Máy bay không người lái của Iran được Nga mua lại nguy hiểm như thế nào? (Ảnh: Military Watch Magazine)
Bất chấp việc Ukraine đang đạt được những thành công nhất định trong cuộc chiến với Nga, tình báo Mỹ cho biết Quân đội Nga đang tìm cách củng cố vị thế của mình trong cuộc chiến đang diễn ra với việc mua máy bay không người lái từ nước Cộng hòa Hồi giáo Iran.
Iran là nước đã bỏ qua việc bỏ phiếu phản đối việc lên án hành động quân sự của Nga ở Ukraine tại Liên Hợp Quốc, hai bên có lịch sử hợp tác quân sự chặt chẽ từ giữa những năm 2010 khi lực lượng của họ phối hợp chặt chẽ với lực lượng của Syria để thực hiện các hoạt động chống nổi dậy chung ở nước này.
Trong khi Trung Quốc hạn chế nghiêm ngặt việc bán vũ khí cho hai bên trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraine thì Iran cùng với Triều Tiên vẫn là những quốc gia duy nhất có lĩnh vực quốc phòng quy mô lớn nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng của phương Tây và có khả năng đóng góp một cách có ý nghĩa vào chiến dịch của Nga. Mặc dù về tổng thể, lĩnh vực quốc phòng của Iran còn kém xa so với Nga, nhưng máy bay không người lái vẫn là thế mạnh hàng đầu của Iran và đây cũng là điểm yếu của Nga.
Máy bay không người lái của Iran đã được thử nghiệm chiến đấu rộng rãi ở Syria và Iraq, đã thực hiện qua hàng nghìn nhiệm vụ. Việc Nga phụ thuộc vào các máy bay chiến đấu đắt tiền, máy bay phản lực đem đến rất nhiều rủi ro về người và tài sản. Vì vậy việc sử dụng các máy bay không người lái chi phí thấp với các khả năng tiên tiến có thể đóng vai trò như một hệ số nhân lực cho chiến dịch không quân của nước này.
Máy bay không người lái tấn công Shahed 129 của Iran (Ảnh: Military Watch Magazine)
Iran có nhiều kinh nghiệm triển khai máy bay không người lái tàng hình hiệu suất cao trong chiến đấu hơn bất kỳ quốc gia nào khác, chỉ có Mỹ và Trung Quốc có thể sánh ngang với Iran về kinh nghiệm triển khai máy bay không người lái. Và nếu Iran "tặng" cho Nga những khóa đào tạo và kinh nghiệm triển khai máy bay không người lái đi kèm, thì cục diện của cuộc chiến có thể sẽ được xoay chuyển.
Do các máy bay không người lái có hệ thống điều khiển rất phức tạp, không loại trừ khả năng các binh lính của Iran có thể sẽ thể tham gia vào các hoạt động, giống như Liên Xô từng triển khai binh lính, khí tài quân sự cho các đồng minh, từ Libya những năm 1980 cho đến Trung Quốc vào những năm 1950.
Hàng loạt bước tiến trong phát triển máy bay không người lái của Iran bắt đầu vào đầu vào những năm 2010, sau khi Iran tấn công điện tử thành công vào máy bay không người lái tàng hình Lockheed Martin RQ-170 Sentinel do CIA điều hành trên không phận của nước này vào năm 2011, dẫn đến việc chiếc máy bay này được khôi phục nguyên vẹn và được sử dụng như cơ sở cho một loạt máy bay không người lái tàng hình sau này.
RQ-170 có thể là máy bay quân sự có khả năng tàng hình tốt nhất trên thế giới vào thời điểm đó, mặc dù các nguồn tin Iran tuyên bố rằng các phiên bản nội địa của chúng đã được nâng cấp và đã vượt qua phiên bản gốc của Mỹ.
Máy bay trinh sát Saegheh và máy bay tấn công Shahed 171 là những thiết kế dựa trên RQ-170, đây là những máy bay đã thực hiện thành công các nhiệm vụ nguy hiểm khi xâm nhập vào không phận Israel vào tháng 2/2018. Máy bay này đã "né" được các khẩu đội tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất, nhưng đã bị bắn hạ bằng súng ở cự ly gần (cự ly mà khả năng tàng hình của máy bay không còn tác dụng).
Cựu giám đốc Mossad Danny Yatom tuyên bố liên quan đến vụ việc: "Đó là một hoạt động tinh vi. UAV gần như là một bản sao chính xác của máy bay không người lái của Mỹ đã rơi trên lãnh thổ của họ. Nếu nó phát nổ ở một nơi nào đó ở Israel, có lẽ không thể xác định nó là một máy bay không người lái do Iran sản xuất".
Máy bay không người lái tàng hình Shahed 191 của Iran (Ảnh: Military Watch Magazine)
Kể từ khi Iran được dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc vào tháng 10/2020, việc xuất khẩu tất cả các loại vũ khí thông thường của nước này là hoàn toàn hợp pháp mặc dù uy tín của ngành quốc phòng Nga có thể bị ảnh hưởng bởi việc quân đội nước này mua phần cứng của Iran.
Rất có khả năng Iran chuyển giao công nghệ để hỗ trợ Nga phát triển máy bay không người lái, tương tự như giữa Israel và Nga sau hợp đồng sản xuất máy bay không người lái năm 2009.
Nga cũng có thể bù đắp chi phí cho các tài sản mới bằng cách cung cấp khí tài quân sự cho Iran, bởi những vũ khí mà Iran sở hữu đã lỗi thời trong nhiều thập kỷ qua ví dụ như máy bay chiến đấu có người lái, xe bọc thép.
Hệ thống phòng không S-400, máy bay chiến đấu Su-30SM hoặc Su-35 và hệ thống phòng thủ bờ biển Bastion nằm trong số những tài sản mà Iran được cho là đã quan tâm từ rất lâu.
Các máy bay không người lái của Iran được dự đoán sẽ đem đến nhiều mối lo cho hệ thống phòng không thưa thớt của Ukraine.
Iran hiện là quốc gia duy nhất được biết đã thử nghiệm chiến đấu với các máy bay không người lái tàng hình có cánh bay như vậy, và việc tiếp cận với bí quyết và công nghệ của họ có thể có khả năng thay đổi đáng kể diễn biến cuộc chiến ở Ukraine đồng thời củng cố vị thế của Nga trước các đối thủ khác.
Việc chuyển giao cũng góp phần củng cố uy tín các chương trình máy bay không người lái của Iran và làm tăng sự quan tâm của các nước khác trong việc thực hiện các thương vụ mua bán máy bay không người lái.