Mất Tết do nhờ lang băm làm đẹp

Bài và ảnh: Nguyễn Thạnh |

Rất nhiều cảnh báo liên quan việc tiêm chất lạ, tiêm filler không rõ nguồn gốc để làm đẹp gây biến chứng nặng nhưng tình trạng này cứ tái diễn.

Một ca biến chứng nguy kịch mới nhất vừa được các bác sĩ (BS) ở Bệnh viện (BV) Thẩm mỹ JW Hàn Quốc (TP HCM) cứu chữa sau khi rút ra hơn 2 lít chất làm đẹp đã "ăn" vào tận xương chậu. Nạn nhân đến từ tỉnh Khánh Hòa, đã di chuyển bằng chuyến bay khẩn cấp trong đêm từ miền Trung vào TP HCM cầu cứu trong tình trạng hoại tử, tím tái.

Vào viện vì muốn đẹp siêu tốc

Nữ bệnh nhân tên N.T.N (30 tuổi), vào BV Thẩm mỹ JW Hàn Quốc với gương mặt đau đớn, dáng đi lom khom, chị mếu máo nói: "BS ơi, cứu em, đau quá! Ba ngày nay em không thể nào ngủ được, hai mông rất đau và mủ chảy nhiều…".

"Khi tôi gỡ miếng gạc trên vết thương của nữ bệnh nhân ra thì thấy dịch mủ đục chảy ra. Dù đã tiếp nhận nhiều ca biến chứng hoại tử do tiêm chất lạ vào bụng, mông, mặt… nhưng tôi chưa từng gặp trường hợp nào bị nặng như vậy" - TS-BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc BV Thẩm mỹ JW Hàn Quốc, nhớ lại.

Bốn năm trước, chị N. đến một spa ở địa phương để tiêm filler độn mông làm đẹp cấp tốc. Vừa qua, chị N. tiếp tục quay lại nơi này để tiêm thêm 100 cc filler vào mông để đón Tết. Tuy nhiên, sau tiêm 1 ngày, mông chị bắt đầu có dấu hiệu đau nhức, căng cứng. Các vết bầm xuất hiện ngày càng đậm hơn. Chị đến một BV địa phương để nặn filler ra nhưng dịch mủ không ngừng chảy.

Mất Tết do nhờ lang băm làm đẹp - Ảnh 1.

Các bác sĩ Bệnh viện Thẩm mỹ JW Hàn Quốc cứu cô gái ở Khánh Hòa bị biến chứng sau khi tiêm filler vào mông

Kết quả kiểm tra cho thấy filler đã lan rộng khắp vùng mông, "ăn" đến tận khu vực xương chậu, cứng, nhiều vùng bị vón cục, nếu không điều trị khẩn cấp sẽ dẫn đến hoại tử. Các BS phải mất 5 giờ nạo hút ổ áp xe ra 2 lít gồm filler, dịch mủ, mô hoại tử và nhiều tạp chất không xác định.

"Bệnh nhân từng bị viêm mạn tính khi tiêm filler vào mông cách đây 4 năm. Gần đây lại tiếp tục tiêm khiến tình trạng chuyển biến xấu trở thành viêm cấp tính, phải thực hiện mổ khẩn" - BS Trần Trung Tín, thành viên ê-kíp phẫu thuật, cho biết.

Theo BS Tín, do filler len lỏi khắp các mô cơ nên ê-kíp phải phá từng vách để hút hết dịch mủ bên trong. Bệnh nhân sau đó được điều trị tích cực bằng kháng sinh và đặt máy chuyên dụng để hút dịch và mô hoại tử từ 1-2 tuần nhằm giải quyết tình trạng áp xe triệt để. "Khi lựa chọn nâng mông làm đẹp, mọi người hãy thật tỉnh táo, ưu tiên lựa chọn đặt túi hoặc cấy mỡ tự thân sẽ an toàn hơn" - BS Tín khuyến cáo.

Trước đó, BV Thẩm mỹ JW Hàn Quốc cũng cứu chữa một nạn nhân là người giúp việc bị chính cô chủ thực hiện nâng mũi sau 3 ngày học nâng mũi siêu tốc tại một spa.

Nguy hại thuốc trị nám chứa axít

Theo PGS-TS-BS Đỗ Quang Hùng, nguyên Trưởng Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ BV Chợ Rẫy (TP HCM), hầu như ngày nào ông cũng xử lý nhiều ca biến chứng do làm đẹp, nhất là vào dịp cuối năm khi nhu cầu tân trang nhan sắc đón Tết tăng lên. Các ca biến chứng từ phẫu thuật tới làm đẹp không xâm lấn như tiêm filler, tiêm tan mỡ... Thủ phạm gây ra các biến chứng này hầu hết là các cơ sở làm đẹp tay ngang, người thực hiện không phải BS, thậm chí chỉ là nhân viên cắt tóc, gội đầu.

Ngoài làm đẹp bất chấp nói trên thì tình trạng truyền tai sử dụng sản phẩm làm đẹp không rõ nguồn gốc vào mùa Tết càng rộ lên. Mới đây, một nạn nhân ở Tiền Giang bị axít "ăn" nát dung mạo được BV Da liễu TP HCM cứu chữa.

Nữ bệnh nhân 44 tuổi vào BV trong tình trạng gò má 2 bên thương tổn nặng, trợt da, rỉ dịch mủ vàng đục. Trước đó 1 tháng, do người quen giới thiệu, chị mua thuốc trị nám bán ở chợ với giá hơn 200.000 đồng về dùng. Sau 3 ngày, vùng da 2 gò má bắt đầu khô căng, xuất hiện vết loang lổ như bỏng, rỉ dịch, có mủ vàng đục. Chị thoa dầu mù u để sát khuẩn, mau lành vết thương nhưng tình trạng lở loét kéo dài hơn cả tháng.

ThS-BS Phan Ngọc Huy, Khoa Thẩm mỹ da BV Da liễu TP HCM, cho biết bệnh nhân bị nhiễm trùng da kéo dài dẫn đến vết thương không lành. Loại thuốc bệnh nhân thoa để trị nám nêu trên có chứa axít.

Theo bác sĩ Huy, hiện nay nhiều người vì mong muốn trị nám, tàn nhang nhanh với chi phí thấp nên đã sử dụng các loại thuốc chứa axít. Hầu hết các loại thuốc này đều không được dán nhãn về thành phần, nơi sản xuất và chưa được cơ quan chức năng kiểm định. "Việc sử dụng các chế phẩm này trên những vùng da nhạy cảm như mặt, mi mắt rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ phá hủy cấu trúc sinh lý làn da và gây nên các biến chứng như bỏng da, nhiễm trùng, sẹo xấu" - BS Huy cảnh báo.

Trước sự nở rộ dịch vụ làm đẹp, các chuyên gia khuyến cáo chị em cân nhắc kỹ trước khi sử dụng dịch vụ để tránh "tiền mất tật mang". Người dân có nhu cầu làm đẹp cần tới các cơ sở y tế được cấp phép của cơ quan chức năng.

Dù việc tiêm filler không xâm lấn nhưng người tiêm bắt buộc là BS có chuyên ngành thẩm mỹ hoặc BS da liễu. Phòng khám hay BV thẩm mỹ thực hiện tiêm filler phải được cấp phép của sở y tế địa phương.

Quy định có nhưng vẫn "loạn"

Theo giới chuyên môn, quy định của nhà nước trong hoạt động thẩm mỹ đã có từ lâu nhưng "loạn" làm đẹp vẫn đầy rẫy và hoạt động mạnh vào dịp Tết.

Theo quy định, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ chỉ được thực hiện các hoạt động xăm, phun, thêu trên da, không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm và phải đáp ứng các điều kiện về địa điểm, thiết bị, nhân lực; phải có văn bản thông báo đủ điều kiện cho cơ quan chức năng trước khi hoạt động.

Đối với các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc có can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng... của các bộ phận trên cơ thể chỉ được thực hiện tại BV có chuyên khoa thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về thẩm mỹ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại