Mất đi sự tự tin vì đôi mắt khác "lạ"
6 năm trước bé Ngô Thùy Dương (6 tuổi ở Quảng Ninh) sinh ra khỏe mạnh trong niềm hạnh phúc vô bờ bến của cả gia đình. Lúc mới sinh, mi mắt bé nhìn hơi sụp nhưng chị N (mẹ bé Dương) nghĩ đó là chuyện bình thường của trẻ sơ sinh, sau lớn lên sẽ hết. Tuy nhiên, càng lớn mi bị sụp xuống càng nhiều, chị N đưa con đi khám mới biết con bị sụp mi bẩm sinh.
Mi bị sụp xuống không ảnh hưởng tới sinh hoạt, nhưng lại ảnh hưởng tới tâm lý của bé Dương. Nhất là lúc bước vào tuổi đi học vì có đôi mắt khác "lạ" nên bé thường bị bạn bè trêu chọc.
Chị N chia sẻ có lần đi học về con chạy vào ôm mẹ và nói: "Mẹ ơi! Con không tới trường nữa đâu, mắt con lạ quá, con chỉ mong có đôi mắt giống như các bạn".
Bé Dương trước và sau phẫu thuật, ảnh BSCC
Chị N cho biết con có bệnh lý sụp mi bẩm sinh nên để tránh việc con không tự ti, 3 năm trước gia đình đã cho bé đi treo mi bằng chỉ. Những tưởng treo mi xong con sẽ hết bệnh, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn mi con lại sụp xuống. Sau đó, gia đình chị N cũng chạy chữa cho bé Dương khắp nơi nhưng tất cả cũng vô vọng.
Gần đây, trong một lần tình cờ đọc được bài báo viết về phương pháp điều trị sụp mi bẩm sinh bằng kĩ thuật chuyển vạt cơ trán, chị N đưa con đi khám để nuôi tiếp hy vọng điều trị cho con.
TS.BS Phạm Ngọc Minh, Khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thăm khám cho bé Dương và chẩn đoán bé bị chứng sụp mi ở mức độ 3 - mức độ vừa, cơ nâng mi yếu. Bác sĩ chỉ định sử dụng phương pháp treo cơ nâng mi bằng vạt cơ trán để cải thiện triệt để tình trạng cơ nâng mi yếu.
Sau phẫu thuật, đôi mắt của bé đã ổn định, 2 mắt mở to đều, bé Dương dí dỏm nói: "Mổ mắt xong nhìn mọi thứ rõ hơn, các bạn không còn trêu con nữa, con vui lắm!"
Hay như trường hợp của anh T.M.T (30 tuổi ở Hà Nội) sau một lần tai nạn bị mảnh kính vỡ văng phải cắt đứt cơ nâng mi biến dạng teo lõm ổ mắt, hỏng nhãn cầu, dẫn đến tình trạng sụp mi.
Anh T tâm sự, từ khi bị sụp mi sinh hoạt khó khăn hơn rất nhiều, nhìn cái gì cũng phải nhướng mày lên, rất là khó chịu và cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thẩm mỹ.
Anh T được chẩn đoán mắc chứng sụp mi mức độ 4 - mức độ nặng. Bác sĩ đã chỉ định anh T làm phẫu thuật treo cơ nâng mi bằng vạt cơ trán. Lấy vạt cơ trán thay thế cho cơ nâng mi đã mất chức năng đồng thời ổ mắt cũng đỡ teo lõm hơn do phần vạt cơ trán có tác dụng làm đầy ổ mắt.
"Sau phẫu thuật tôi thấy khá ổn rồi, sinh hoạt hàng ngày và trong công việc không còn bị cản trở như trước kia nữa", anh T nói.
Lấy lại sự tự tin cho bệnh nhân
TS.BS Phạm Ngọc Minh cho biết, sụp mi (blepharoptosis, ptosis, drooping eye) là sự sa của mi trên xuống thấp hơn vị trí bình thường ở tư thế nhìn thẳng. Mi có thể bị sụp với các mức độ khác nhau, một bên hoặc cả hai bên với độ sụp cân xứng hoặc không cân xứng.
Đối với các trường hợp bị sụp mi bẩm sinh ở mức độ nặng, ngoài việc gây khó khăn cho sinh hoạt, còn gây ra tâm lý tự ti cho trẻ khi tiếp xúc bạn bè, cản trở quá trình hòa nhập cộng đồng.
Nhóm của TS.BS Phạm Ngọc Minh được Bộ Y tế khen tặng, ảnh BSCC
Để nhận ra dấu hiệu sụp mi của bệnh lý theo TS.BS Phạm Ngọc Minh cần lưu ý những điểm sau:
- Viền của mi trên sa xuống che khuất đồng tử của con ngươi.
- Lông mi hướng xuống dưới.
- Mất nếp gấp mi trên.
- Rướn lông mày.
- Nghếch cổ khi nhìn.
- Giảm thị lực.
Với sụp mi mức độ vừa và nặng kèm theo chức năng cơ nâng mi yếu thì phẫu thuật treo mi sử dụng cơ trán làm cơ động lực là phương án duy nhất. Có 2 phương pháp treo mi vào cơ trán:
Thứ nhất: Treo mi gián tiếp vào cơ trán bằng chỉ silicon, prolene, cân đùi… là phương pháp kinh điển với ưu điểm là nhanh, ít sang chấn tuy nhiên tỷ lệ tái phát khá cao (20-30%).
Thứ hai: Treo mi trực tiếp bằng vạt cơ trán, đây là phương pháp xoay vạt cơ trán trực tiếp để treo mi thay cho cơ nâng mi đã mất hoặc chức năng kém. Phương pháp này khắc phục được tình trạng tái phát nhưng đòi hỏi tay nghề và kinh nghiệm của phẫu thuật viên hơn.
TS.BS Phạm Ngọc Minh khuyến cáo, khi trẻ có bất cứ dấu hiệu bất thường tại vùng mi mắt cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để can thiệp sớm. Độ tuổi phẫu thuật sụp mi bẩm sinh thích hợp nhất là trước khi trẻ bước vào lớp 1. Việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật nào là phù hợp cho trẻ thì cần thăm khám trực tiếp với bác sĩ.
*Đọc thêm bài phỏng vấn TS.BS Phạm Ngọc Minh TẠI ĐÂY.