Trang tin 19fortyfive đăng bài viết có tiêu đề: "F-35I Adir: Tiêm kích tàng hình đặc biệt của Israel, đến cả Mỹ cũng không có".
Theo bài viết, trong khả năng tối đa có thể, Israel - quốc gia có tiềm lực quân sự mạnh nhất Trung Đông - luôn tìm cách tự lực, dựa vào các hệ thống vũ khí "cây nhà lá vườn" của mình để tự vệ trước nhiều đối thủ trong khu vực.
Những vũ khí này rất đa dạng, từ các hệ thống chiến đấu bộ binh cơ bản (như súng trường tấn công Galil và súng tiểu liên Uzi) cho đến xe tăng chiến đấu chủ lực (như Merkava) và các hệ thống phòng thủ chống tên lửa (như Iron Dome).
Thế nhưng, có một loại khí tài mà Israel vẫn chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ nước ngoài, đó là máy bay chiến đấu.
Tổ hợp công nghiệp hàng không Israel từng cho ra đời mẫu chiến đấu cơ Kfir vào những năm 1970 nhưng chúng đã bị loại khỏi biên chế hoạt động vào nửa cuối những năm 1990.
Hiện tại, Không quân Israel (IAF) đang sử dụng các tiêm kích thế hệ 4 F-15 Eagle và F-16 Fighting Falcon (do Mỹ sản xuất) làm trụ cột trong các cuộc giao tranh không-đối-không và không-đối-đất.
Tuy nhiên, do không muốn bị tụt lại trong cuộc đua máy bay chiến đấu thế hệ 5, Israel đang chuyển sang tìm kiếm năng lực tàng hình ở biến thể F-35I do tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) sản xuất.
Trung tâm thử nghiệm bay của IAF tiếp nhận chiếc F-35I Adir thử nghiệm đầu tiên. Nguồn: Military Leak
Quốc gia duy nhất triển khai F-35 thực chiến
F-35 có chi phí hoạt động lên tới 44.000 USD mỗi giờ bay, cao gấp đôi so với mức 20.000 USD/giờ của F-15EX. Tổng chi phí phát triển của chương trình F-35 đã lên tới 1,5 nghìn tỷ USD - một con số khủng khiếp, đưa nó trở thành dự án vũ khí đắt đỏ nhất trong lịch sử Mỹ.
Song, Israel rõ ràng không nản lòng và vẫn sẵn sàng chi trả những khoản tiền lớn dành cho biến thể máy bay tàng hình F-35 mà họ gọi là "Adir".
Mối đe dọa từ Iran là một trong những nhân tố chính thúc đẩy Tel Aviv làm điều đó. Cho tới nay, Israel là quốc gia duy nhất đã thực sự sử dụng F-35 trong chiến đấu, và trong cả 2 lần triển khai, họ đều dùng nó để nhắm vào các mục tiêu của Iran.
Lần đầu tiên, vào tháng 5/2018, IAF đã sử dụng F-35 để tấn công các trận địa phóng tên lửa của Iran ở Syria. Dù không nói rõ mục tiêu nhưng Thiếu tướng Amikam Norkin - khi đó là Tư lệnh của IAF - đã công khai tuyên bố: "Chúng tôi đang triển khai F-35 trên khắp Trung Đông và đã phát động tấn công 2 lần trên hai mặt trận khác nhau".
Trong lần tiếp theo, IAF đã trở thành lực lượng đầu tiên triển khai F-35 trong tác chiến không-đối-không, mặc dù mục tiêu không phải là máy bay có người lái của đối phương. Chiến dịch được tiến hành vào tháng 3/2021, các phi công chiến đấu Israel thuộc Phi đoàn 116 và 140 đã điều khiển những chiếc F-35I Adir của họ để bắn hạ 2 máy bay không người lái (UAV) Iran đang đe dọa xâm phạm lãnh thổ Israel.
Tiêm kích F-35I Adir nhiều hệ thống do Israel sản xuất. Ảnh: courtesy IAF
Tại sao F-35I của Israel vượt trội F-35 Mỹ?
Đối với câu hỏi này, chuyên gia Maya Carlin của 19fortyfive lưu ý rằng Israel là "quốc gia duy nhất trên Trái Đất có phiên bản tùy chỉnh của máy bay chiến đấu do Mỹ chế tạo".
Theo vị chuyên gia, Lockheed Martin đã từ chối thực hiện các sửa đổi dành riêng cho những khách hàng lớn của F-35.
Do đó, Israel đã đưa các nhà thầu quốc phòng nội địa của họ vào cuộc. Thỏa thuận ký kết cho phép các bộ mũ bảo hiểm phức tạp và cánh máy bay được sản xuất tại Israel, sử dụng nguồn lực của ngành công nghiệp Israel nhưng chi phí thì được lấy từ nguồn viện trợ quân sự của Mỹ.
Cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu bên một chiếc F-35I. Ảnh: The Aviation Geek Club
Ngoài ra, IDF có thể tiến hành các sửa đổi bên ngoài đối với F-35I. Lực lượng này cũng có quyền truy cập cấu trúc kỹ thuật số tiên tiến của mẫu máy bay này, trong đó bao gồm hệ thống thông tin liên lạc, bộ giám sát, hệ thống tác chiến điện tử và hệ thống chỉ huy nhiệm vụ.
Trong số phần cứng mà Israel chịu trách nhiệm sản xuất cho F-35I còn có hệ thống tác chiến điện tử dành cho các vũ khí bổ trợ như tên lửa không-đối-không và các pod tác chiến điện tử gắn ngoài.
Israel cũng đang tìm cách phát triển các thùng nhiên liệu ngoài dành cho F-35I để cho phép mẫu máy bay này hoàn thành các nhiệm vụ tầm xa mà không cần tiếp liệu trên không.
Thời gian sẽ cho chúng ta biết liệu Không quân Mỹ sẽ có thể tự giải quyết các vấn đề về F-35 và đưa 3 biến thể hiện có của họ lên ngang hàng với F-35I trong tác chiến thực hay không. Tuy nhiên, ở hiện tại, F-35I vẫn là một vũ khí với những tính năng vượt trội mà Mỹ chưa có được.
Theo 19fortyfive, rất có thể trong thời gian tới IAF sẽ đưa những chiếc Adir của họ lên một tầm cao mới trong cuộc chiến chống lại mối đe dọa từ Iran.