Ăn tiết canh dê hôn mê cả tháng
Ông Nguyễn Văn Kh, quê Nghệ An, 47 tuổi hiện nay bị biến chứng nặng nề do bệnh viêm màng não do liên cầu lợn để lại.
Người nhà cho biết, ông đi liên hoan bạn học cũ và bạn bè rủ nhau đi ăn thịt dê. Khi ăn, mọi người đều gọi tiết canh dê và ông Kh ăn bình thường. Hai ngày sau, ông bắt đầu sốt và đau đầu. Mọi người tưởng sốt bình thường nên mua thuốc về cho uống nhưng chỉ 1 ngày sau ông Kh bị khó thở rồi rơi vào hôn mê.
Gia đình đưa vào cấp cứu ở bệnh viện tỉnh được chẩn đoán nghi nhiễm liên cầu lợn và chuyển ra điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.
Những tốn thương do liên cầu lợn gây ra
Suốt cả tháng trời, ông được điều trị bằng các thiết bị hiện đại nhất từ lọc máu ngoài cơ thể cho đến các loại thuốc tốt. Cuối cùng ông Kh cũng tỉnh lại nhưng tri thức tạm thời mất và ông không nhớ nhiều, hai tai bị mất thính lực không nghe thấy.
Không chỉ riêng ông Kh bị liên cầu lợn do ăn tiết canh dê, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp- Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp ăn tiết canh dê nhưng lại bị liên cầu lợn.
Anh Dương Văn C. 39 tuổi, 1 doanh nhân thành đạt ở Hà Nội phải nhập viện vì bát tiết canh dê.
Đi công tác ở Hoà Bình, ông được bạn bè mời ăn thịt dê. Vì tin rằng tiết canh dê an toàn nên mọi người gọi mấy bát ra khai vị. Sauk hi ăn dê, ông cùng bạn bè ăn thêm một vài món dê tái chanh, dê hầm.
Hai ngày sau, anh C. lên cơn sốt, đau đầu, buồn nôn và hôn mê nên được nhập BV bệnh Nhiệt đới TW cấp cứu.
Ông Kh hôn mê cả tháng vì bát tiết canh dê
Tại bệnh viện, bác sĩ cho biết anh C., bị viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn, tình hình rất nguy kịch. Liên cầu khuẩn lợn anh mắc phải được xác định do chính bát tiết canh dê mà ông đã ăn hai ngày trước đó.
Lý giải điều này, Thạc sĩ Cấp cho biết tiết canh dê vốn không có vi khuẩn liên cầu lợn mà các nhà hàng thường trộn tiết lợn với tiết dê vì mục đích gian dối trong thương mại nhưng họ không biết rằng tiết lợn nguy hiểm.
Mặc khác, khi đánh tiết canh dê, người làm có thể sử dụng cuống họng lơn (nơi mà vi khuẩn liên cầu lợn tích tụ nhiều) nếu không nấu chín kỹ, không vệ sinh dụng cụ thì vô tình liên cầu lợn sẽ nhiễm sang tiết canh và gây ra liên cầu lợn.
Trong bữa ăn gia đình, bạn bè, thạc sĩ Cấp cho biết không phải ai cũng bị nhiễm mà tuỳ vào sức đề kháng của mỗi người có thể bị liên cầu lợn gây viêm màng não hay không.
Theo BS Nguyễn Trung Cấp, bệnh liên cầu khuẩn lợn do Streptococcus suis (S.suis) gây nên. Bệnh liên cầu khuẩn lợn cũng có thể lây từ lợn sang người và gây bệnh viêm màng não hay nhiễm trùng huyết. Chính vì vậy, nó được xếp vào nhóm các bệnh chung của người và động vật.
Khi thực phẩm đó không được nấu chín kỹ (tiết canh, nem chua, nem chạo…), những người ăn sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Ngoài ra, trong quá trình chế biến, tiếp xúc trực tiếp cũng có thể lây nếu có các vết xước chân, tay (ở nhiệt độ 25oC, khuẩn này sẽ sống được 24 giờ trong bụi và 8 ngày trong phân). Thời gian ủ bệnh của liên cầu lợn có thể vài tiếng đến 4 - 5 ngày, tùy cơ địa mỗi người.
Triệu chứng của bệnh do liên cầu lợn gây ra biểu hiện ban đầu là sốt rất cao (lạnh, tay chân run rồi lên cơn sốt cao, trên 39 độ C), đầu đau dữ dội, đau cứng cổ gáy, tri giác lơ mơ, li bì, hôn mê sau đó sốc và tụt huyết áp, suy hô hấp; xuất hiện các ban hoại tử trên da (xuất huyết rất to màu xám đen, bong tróc, hay lốm đốm).
Một số bệnh nhân có dấu hiệu phát ban trên da, sau 5 ngày ban không những không lặn mà càng ngày càng rõ, kèm theo mệt mỏi.
Tiếp đó, bệnh nhân có thể bị viêm màng não như nhức đầu, buồn nôn, nôn vọt, cứng cổ, đau khớp, liệt nửa mặt và nửa người, viêm phổi, suy gan, suy đa phủ tạng.
Nếu ở thể nhiễm trùng huyết, người bệnh sốt cao, da xanh, mệt mỏi phờ phạc, lưỡi bẩn, hơi thở hôi, sốc do nhiễm độc, xuất huyết dưới da, tăng huyết áp, tăng nhịp tim, rối loạn chức năng gan, đông máu nội mạc rải rác, thiểu năng thận cấp và hội chứng suy hô hấp cấp. Bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn, nguy cơ tử vong rất cao.
Bệnh liên cầu lợn xảy ra rải rác quanh năm, nhưng thường vào những tháng gần cuối năm bệnh có xu hướng gia tăng. Bởi những tháng cuối năm, nhiều gia đình mổ lợn để ăn Tết và nhiều nơi có tập tục ăn bát tiết canh cuối năm cho đỏ. Vì thế, số ca mắc liên cầu lợn thường tăng lên ở thời điểm này.
Thạc sĩ Cấp khuyên để hạn chế mắc bệnh cách tốt nhất là không ăn tiết canh, không ăn thịt sống như nem, chạo. Khi ăn thịt sống, tiết canh sau hai ngày có dấu hiệu sốt phải vào viện ngay để chẩn đoán và điều trị kịp thời.