Mất mật vì sỏi: Bà mẹ trẻ 27 tuổi sốc nặng vì thói quen này

Ngọc Anh |

Sỏi mật là bệnh lý hay gặp ở xã hội hiện đại do nhu cầu ăn uống làm tăng cholesterol và thói quen sinh hoạt của nhiều người.

Mất mật vì uống thuốc tránh thai

Chị Đỗ Phương Dung (27 tuổi, Hà Nội) đã sốc nặng khi bác sĩ thông báo chị phải cắt bỏ mật vì sỏi túi mật và mật đã hết chức năng, nếu không cắt bỏ mật nguy cơ có thể biến chứng thành ung thư.

Khi bác sĩ chỉ ra nguyên nhân, chị Dung cho biết từ khi kết hôn năm, 19 tuổi, sinh con gái xong vợ chồng chị thường kế hoạch hóa gia đình bằng thuốc tránh thai. Chị Dung vẫn chăm chỉ uống thuốc tránh thai hàng ngày mà không biết rằng thuốc tránh thai có chứa estrogen là nguyên nhân gây ra sỏi mật.

Hơn nữa, khi bị sỏi mật, chị Dung không thấy có triệu chứng gì nên chủ quan. Chỉ đến khi đau bụng, sốt cao điều trị không khỏi chị Dung mới tìm tới bác sĩ để khám. Lúc này, chức năng mật đã không còn nên bác sĩ yêu cầu cắt mật.

Hay như chị Nguyễn Đài Trang (35 tuổi, Phú Diễn, Từ Liêm, Hà Nội) cũng vào viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, quặn từng cơn, đau lan lên vùng gan phải, lan ra sau lưng, nôn ra dịch dạ dày, viêm dạ dày.

Kết quả chụp CT đa dãy ổ bụng cho thấy hình ảnh nhiều sỏi ống mật chủ, ống gan chung và túi mật gây giãn đường mật trong và ngoài gan, ống tụy chính, sỏi lớn nhất có đường kính 18x25mm.

Mất mật vì sỏi: Bà mẹ trẻ 27 tuổi sốc nặng vì thói quen này - Ảnh 1.

Sỏi mật chủ yếu ở chị em phụ nữ

Dựa trên các kết quả cận lâm sàng, sau hội chẩn các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm trùng đường mật do sỏi ống mật chủ, sỏi túi mật và cần được phẫu thuật càng sớm càng tốt.

Bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật cắt túi mật, mở ống mật chủ lấy sỏi. 12 viên sỏi (viên lớn nhất có kích thước khoảng 20x25mm) đã được ekip phẫu thuật lấy ra từ ống mật chủ và túi mật của bệnh nhân. Đường mật gan phải của bệnh nhân có nhiều mủ đã được các bác sĩ bơm rửa sạch, đặt dẫn lưu Kehr đường mật.

Ai có nguy cơ sỏi mật

Theo Bác sĩ Nguyễn Quang Cừ – chuyên khoa thận tiết niệu – Bệnh viện An Việt, Hà Nội cho biết xã hội phát triển, nhiễm ký sinh tiêu hóa giảm nên bệnh sỏi mật có ít đi. Tuy nhiên, dinh dưỡng của đa số người dân tốt lên, béo phì nhiều, bệnh sỏi túi mật lại tăng.

Sỏi mật hiện nay khá phổ biến và đa số người bệnh vào viện trong tình trạng bệnh nặng, biến chứng như trường hợp của chị Phương Dung phải cắt bỏ mật vì không bảo tồn được chức năng của mật.

Mất mật vì sỏi: Bà mẹ trẻ 27 tuổi sốc nặng vì thói quen này - Ảnh 2.

Bác sĩ Nguyễn Quang Cừ tư vấn cho bệnh nhân

Theo bác sĩ Cừ phụ nữ bị sỏi mật nhiều hơn nam, người nặng cân, có cholesterol cao trong máu dễ mắc bệnh hơn người gầy. Nguy cơ bị sỏi cũng tăng dần theo tuổi và số lần sinh con. Đặc biệt, bác sĩ Cừ nhấn mạnh phụ nữ dùng thuốc tránh thai có chứa estrogen.

Nguy hiểm là hầu hết người bệnh không có triệu chứng gì, sỏi túi mật được phát hiện tình cờ khi đi làm siêu âm bệnh khác.

Người bệnh thường có triệu chứng đau bụng âm ỉ dưới sườn phải, xuyên ra lưng, lên vai phải. Cơn đau quặn dữ dội ít xảy ra, thường liên quan đến sỏi gây tắc ống cổ túi mật, viêm túi mật cấp đòi hỏi người bệnh phải nằm viện dùng thuốc, theo dõi và có thể phải can thiệp phẫu thuật cấp cứu nếu quá trình viêm tiến triển dẫn đến hoại tử túi mật.

Bác sĩ Cừ cho biết, đa số trường hợp viêm túi mật do sỏi không có triệu chứng vàng da. Chỉ có một số ít viên sỏi to nằm ở gần ống mật, đè vào ống mật sẽ gây vàng da nhẹ. Những trường hợp này điều trị sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Với sỏi đường mật, còn nguy hiểm hơn vì nó gây tắc đường mật là nguyên nhân gây ra nhiễm trùng và làm nặng thêm tình trạng nhiễm trùng ở đường mật. Nhiễm trùng đôi khi rất nặng, có thể nhiễm trùng máu, nguy hiểm tới tính mạng.

Việc điều trị sỏi mật, bác sĩ Cừ cho biết hiện nay sỏi mật được chỉ định phẫu thuật là chủ yếu. Còn trường hợp thuốc uống làm tan sỏi túi mật, có tác dụng nhưng phải điều trị với thời gian điều trị khá dài, thường là 12 tháng. Thuốc chỉ có tác dụng 7 - 30% với người có sỏi cholesterol, trong khi đó tại Việt Nam, người có sỏi cholesterol chỉ khoảng 40%.

Các phương pháp tán sỏi túi mật hoặc lấy sỏi túi mật qua nội soi tiêu hóa hiện chưa được áp dụng rộng rãi vì chọn lọc người bệnh khó khăn, liệu trình kéo dài và kỹ thuật phức tạp. Phẫu thuật là cách điều trị được áp dụng nhiều nhất cho những người bệnh sỏi túi mật bị biến chứng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại