Mệt mỏi đi khám đã hỏng thận: Chuyên gia cảnh báo nguyên nhân hại thận hay gặp

Ngọc Minh |

Rất nhiều bệnh nhân chỉ mệt mỏi, ăn kém đi khám đã suy thận ở giai đoạn cuối. Đây là tình trạng gặp khá phổ biến ở các bệnh nhân suy thận do chủ quan không đi khám sớm.

Hỏng thận do hậu quả của các bệnh lý thận đơn giản

TS Nguyễn Thế Cường, Trưởng khoa Thận lọc máu - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, bệnh nhân khi đã bị suy thận mạn tính không có cách nào có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Bệnh nhân suy thận thường diễn biến rất chậm, chỉ có biểu hiện khi ở giai đoạn cuối.

Để phát hiện bệnh sớm cần sàng lọc các yếu tố nguy cơ cao, đặc biệt là người bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, và gia đình có người bệnh thận. Các đối tượng này cần được làm xét nghiệm tầm soát định kỳ hằng năm và tích cực điều trị sớm tránh bệnh thận tiến triển đến giai đoạn cuối.

Suy thận mạn là hậu quả cuối cùng của các bệnh lý thận - tiết niệu mạn tính, làm chức năng thận suy giảm dần dần tương ứng với số lượng nephron của thận bị tổn thương và mất chức năng hồi phục. Suy thận mạn gây ra mức lọc cầu thận giảm, rối loạn điện giải, tăng huyết áp, thiếu máu mạn tính.

Mệt mỏi đi khám đã hỏng thận: Chuyên gia cảnh báo nguyên nhân hại thận hay gặp - Ảnh 1.

Bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối phải lọc máu chu kỳ.

Theo TS Cường có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh suy thận mạn, trong đó các bệnh lý ở cầu thận chiếm 40% bệnh lý gây suy thận mạn như:

- Viêm cầu thận cấp, hội chứng thận hư, viêm cầu thận mạn, viêm cầu thận do các bệnh hệ thống,...

- Bệnh ống kẽ thận mạn do nguyên nhân nhiễm khuẩn hoặc không nhiễm khuẩn

- Bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp là hai nguyên nhân làm tổn thương thận gây suy thận mạn tính

- Bệnh thận bẩm sinh và di truyền (thận đa nang, loạn sản thận, hội chức ALport); Bệnh tự miễn (lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì)

- Người bệnh bị nhiễm độc trong thời gian kéo dài hoặc một số thuốc sử dụng để chữa trị các rối loạn bệnh lí cũng có thể làm tổn thương thận, dẫn đến suy thận mạn.

Việc điều trị suy thận mạn hiện nay có thể giúp làm chậm tiến triển của bệnh và cải thiện các triệu chứng, hạn chế nguy cơ các biến chứng.

Người suy thận cần điều trị chế độ ăn, sinh hoạt: thay đổi lối sống, bỏ thuốc lá, rượu bia, tập thể dục hàng ngày, tránh các hoạt động mạnh, giảm lượng protein, giảm muối trong khẩu phần ăn hàng ngày.

Bên cạnh đó, cần điều trị các triệu chứng như: Tăng huyết áp, kiểm soát rối loạn lipid máu, điều trị thiếu máu, điều trị loãng xương, điều trị rối loạn điện giải.

"Khi bệnh thận tiến triển đến giai đoạn cuối cũng là lúc chức năng của thận dưới 15% chức năng thận bình thường. Thận không còn đủ chức năng để lọc bỏ các chất độc và dịch dư thừa của cơ thể. Lúc này cần phải tiến hành các biện pháp điều trị thay thế thận (lọc máu, ghép thận)", TS. Cường nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại