móng, tóc và da, gây ra biểu hiện sừng dạng điểm dày trên bàn tay, chân, thậm chí là ung thư da.

Thời gian gần đây, người ta nhắc nhiều tới vấn đề nhiễm độc chì trong thuốc. Đặc biệt là chì có trong các loại thuốc cam, thuốc tưa lưỡi gây ngộ độc hay gặp ở trẻ em.

Ngoài ra, chì còn có trong một số loại sơn, sản xuất ắc quy, thủy tinh, đồ tráng men…Oxit chì hấp thu dễ dàng qua da. Ngộ độc chì gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thần kinh trung ương và nhiều cơ quan khác.

Còn nhiễm độc thủy ngân theo bác sĩ Nguyệt Minh thường là do ăn các loại cá sống ở tầng đáy của đại dương. Cá loại cá càng to thì nguy cơ nhiễm độc thủy ngân càng lớn.

Ngoài ra, trẻ em có thể vô tình tiếp xúc với thủy ngân khi ngậm nhiệt kế thủy ngân bị vỡ, thủy ngân bốc hơi dễ dàng ở nhiệt độ phòng có thể tấn công vào hệ thần kinh trung ương, phổi, viêm miệng, viêm ruột…

Ngoài ra, một chất độc cho da được nhắc tới nhiều đó chính là khói thuốc lào, thuốc lá. Chất cadmium có trong thuốc lá do nhiễm từ nguồn đất cũng là một chất độc cho cơ thể.

Detox có thải độc được cho da?

Một bộ phận cơ thể cũng bị nhiễm độc như gan, thận... mà nhiều người không hề hay biết - Ảnh 2.

Bác sĩ Nguyệt Minh.

Bác sĩ Nguyệt Minh cho hay, khái niệm thải độc da nhắc nhiều trên thị trường hiện nay cần phải hiểu rõ hai vấn đề.

Con người sinh sống trong môi trường chịu tác động rất lớn của tia UVA, UVB và các yếu tố ô nhiễm khác. Các ảnh hưởng từ môi trường, đặc biệt là ánh sáng này làm da sinh ra các gốc tự do gây độc cho tế bào da và dẫn đến ung thư da, lão hóa da.

"Khái niệm thải độc hiện nay hay nhắc đến là chống lại gốc tự do do chính cơ thể sinh ra. Các thực phẩm detox hiện nay chủ yếu là có các thành phần trung hòa gốc tự do như vitamin C, vitamin E, glutathione, acetyl cysteine,… giảm thiểu các chất này tác hại lên cơ thể".

Còn trong trường hợp nếu như bị nhiễm chất độc như arsen, chì, cadmium hay thủy ngân….từ môi trường vào cơ thể thì cách phòng tránh tốt nhất là phát hiện yếu tố nguy cơ và tránh tiếp xúc. Trong trường hợp này nếu dùng detox vitamin E, vitamin C là không cao bằng việc cách ly với nguồn nhiễm

Có thể dùng các loại vitamin hỗ trợ quá trình đào thải chất độc ví dụ: Vitamin E, kẽm có lợi trong quá trình đào thải Asen; vitamin C có lợi trong quá trình đào thải thủy ngân qua mồ hôi…

Đọc thêm bài cùng tác giả Ngọc Minh, tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại