Ma túy và những ám ảnh hãi hùng ở "nghĩa địa chôn người sống"

Nguyễn Tùng Lâm |

Ở Hải Phòng, xóm đường tàu luôn gợi lại những ký ức hãi hùng về tệ nạn ma túy. Nhiều người gọi nơi đây là xóm "ăn thịt người", hay "nghĩa địa chôn người sống".

LTS: Nếu "quân khu" như Lý Nam Đế, Nam Đồng là nơi sinh ra những tay anh chị theo chủ nghĩa yêng hùng, có pha lẫn chút quân tử Tàu thì những khu chợ Đồng Xuân, Long Biên lại là thiên đường của dân lưu manh Hà Nội.

Những Khánh "trắng", Phúc "bồ" hay "Sơn lùn", Việt Dũng khét tiếng đất Hà Thành cũng đã lần lượt bước ra giang hồ từ vị trí những đứa nhóc lưu lạc nơi phố chợ.

Với dân giang hồ Sài Gòn, địa danh "nhắc tới đã thấy ớn lạnh" nhất phải kể tới hẻm 148 Tôn Đản - con hẻm lừng danh nhất Quận 4, từng là nơi xuất thân của ông trùm Năm Cam số má nhất một thời.

So với Hà Nội hay Sài Gòn, Hải Phòng nhỏ bé và chật chội hơn nhiều. Nhưng nếu so số lượng những tay du đãng, những gã anh chị khét tiếng hay mật độ dân "xã hội", thành phố Cảng xem ra còn có phần "vượt trội" hơn.

Loanh quanh 3 quận nội thành Hải Phòng, đâu đâu người ta cũng có thể chỉ ra những địa danh từng một thời là nơi phát tích của những băng nhóm hung hãn, những tay anh chị liều mạng có số má nhất đất Cảng một thời.

Nơi "chôn"… người sống

Cơn lốc ma túy những năm 2000 cuốn qua thành phố Cảng đã mang theo không biết bao nhiêu "thanh niên ưu tú" của giới giang hồ. Không thể đếm nổi bao nhiêu "anh hùng hảo hán" không sợ dao, không sợ súng, nhưng lại bị gục ngã trước... mũi kim tiêm.

Thói thường, hễ đã nghiện ngập thì kiểu gì cũng sẽ "mất chất", bị anh em, bạn bè coi thường, khinh rẻ. Và điểm đến cuối cùng của không ít những đấng "anh hào" máu mặt một thời của giang hồ đất Cảng lại là "đất chết" đường tàu.

Dù sao thì chút liều lĩnh còn sót lại cộng với cái đầu lọc lõi của dân xã hội đen cũng giúp họ trụ vững với nghề nghiệp cuối cùng: Bán lẻ heroin.

Khi mà sức khỏe đã bị ma túy tàn phá xơ xác, uy tín cũng bị những cơn khát tiền hủy hoại, những tay giang hồ có tiếng một thời cũng chẳng còn lựa chọn nào khác là vác mặt ra đường tàu kiếm miếng cơm, tép thuốc.

Thời kỳ sầm uất nhất của thiên đường ma túy này, dân nghiện chẳng mấy khó khăn để nhìn thấy hàng loạt đại bàng, hổ báo lần lượt... xuống đường đi bán heroin.

Những ngày hè nóng nực, ngập tràn "rồng", "phượng" hiện ra trên những cơ thể trơ xương và chi chít nốt kim tiêm.

Ma túy và những ám ảnh hãi hùng ở nghĩa địa chôn người sống - Ảnh 1.

Đường tàu chạy qua TP. Hải Phòng một thời là chợ ma túy sôi động.

Duy "ba tai" - một trong những con nghiện "cụ" may mắn còn sống sót từ thời kỳ đó tới giờ cảm thán: "Chưa khi nào khu đường tàu lắm "gấu mèo" tới thế. Mà không phải dân anh chị bình thường, toàn cộm cán hẳn hoi.

Khu đình Hàng có Hùng "gấu" - trật tự trại Hang Son (Quảng Ninh) nổi tiếng một thời. Khu đường tàu Trần Nguyên Hãn thì có Hưng "nghén", 2 án giết người, đi trại nào cũng cầm đầu trại đó.

Mỗi tội nghiện oặt xà lai, cũng đành vác mặt ra đường bán hàng qua ngày chứ biết làm sao? Gấu thì cũng có... mài ra mà ăn được đâu cơ chứ!"

Tới những "anh lớn" nức tiếng của giang hồ đất Cảng còn dạt ra tới tận khu đường tàu kiếm sống, thì những tay lưu manh cò con lại càng "bết bát" hơn.

Có thời điểm, ngập tràn khu đường tàu là những gã giang hồ tẹp nhẹp lỡ sa vào con đường nghiện ngập, phải lựa chọn những nghề lặt vặt để kiếm ăn qua bữa.

Từ bán kim tiêm, nhặt phế liệu cho tới canh công an, dọn dẹp vệ sinh, tất cả những cái nghề mạt hạng ấy đều có những tay dao, tay búa một thời góp mặt...

Thi thoảng, những tay giang hồ khét tiếng một thời kia cũng có thể nhận được một vài công việc "khả dĩ" hơn một chút: Đòi nợ thuê, đâm thuê chém mướn... tất nhiên là với cái giá rẻ mạt hơn rất nhiều so với thời hoàng kim của chính mình.

Những người tìm tới những gã nghiện "mất chất" để làm ăn cũng đã quá rành hoàn cảnh khốn cùng của chúng và tìm đủ mọi đường ép giá.

Bởi vậy nên mới có những cái giá dở khóc dở cười như vụ trọng án của Tình "trác", tay anh chị có tiếng một thời khu ngõ Cải Tạo, vì lỡ nghiện nên vì 500 ngàn đồng cũng dám... giết người!

Đất hung sinh người dữ

Từng có một thời gian dài, đường tàu Hải Phòng là thiên đường của những con nghiện, là nơi mà mọi thứ tệ nạn xã hội được dịp hoành hành.

Cùng với sự quy tụ của hàng loạt những gã giang hồ thất thế, những tay lưu manh nghiện ngập, những ngõ ngách hun hút dọc đường ray xe lửa kia đã trở thành "đất cấm" đối với những người dân lương thiện.

Mấy ai dám đi vào những con đường ken đặc bóng kẻ bán, người mua ma túy?

Chưa kể tới hàng đống kim tiêm vất tá lả khắp mặt đất, những con nghiện bặm trợn ngồi lờ đờ trên những ray tàu, chỉ bầu không khí đặc quánh khói thuốc và mùi ẩm mốc của khu "xóm liều" này cũng đủ khiến người ta phải rùng mình.

Có cảm giác, đó là một cái thế giới xa lạ và tách rời hẳn ra khỏi đời sống bình thường, dù rằng nó chỉ cách đường nhựa độ vài ba bước chân thôi.

Đã có vô số những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở khu đường tàu loạn lạc ấy "tiếp bước" con đường của gia đình.

Không trở thành con nghiện từ khi còn rất trẻ thì cũng sẽ bập vào nghề buôn bán ma túy, không rũ tù ở những trại giam xa xôi thì cũng xanh cỏ bởi bệnh tật, đao búa.

Thậm chí, có những gia đình có tới 3 thế hệ cùng ngồi tù, nhưng người ở nhà vẫn tiếp tục "kinh doanh". Nhiều nhà có 3 anh em thì đủ cả 3 góp mặt trong trại, đứa này chưa kịp ra thì đứa khác đã vào tù.

Và ở đây chẳng thiếu những đứa trẻ chỉ mới vừa mười mấy tuổi đã bị đẩy vào đời, bởi cha mẹ chúng đã chẳng còn trên đời nữa.

Môi trường kinh khủng ấy đã trở thành cái nôi cho những đứa trẻ bụi đời, những kẻ buộc phải trở thành lưu manh để mà tồn tại!

Ma túy và những ám ảnh hãi hùng ở nghĩa địa chôn người sống - Ảnh 2.

Không chỉ là chợ ma túy, xóm liều đường tàu còn là nơi sản sinh những tay anh chị giang hồ (Ảnh minh họa)

Nguyễn Thành Trung, còn gọi là Trung "chích" - giang hồ trẻ tuổi khét tiếng đất Cảng, đệ tử thân tín của "anh đại" Dũng K chính là một minh chứng hùng hồn nhất cho số phận bi kịch của những đứa trẻ sinh ra tại đường tàu.

Trung sinh năm 1981 trong một gia đình có "truyền thống": Mẹ lĩnh án 20 năm vì tội buôn ma túy, em trai dính nghiện từ lâu.

"Bản lĩnh", khôn ngoan và có cách sống cực kì "bộ đội", Trung từng là "ngôi sao trẻ" được tôn trọng và kính nể nhất của giới giang hồ đất Cảng.

Thậm chí, những người từng tiếp xúc với Trung đều có cái nhìn tiếc nuối cho số phận của giang hồ này. Nếu không chọn lựa con đường làm giang hồ, Trung sẽ là một người rất thành công.

Chỉ riêng đầu óc và bản lĩnh của Trung cũng thừa sức giúp anh ta vươn lên ở mọi môi trường, chưa kể tới cách sống tình nghĩa, hết lòng với bạn bè từng khiến Trung được vô số người tôn trọng.

Nhưng một đứa trẻ sinh ra trong môi trường "địa ngục" kia liệu có quyền lựa chọn tương lai của chính mình? Hầu hết chúng chỉ có 2 lựa chọn: Bán ma túy hoặc là "bán máu" để tồn tại trong cái xã hội nhỏ bé và khắc nghiệt đường tàu...

Tay giang hồ bản lĩnh và được đánh giá rất cao ấy cũng chẳng thể thoát nổi kết cục nghiệt ngã của kiếp sống trên đầu dao mũi kiếm.

Thoát chết tới vài lần trong những cuộc thư hùng, nhưng rốt cuộc, Trung chích cũng đã phải bỏ mạng sau khi bị hàng chục nhát dao bổ lên người trong vụ thảm án kinh hoàng ở cây xăng Đông Á vào cuối năm 2004.

Kết cục bi thảm ấy chẳng phải điều gì quá bất ngờ, bởi nó dường như đã được định sẵn cho những số phận giống như Trung.

Ma túy và những ám ảnh hãi hùng ở nghĩa địa chôn người sống - Ảnh 3.

Những người lương thiện ít dám lai vãng qua xóm liều đường tàu.

Ngoài Trung, còn có không biết bao nhiêu những "ngôi sao trẻ" của giới giang hồ đất Cảng bước ra từ vùng đất dữ thời kỳ ấy.

Chúng có bệ phóng hoàn hảo là sự tinh quái, ranh ma được rèn luyện từ bé, tố chất liều lĩnh và lì lợm của những đứa trẻ bụi đời.

Đặc biệt, chúng còn nhận được sự "nâng đỡ" từ phía không ít những đàn anh giấu mặt, những kẻ luôn để mắt tới những đứa trẻ không cha, không mẹ vất vưởng ở đường tàu.

Nhẹ nhàng thì thu nhận chúng để chạy hàng, để canh gác hay làm những việc nguy hiểm liên quan tới ma túy, còn đi đường dài thì là đào tạo ra những tay dao, tay kiếm trẻ con không biết sợ hãi, không biết chùn tay.

Những đứa trẻ ấy không có nhà để về, không có gia đình để mà bám dựa và cách duy nhất để chúng tồn tại chỉ là nghe theo lệnh của những "đàn anh"...

Vết sẹo in hằn

Những khu chợ tử thần tấp nập một thời của đất Cảng đã trở thành dĩ vãng, cảnh hàng ngàn con nghiện tấp nập kéo nhau đi mua thuốc mỗi sáng sớm cũng không còn, nhưng vết tích đáng sợ của cơn bão trắng vẫn còn vương vất đâu đây dọc theo những ray tàu.

Đó là những căn nhà không một bóng đàn ông, những đứa trẻ nheo nhóc không biết mặt cả cha lẫn mẹ, những bát hương chật kín bàn thờ trong ngôi nhà xập xệ, những ánh mắt vẫn chưa mất đi sự nghi ngờ, cảnh giác đối với người lạ mặt...

Chẳng còn mấy bóng dáng của xóm liều đầy rẫy tệ nạn và chen kín bóng giang hồ, người nghiện, nhưng sự bình yên hình như vẫn còn xa vời lắm.

Ma túy và những ám ảnh hãi hùng ở nghĩa địa chôn người sống - Ảnh 4.

Lực lượng công an thường xuyên phải lập chốt, tuần tra để xóa bỏ tệ nạn ở xóm liều đường tàu. (Ảnh Internet)

Kín đáo hơn và im ắng hơn trước rất nhiều, nhưng những động ma túy lớn nhất Hải Phòng vẫn được đặt tại đường tàu chứ chẳng phải nơi nào khác.

Những hàng cầm đồ, tín dụng đen, những đường dây mua bán đá, methadone vẫn cứ núp mình phía sau sự yên ắng giả tạo của "vùng đất dữ", dù chỉ hoạt động cầm chừng theo kiểu cò con.

Khi chưa triệt bỏ hoàn toàn, biết đâu đấy những thứ tệ nạn kinh khủng kia lại sẽ có dịp mạnh mẽ hồi sinh.

(Còn nữa)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại