Chiến trường Ukraine vén màn bí mật công nghệ của các ông lớn

Vinh Ngô |

Tháng 3/2022, Ukraine thông báo đã thu giữ được 1 đơn vị Krasukha-4, hệ thống tác chiến điện tử hiện đại nhất của quân đội Nga tại chiến trường gần Kiev. Ngay lập tức, hệ thống này được chuyển giao cho phía Mỹ “mổ xẻ”.

Krasukha-4 là hệ thống tác chiến điện tử “độc nhất vô nhị” trên thế giới, có khả năng gây nhiễu sóng âm mạnh, với các module đa năng đặt trên mặt đất (thường lắp trên các xe tải hạng nặng). Hệ thống này thường được sử dụng để bảo vệ công trình cố định và khắc chế radar của các loại máy bay chiến đấu, có tầm hoạt động lên tới 300 km.

Khi “báu vật” của Nga rơi vào tay Mỹ và phương Tây có thể đặt nước này vào thế khó, không chỉ liên quan việc các bí mật công nghệ quân sự bị khai thác mà còn là nguồn gốc các linh kiện sử dụng trong những cỗ máy tối tân bị truy vết. Từ đó, các lệnh cấm vận chặt chẽ hơn sẽ được bổ sung để tránh “lọt lưới”.

Chiến trường Ukraine vén màn bí mật công nghệ của các ông lớn - Ảnh 1.

Nga buộc phải hiện thực hoá mục tiêu thoát khỏi sự phụ thuộc công nghệ phương Tây trên mọi lĩnh vực.

Linh kiện lưỡng dụng giúp Nga giải bài toán bị cấm vận

Sau khi cuộc xung đột với Ukraine nổ ra, Nga đã hứng chịu các đợt cấm vận liên tiếp do Mỹ và phương Tây áp đặt, tập trung vào lĩnh vực công nghệ quân sự. Nhưng bằng nhiều cách thức khác nhau, Moscow vẫn đang đảm bảo duy trì nguồn cung thay thế linh kiện cho các trang thiết bị chiến đấu ở tiền tuyến.

Các chuyên gia phân tích cho biết hầu hết linh kiện phức tạp trong trang thiết bị quân sự của Nga thu được trên chiến trường Ukraine đều do những công ty trụ sở tại Mỹ hay châu Âu sản xuất: từ microchip, bảng mạch, động cơ cho tới ăng-ten, hệ thống quang học.

 “Có một điểm chung trong phần lớn vũ khí Nga thu giữ được trên chiến trường Ukraine. Chẳng hạn, súng phóng rocket 9M949 cỡ nòng 300-mm sử dụng con quay hồi chuyển sợi quang học sản xuất tại Mỹ. Hệ thống phòng không TOR-M2 dựa trên bộ phận máy hiển thị sóng của Anh tích hợp trong nền tảng điều khiển radar. Điều này cũng đúng với các tên lửa hành trình Iskander-M, Kalibr, Kh-101”, trích báo cáo gần đây của nhóm cố vấn an ninh quốc phòng Anh (RUSI).

Đặc biệt, nhiều thành phần trong các linh kiện điện tử này thuộc danh mục “lưỡng dụng” (có thể sử dụng cả trong lĩnh vực dân sự và quốc phòng) và có khả năng Nga đã tìm ra cơ chế lách qua mạng lưới cấm vận của Mỹ và phương Tây giăng ra thông qua nhập khẩu từ các quốc gia thứ ba, sau đó tháo rời và đưa ra chiến trường.

RUSI cho biết các phần cứng vũ khí hiện đại của Nga đều phụ thuộc phần lớn vào linh kiện điện tử phức tạp nhập khẩu từ Mỹ, Anh, Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Israel, Trung Quốc và một số quốc gia khác. Tuy nhiên, không phải nước nào cũng biết rõ ai là “người dùng cuối các chi tiết mà họ sản xuất”.

Nguồn tin của chính phủ Anh cũng ngầm xác nhận có tình trạng một số thiết bị quân sự của Nga chứa các linh kiện lưỡng dụng, không nằm trong danh sách kiểm soát, có thể được nhập khẩu từ nhiều nhà cung cấp có sẵn trên thế giới.

Phân cực trong cuộc chiến công nghệ quân sự tương lai

Trong giai đoạn từ 2017 tới 2021, Nga từng chiếm 19% thị phần xuất khẩu vũ khí toàn cầu do có giá thành rẻ và dễ bảo trì hơn so với các loại vũ khí tương ứng của phương Tây. Nước này cũng là quốc gia nhập khẩu lớn công nghệ từ Mỹ cũng như châu Âu.

Sau khi xung đột tại Ukraine diễn ra, Moscow đã bị Mỹ và phương Tây cô lập chuỗi cung ứng công nghệ cao, đe doạ tới khả năng duy trì sản xuất vũ khí thay thế cho trang thiết bị trên chiến trường. Thậm chí, nước này đã phải sử dụng vi xử lý máy tính trong máy rửa bát và tủ lạnh thương mại trong các xe tăng thay cho những linh kiện không sẵn có.

Thực tế đã cho thấy sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ khó lường khi khủng hoảng xảy ra. Và điều này sẽ định hình lại cuộc chiến về công nghệ quân sự tương lai giữa các cường quốc.

Trước bối cảnh đó, Nga buộc phải hiện thực hoá mục tiêu thoát khỏi sự phụ thuộc công nghệ phương Tây trên mọi lĩnh vực: đặt ra chủ quyền Internet, phát triển hệ sinh thái phần cứng và phần mềm trong nước. Với những giải pháp không sẵn có, Moscow chuyển hướng sang sử dụng các nền tảng mở.

Tiếp đến, việc bao vây cấm vận cũng đẩy Nga lại gần hơn với công nghệ của Trung Quốc, quốc gia đang cạnh tranh với Mỹ trên mọi lĩnh vực.

Trên lĩnh vực xuất khẩu quân sự, những năm gần đây, Bắc Kinh đã chiếm 4,6% thị phần bán vũ khí toàn cầu, vươn lên đứng thứ 4 sau Pháp (11%). Hiện nay, chính phủ Trung Quốc mua sắm phần lớn trang thiết bị vũ khí quân sự từ các nhà sản xuất nội địa, nhưng họ cũng có năng lực xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài khi có nhu cầu.

Các công nghệ của Trung Quốc có thể chưa sánh được với vũ khí của Mỹ và châu Âu về chất lượng hay giá thành song Bắc Kinh hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội để lấp khoảng trống do Nga để lại trên thị trường vũ khí toàn cầu. Chưa kể, hai nước láng giềng có thể đẩy mạnh hợp tác sở hữu những thiết bị không phụ thuộc vào công nghệ Mỹ và phương Tây.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại