"Sự bùng nổ thực phẩm hữu cơ tại Trung Quốc có thể không xuất phát từ những lo ngại an toàn và vệ sinh môi trường, nhưng đây vẫn là một bước đi đúng hướng", nhà báo Casey Hall đã nhận định như vậy trong bài viết trên tờ The South China Morning Post) vào đầu năm 2016.
Thực phẩm bẩn - vấn đề nhức nhối ở Trung Quốc
Với hàng tá câu chuyện về thực phẩm ô nhiễm mà phương tiện truyền thông đại chúng liên tục đưa tin, những bê bối về vấn đề an toàn thực phẩm đã trở nên quá quen thuộc với người dân Trung Quốc.
Danh sách dài các vụ việc được phát hiện trong thời gian qua có thể kể đến hàng ngàn con lợn chết trôi trên sông Hoàng Phố, dưa hấu bơm hooc môn tăng trưởng, gạo nhiễm kim loại nặng Cadmium, sữa bột nhiễm melamine, asen trong sữa đậu nành, thuốc tẩy trong nấm, thịt nhiễm chất tẩy rửa…
Tất cả các nhu cầu thiết yếu, từ thực phẩm, không khí cho tới nguồn nước đều trở nên ngày càng nguy hiểm với người tiêu dùng Trung Quốc. Nhiều người trong số họ đã được hưởng lợi từ nhiều thập kỷ phát triển nóng và đó cũng là nguyên nhân cho vấn đề hiện nay.
Amena Schlaikjer, người khởi xướng phong trào Lohas (lối sống tôn trọng sức khỏe và sự bền vững) đồng thời là chuyên gia tư vấn cho nhiều doanh nghiệp theo hướng phát triển bền vững đã nói:
"Thật khó để người Trung Quốc quay lưng với cách mà họ sản xuất thực phẩm hay đồ dùng từ trước đến nay. Cách thức này đã mang lại sự tăng trưởng nhanh chóng, sự thịnh vượng và hạnh phúc cho họ.
Thật khó để hướng bạn làm những điều mà bạn mặc định rằng không có lợi cho mình so với cách làm trước đây".
Thực phẩm bẩn hiện vẫn là vấn đề nhức nhối tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo nhận định của Shaun Rein, Giám đốc điều hành của hãng nghiên cứu thị trường CMR China, tầng lớp trung lưu với nhận thức và học vấn ngày càng cao đang là những người đi tiên phong cho một xu hướng thực phẩm hữu cơ và an toàn.
Những sản phẩm này không chỉ tốt cho sức khỏe mà cũng là biểu tượng của sự thịnh vượng và điều này sẽ trở thành một cuộc cách mạng lớn trong xã hội.
"Tình trạng ô nhiễm đã trở nên cực tệ hại tại Trung Quốc, và người tiêu dùng từ đó đã suy nghĩ lại, đặt lại những ưu tiên quan trọng trong cuộc sống", Rein chia sẻ.
"Thay vì tiêu tốn cực nhiều tiền vào túi Louis Vuitton, người ta đang chọn cách chi tiêu cho các sản phẩm giúp con người có một cuộc sống và sức khỏe tốt hơn.
Thu nhập ngày càng tăng, cộng thêm với những đòi hỏi ngày một tinh tế, điều này có nghĩa là con người đang chi tiêu để có được phong cách sống phù hợp của riêng mình.
Con người đang chuyển hướng từ những đồ xa xỉ và tiêu dùng nhiều hơn cho thực phẩm và sản phẩm dinh dưỡng. Đó thực sự là bước phát triển mới."
Lựa chọn những xu hướng mới trong tiêu dùng
Zhao Quanjing, một giáo viên 30 tuổi đến từ một trường cấp hai Thượng Hải đã nói:
"Ở Trung Quốc, con người đã quan tâm đến những sản phẩm từ các thương hiệu cao cấp hơn, đồng nghĩa với việc giá cả đắt hơn nhiều. Cũng như vậy, các bậc cha mẹ, hiện đang vô cùng quan tâm đến sức khỏe của con cái, và họ sẵn sàng mua những sản phẩm với giá cả đắt hơn".
Zhao cho biết, mặc dù, cô không quá kén chọn khi đi mua sắm, nhưng luôn luôn thích những sản phẩm với nhãn mác được chứng nhận là "sản phẩm xanh", hoặc "từ thiên nhiên" hay "đồ ăn hữu cơ".
Yang Zengdong là một người mẹ 33 tuổi tại tỉnh Hồ Nam đã chia sẻ rằng với chị, việc mua các sản phẩm hữu cơ hoặc sản phẩm của nền nông nghiệp bền vững chính là nghĩ đến sức khỏe của gia đình mình.
"Những thực phẩm bạn dùng hàng ngày cũng có thể thể hiện chất lượng cuộc sống của bạn. Một số người say mê các sản phẩm hàng hiệu và đồ xa xỉ, nhưng ý thức về việc mua các sản phẩm thân thiện môi trường hay thực phẩm hữu cơ cũng cần được quan tâm hơn nữa", chị Yang cho biết.
Từ năm 2010, thuật ngữ "Lohas" ngày càng được bàn tới rất nhiều, đặc biệt, có một tờ tạp chí bằng tiếng Trung Quốc mang tên Lohas cũng được xuất bản tại Thượng Hải đều đặn hàng tháng.
"Lohas Magazine xuất phát từ Lohas – viết tắt của love (tình yêu), organic (hữu cơ), heathy (sức khỏe), appreciate (sự hài lòng) và smart (thông minh)", Schlaikjer – tác giả cũng là người khởi xướng cho phong cách sống Lohas đã sống ở Trung Quốc 25 năm nay chia sẻ.
"Người ta thúc đẩy mọi người quan tâm đến việc chăm sóc bản thân trước tiên, sau nữa là bạn quan tâm đến mọi người, và rồi bạn quan tâm đến môi trường xung quanh bạn.
Nội dung của tạp chí xoay quanh phong cách sống thượng lưu: bạn cần nhận biết các xu hướng, cần biết mua thực phẩm hữu cơ, tập yoga và biết về các thương hiệu thời trang nổi tiếng.
Chúng tôi đã làm những nghiên cứu ký hiệu học bằng cách đặt nhiều từ bên cạnh nhau và hỏi những người tham gia rằng: Lohas nghĩa là gì đối với họ, câu trả lời chung của tất cả mọi người khi đó là: cuộc sống không căng thẳng", Schlaikjer nói.
Schlaikjer – tác giả cũng là người khởi xướng cho phong cách sống Lohas đã sống ở Trung Quốc 25 năm.
"Đó là một khoảnh khắc thực sự tuyệt vời, nó cho phép con người chọn một lối sống không stress – không có những yêu cầu xã hội về việc phải tìm được việc làm tốt nhất, mua được chiếc xe tốt nhất, căn biệt thự đẹp nhất, có những bộ cánh thời thượng nhất.
Đó là một sự thay thế để vẫn giữ nguyên lối sống đầy tinh tế, nhưng là thông qua các trải nghiệm" .
Năm 2008, khi Sherry Poon, người sáng lập nhãn hàng quần áo hữu cơ dành cho trẻ em Wobabybasics bắt đầu tổ chức Hội chợ Thiết kế sinh thái Thượng Hải với gần 500 người tham dự.
Mùa hè năm 2015, đã có 20.000 người tham gia, họ đến để lựa chọn các sản phẩm sinh thái, thân thiện với môi trường, tham gia vào các show trình diễn của các thương hiệu quần áo sinh thái và tham gia vào các diễn đàn bàn về các vấn đề lối sống bền vững.
"Khi chúng tôi bắt đầu, chủ yếu khách hàng và nhà cung cấp – những người quan tâm đến phát triển bền vững đều là người nước ngoài.
Nhưng trong những năm qua, mọi thứ đã thay đổi và hiện nay hơn một nửa khách hàng là người địa phương, cùng gần 80% nhà cung cấp là người Trung Quốc", doanh nhân người Canada chia sẻ.
Như Poon đã nói, những người nước ngoài sống ở Trung Quốc, hoặc những người đã trải qua thời gian dài sống ở nước ngoài chính là người đi đầu cho xu hướng này.
Một trong những trường hợp thành công nhất là Jeni Saeyang, ở tuổi 30, cô trở về quê hương Thượng Hải sinh sống để chăm sóc cho người bà của mình sau nhiều năm sống ở nước ngoài – Sydney và New York.
Năm 2011, Saeyang, tên khai sinh tiếng Trung là Chen Wenyi đã thành lập Eco&More, một dòng sản phẩm thiên nhiên về vệ sinh và chăm sóc cá nhân.
Cô Saeyang, tên khai sinh tiếng Trung là Chen Wenyi, người thành lập Eco&More.
"Khi tôi về nước 5 năm trước, tình trạng ô nhiễm không khí thực sự đáng báo động tại Bắc Kinh và Trung Quốc gần như trở thành quốc gia ô nhiễm nhất trên thế giới", Saeyang nói.
"Gần như tình huống cấp bách này không tồn tại ở nơi nào khác trên thế giới. Người dân Châu Âu, Mỹ hay Úc chọn các sản phẩm xanh vì họ muốn và tin rằng, về lâu dài, điều đó rất có ích cho hành tinh của chúng ta.
Còn tại Trung Quốc, điều này cực kỳ cấp bách vì từng ngày chúng ta đang sống trong môi trường vô cùng ô nhiễm.
Ô nhiễm nguồn nước cũng trở nên cực kỳ nghiêm trọng và ô nhiễm không khí, một khi người dân nhận thức được vấn đề này, họ không thể bỏ qua", Zhao nói.
Cũng tương tự các sản phẩm dịch vụ khác khi bắt đầu vào thị trường Trung Quốc – như thưởng thức rượu vang, uống cà phê hay yoga trước đây – người tiêu dùng đại lục hầu hết đều tin tưởng vào các sản phẩm có nguồn gốc từ phương Tây.
Suy nghĩ đó của người tiêu dùng, đã trở thành một thử thách cho Eco&More, khi họ sản xuất các sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ trong nước.
Tự họ phải có quy trình kiểm định độc lập để đảm bảo các thành phẩm đầu vào sản xuất không có chứa các hóa chất gây độc hại và đảm bảo lượng carbon thấp.
"Chúng tôi luôn cam kết rằng chúng tôi sẽ làm nên các thực phẩm xanh có chất lượng tốt nhất tại Trung Quốc, nhưng hầu hết người Trung Quốc không tin vào sản phẩm Trung Quốc, và như vậy, họ đi tìm kiếm các sản phẩm nhập khẩu.
Ban đầu chúng tôi sản xuất tại Australia nhưng, sau một năm nghiên cứu, chúng tôi nhận ra rằng, hầu hết các sản phẩm như dầu gội, bột giặt đều chứa 70-80% nước.
Và lượng carbon thải ra môi trường từ việc vận chuyển lượng nước này đi nửa vòng trái đất đã đi ngược lại với tiêu chí bền vững nhưng đó là điều mà người tiêu dùng Trung Quốc không nhận thấy được ở thời điểm này", Saeyang chia sẻ.
Hội chợ các sản phẩm hữu cơ ở Trung Quốc.
Cùng thời điểm này, chính những người tiêu dùng trung lưu đang có sự thay đổi thói quen tiêu dùng, sự mở cửa Khu vực mậu dịch tự do thí điểm của Thượng Hải đã cho phép người tiêu dùng dễ dàng tìm thấy những sản phẩm bền vững và sản phẩm hữu cơ nước ngoài vào.
Người tiêu dùng hiện tại đã có thể mua các sản phẩm sản xuất ở nước ngoài thông qua kho ngoại quan trong vòng 1-3 ngày, thay vì 7-14 ngày như trước đây khi mua hàng nhập khẩu, trong khi đó, nhiều sản phẩm tươi sống có chất lượng tốt cũng được khuyến khích tiêu dùng.
Hơn thế, thương mại điện tử đang thay đổi cách người tiêu dùng Trung Quốc mua sắm mọi thứ, và sự khác biệt lớn nhất đôi khi dựa vào nguồn gốc sản phẩm.
Một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Thương mại điện tử Trung Quốc đã đưa ra con số 2,3 nghìn tỷ NDT tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử qua biên giới trong nửa đầu năm 2015.
Dự báo đây sẽ là một trong những khu vực phát triển năng động nhất trong bối cảnh thị trường thương mại điện tử khổng lồ tại Trung Quốc.
Chính những trang trại hữu cơ trong nước là nơi cảm nhận sâu sắc nhất sự cạnh tranh từ nhập khẩu, trong bối cảnh mà nhẽ ra, họ phải được hưởng lợi từ sự tăng trưởng lợi nhuận trong sản xuất các sản phẩm tốt cho sức khỏe.
Hơn 50% người tiêu dùng Trung Quốc tham gia khảo sát đã có nhận thức về thực phẩm hữu cơ và nhiều người trong số họ ăn các sản phẩm hữu cơ, theo dữ liệu từ Hội nghị và Hội chợ Thương mại hữu cơ Trung Quốc Biofach.
Đây là nhà sản xuất với hơn 2500 sản phẩm thực phẩm hữu cơ trên toàn đại lục. Tuy nhiên, một số người có chút hoài nghi về cuộc cách mạng hữu cơ tại Trung Quốc.
"Niềm tin là một vấn đề lớn đối với người tiêu dùng trung lưu tại Trung Quốc hiện nay. Người tiêu dùng muốn dùng các sản phẩm hữu cơ nhưng họ không có sự tin tưởng tuyệt đối rằng sản phẩm này có nguồn gốc hữu cơ.
Những gì họ hi vọng ở một sản phẩm gắn mác hữu cơ là ít nhất sản phẩm đó cũng có chất lượng tốt hơn, an toàn hơn, được kiểm soát tốt hơn về quy trình sản xuất", Kimberly Ashton, đồng sáng lập của Sprout Lifestyle, cửa hàng cà phê chuyên về thực phẩm hữu cơ cho biết.
"Cho dù là tốt hay xấu, họ đang đánh đồng thực phẩm hữu cơ với thực phẩm an toàn. Họ không nghĩ đến việc có đủ giá trị dinh dưỡng, hoặc có thuốc trừ sâu hay không, hữu cơ chỉ đơn giản có nghĩa là tốt cho sức khỏe và an toàn.
Dường như người tiêu dùng Trung Quốc gán từ "hữu cơ" cho những sản phẩm tốt cho sức khỏe và an toàn," Ashton, chuyên gia sinh dưỡng từ Úc, người có 12 năm sống tại Trung Quốc cũng đồng ý với quan điểm trên.