MiG-35 của Nga có bí mật lớn và thật ngạc nhiên, NATO sẽ rất hài lòng

Bảo Lam |

Nhiều các dự án quân sự của Nga không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió như nhiều người tưởng. Chính điều đó đã xảy ra với chiếc tiêm kích MiG-35.

Phiên bản MiG-35 hôm nay không phải chiếc máy bay hiện đại mà vào năm 2011 bị Ấn Độ ngoảnh mặt khi quyết định đặt mua tiêm kích Rafale của Pháp. Nhiều khả năng, chiếc MiG-35 mới là phiên bản hoàn thiện hơn đôi chút dựa trên cơ sở phiên bản tiêm kích tàu sân bay MiG-29KR.

Nó không có hệ thống điều khiển vector lực đẩy và hệ thống radar mảng định pha chủ động, dù hiện Nga đang sở hữu những công nghệ này.

"Chiếc máy bay mới về cơ bản là phiên bản nâng cấp của MiG-29KR. Nó không có hệ thống điều khiển vector lực đẩy. Còn việc không lắp đặt hệ thống radar mảng định pha chủ động đó là vấn đề tài chính chứ không phải vấn đề kỹ thuật", một nguồn tin trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng Nga chia sẻ.

Nhưng vậy thì cần gì phải tổ chức một cuộc họp báo trực tuyến hoành tráng với sự tham gia của Tổng thống Nga Vladimir Putin nếu như chiếc máy bay tiêm kích mới này chỉ đơn giản là phiên bản nâng cấp của MiG-29KR? Điều bí mật ở đây chính là: quảng cáo.

Trên thực tế, toàn bộ kế hoạch chế tạo MiG-35 nhằm phục vụ một mục tiêu duy nhất: duy trì tập đoàn công nghiệp hàng không "MiG". Ở Nga điều tương tự từng xảy ra. Dự án chế tạo Su-30M2 tồn tại hoàn toàn là để duy trì Công ty sản xuất máy bay KnAAPO (Tổ hợp sản xuất hàng không Komsomolsk-na-Amure).

"Toàn bộ dự án MiG-35 này là chỉ để duy trì hoạt động sản xuất của tập đoàn "MiG" và phục vụ xuất khẩu. Các tính năng kỹ thuật mang yếu tố thứ yếu. Bộ Quốc phòng (Nga) muốn có hệ thống radar mảng định pha chủ động nhưng lại muốn mua MiG-35 với giá rẻ nhất có thể.

Các khách hàng nước ngoài có khả năng mua MiG vẫn mua chúng mà không cần radar mảng định pha chủ động vì các yếu tố mang tính giá thành", nguồn tin trên tuyên bố.

Hệ thống radar mà ông Putin đề cập tới, nhiều khả năng không phải là mảng pha chủ động. Chắc chắn, nó được trang bị radar quét cơ khí và là phiên bản của hệ thống radar "Zuk".

"MiG-35 có thể theo dõi cùng một lúc từ 10 đến 30 mục tiêu, hoạt động không chỉ trên mặt đất mà cả trên mặt biển. Đó đúng là điều thú vị, cỗ máy đặc biệt, có thể nói là "4++", gần với thế hệ thứ 5", ông Putin cho biết trong cuộc họp báo trực tuyến. Tuy nhiên hệ thống radar của nó không có điểm gì chung với radar mảng định pha chủ động.

MiG-35 của Nga có bí mật lớn và thật ngạc nhiên, NATO sẽ rất hài lòng - Ảnh 1.

Tiêm kích MiG-35.

MiG-35 từng bước sẽ được bàn giao cho Không quân Nga. Nhưng chủ yếu nó phục vụ cho mục tiêu xuất khẩu. Chính vì vậy, trong cuộc họp báo trực tuyến có sự tham gia của tổng thống Putin, người ta tập trung chủ yếu vào việc bán chiếc máy bay này cho khách hàng nước ngoài.

Không quân Nga hiện nay quan tâm nhiều hơn tới các máy bay thuộc dòng tiêm kích đa năng Su-30/Su-35 Flanker với những tính năng vượt trội.

"Chúng tôi tạo nên một chiếc máy bay thuộc thế hệ "4++". Hi vọng rằng Bộ Quốc phòng sau khi tiến hành thử nghiệm sẽ mua chiếc máy bay này, và các khách hàng nước ngoài cũng sẽ gặp chúng tôi để ký kết hợp đồng", tổng công trình sư của Tập đoàn chế tạo hàng không và phó chủ tịch về công nghệ tiên tiến, ông Sergei Korotkov chia sẻ với tổng thống Nga Putin.

Trên thực tế, tuyên bố của ông Korotkov, trước tiên, đó là lời bào chữa, bởi vì MiG-35 là hi vọng cuối cùng của Phòng thiết kế Mikoyan để tồn tại trong bối cảnh Công ty "Sukhoi" đang hoàn toàn nắm giữ ưu thế.

Thời gian sẽ chứng tỏ MiG-35 có giúp được cho tập đoàn "MiG" hay không. Tuy nhiên, cần phải nói rằng, hiện nay mọi thứ đang diễn ra không theo chiều hướng có lợi cho doanh nghiệp này.

Chắc chắn NATO sẽ rất hài lòng vì MiG-35, xét cho cùng không phải là mối đe dọa lớn cả trong thực tế không chiến lẫn cạnh tranh trên thị trường vũ khí thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại