Trẻ béo phì cần lưu ý gì trong chế độ ăn?
Trẻ thừa cân, béo phì cần có một chế độ dinh dưỡng cân đối, hợp lý, đa dạng. Tăng cường ăn cá, hải sản và rau. Giảm đậm độ năng lượng của thức ăn bằng cách giảm thức ăn giàu chất béo, đường ngọt và tăng cường glucid phức hợp (ngũ cốc thô).
Khi trẻ bị thừa cân, béo phì cha mẹ không cho trẻ ăn các thực phẩm nhiều đường như: Nước ngọt, bánh kẹo... các thực phẩm này làm cho trẻ thừa cân, béo phì. Hơn nữa, lượng đường quá lớn sẽ ức chế sự hấp thụ canxi, ảnh hưởng tới chiều cao ở trẻ.
Không để trẻ ăn vặt quá nhiều là một trong việc quan trọng nhất cần phải áp dụng đối với trẻ thừa cân, béo phì.
Nên cho trẻ ăn đúng giờ, không bỏ bữa, nhất là bữa ăn sáng và hạn chế ăn sau 20h. Ăn nhiều vào bữa sáng, bữa trưa và giảm ăn vào bữa chiều và bữa tối.
Không cho trẻ ăn nhiều quá, lượng thực phẩm mỗi bữa ăn phải phù hợp với tuổi. Nên cho trẻ ăn đủ các bữa trong ngày, không bỏ bữa và không để trẻ quá đói, vì nếu bị quá đói trẻ sẽ ăn nhiều trong các bữa sau làm mỡ tích lũy nhanh hơn.
Cho trẻ uống sữa tươi không đường hoặc sữa tươi không đường tách béo và giàu canxi.
Khuyến khích trẻ ăn nhiều rau
Hạn chế các món rán, xào, nên cho trẻ ăn các món luộc, hấp và kho.
Không cho trẻ ăn hoặc uống sữa trước giờ đi ngủ.
Hạn chế mỡ, phủ tạng động vật và da động vật.
Để trẻ giảm cân thành công cha mẹ cần quan tâm, tạo mọi điều kiện để giúp trẻ năng động và tích cực hoạt động thể lực. Tận dụng mọi cơ hội để giúp trẻ tăng cường hoạt động thể lực như đi bộ đến trường, leo cầu thang và chơi với em nhỏ...
Tập cho trẻ hoạt động thể lực hằng ngày 30-60 phút: Chạy, đá bóng, đạp xe và bơi. Cha mẹ nên tập cùng với trẻ để theo dõi và khuyến khích trẻ hoạt động.
Khi đến các nơi vui chơi công cộng, khuyến khích trẻ chơi các trò chơi làm tăng tiêu hao năng lượng như cầu trượt, leo dây và chơi trong nhà bóng.
Hạn chế thời gian ngồi xem tivi, video và trò chơi điện tử dưới 2 giờ/ngày. Cần cho trẻ được vui đùa và chạy nhảy vào những thời gian rảnh rỗi.
Hướng dẫn trẻ làm các công việc nhà: Dọn dẹp nhà cửa, góc đồ chơi của trẻ và gấp quần áo.
Giảm cân cho trẻ béo phì không có nghĩa giảm hoàn toàn chất béo và tinh bột. Ảnh: Internet.
Những thực phẩm giúp trẻ béo phì giảm cân an toàn
Thịt nạc: Theo trang tin Medical News, bổ sung các loại thịt nạc trong chế độ ăn uống sẽ hỗ trợ giảm mỡ. Đặc biệt, các loại thịt nạc như thịt gà bỏ da, gà tây, thịt thăn lợn, bò, cá hồi và tôm chứa lượng protein cao với lượng calo thấp và ít thành phần chế biến hơn so với thịt đỏ. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng cho biết, khi ưu tiên ăn thịt nạc, bạn có thể "giới hạn lượng chất béo bão hòa tiêu thụ xuống dưới 10% lượng calo mỗi ngày".
Cá: Trong khuyến cáo dinh dưỡng cho trẻ thừa cân, béo phì từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cá là thực phẩm nên được bổ sung đều đặn hàng tuần. Các loại cá là nguồn cung cấp axit béo omega-3, protein, vitamin B tốt cho cơ thể, hỗ trợ sức khỏe tim mạch và não bộ. Đặc biệt, axit béo omega-3 được tìm thấy trong các loại cá hồi, cá mòi và cá ngừ có thể giúp giảm mỡ cơ thể. Chúng chứa nhiều chất đạm giúp hạn chế cơn đói, duy trì cảm giác no trong nhiều giờ.
Rau củ quả luộc: Theo tháp dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam mà Viện Dinh dưỡng xây dựng, rau quả là tầng thực phẩm thứ 6 (trong 7 tầng) với số lượng khuyến cáo nên ăn hàng ngày nhiều. Với trẻ thừa cân, béo phì - nhóm trẻ đang dư thừa nhiều năng lượng, chất béo trong cơ thể, các chất xơ, vitamin A, vitamin C, kẽm, sắt, canxi… có nhiều trong rau sẽ giúp bé tiêu hóa nhanh hơn, đào thải được độc tố, tiêu hao mỡ thừa. Phụ huynh nên cho trẻ ăn rau củ quả luộc thay vì chiên, xào, vì cách chế biến này ít dầu mỡ, giúp giữ nguyên các dưỡng chất trong rau, thích hợp cho chế độ giảm cân của trẻ.
Đậu phụ: Trong số các thực phẩm được Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo nên dùng cho trẻ thừa cân, béo phì, đậu phụ được xếp vào nhóm thực phẩm hỗ trợ giảm cân lý tưởng. Bên cạnh đó, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Mỹ năm 2018 cũng cho thấy, những người ăn nhiều protein từ đậu phụ thường cảm thấy no lâu hơn và cũng ít suy nghĩ về việc ăn uống hơn so với những người nạp ít protein.
Ngô: Một bắp ngô luộc nặng khoảng 250 g có 150 g phần lõi và 100 g phần thịt thì chứa khoảng 177 calo. Lượng calo này thấp hơn nhiều so với những thực phẩm giàu tinh bột khác như khoai, gạo hay bột mì. Ngô không chỉ giàu chất xơ giúp cơ thể nhanh cảm thấy no mà không bị đói vặt, ngô còn cung cấp đa dạng nhóm vitamin như C, B1, B2, B9 hay vitamin E. Phụ huynh có thể bổ sung ngô thay cho một phần lượng tinh bột trẻ nạp vào mỗi ngày, hoặc thay cho các bữa ăn phụ giàu năng lượng khác.