'Ma dây bóp cổ' dưới góc nhìn y khoa

Hiếu Nguyễn |

Cô gái 23 tuổi treo cổ tự tử bất thành và được người nhà cứu thoát. Sau đó, cô tỉnh táo, ăn chung một bữa cơm với gia đình, ăn trái cây nói chuyện vui vẻ thì bỗng lên cơn co giật và 'ra đi'.

Cái chết của những người treo cổ

50 tuổi và có hàng chục năm làm công tác tại một bệnh viện lớn tại tỉnh Đồng Nai, bác sĩ N.T.N. (xin giấu tên) vẫn nhớ như in những cái chết kỳ lạ của những người treo cổ tự sát hàng loạt ở tỉnh Đồng Nai.

Vào một buổi chiều cuối tháng 5 năm 2014, khi bác sĩ N. và những sinh viên thực tập đang ngồi quanh trò chuyện, bệnh nhân nữ 23 tuổi (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) lên cơn co giật.

"Bỗng 2 bàn tay bệnh nhân đưa lên cổ làm động tác như cố gỡ bàn tay ai đó đang bóp cổ từ phía sau. Sau đó, bệnh nhân co giật, rơi vào tình trạng hôn mê và tử vong nhanh chóng. Tất cả kéo dài khoảng 10 phút. Diễn tiến quá nhanh nên bác sĩ không thể cứu kịp", bác sĩ N.T.N. nhớ lại.

9 tháng sau đó, một bệnh nhân nam khoảng 25 tuổi ở huyện Định Quán (tỉnh Đồng Nai) cũng lên cơn co giật ngay trong bệnh viện và cũng không thể qua khỏi.

Người này trước đó treo cổ nhưng được cứu kịp thời. Điều khiến bác sĩ N.T.N. băn khoăn là người thanh niên này có hành động rất giống với bệnh nhân nữ 23 tuổi trước đó. Bệnh nhân cũng tìm cách vùng vẫy, cố gắng thoát ra khỏi một hành động tựa như bị ai đó bóp cổ. Hành động này, theo bác sĩ N., dân gian gọi là bị "ma dây bóp cổ".

Cả 2 trường hợp này đều lên cơn co giật và tử vong sau đó 10 phút. Hàng loạt ca khác ở Đồng Nai, bác sĩ N. cũng gặp tương tự.

Ma dây bóp cổ dưới góc nhìn y khoa - Ảnh 1.

Đa phần các trường hợp treo cổ tự tử thường rơi vào độ tuổi từ 20 - 30 (ảnh minh họa)


Treo cổ bao lâu thì chết? Trước đó, cả hai nạn nhân đều đã thoát khỏi cửa tử khi treo cổ bất thành. Theo bác sĩ N., kỳ lạ là 2 bệnh nhân này sau khi được hồi sức đã tỉnh táo, tiếp xúc như người bình thường. Họ chỉ lên cơn co giật vào ngày thứ 3, thứ 4 sau khi nhập viện.

Như trường hợp bệnh nhân nữ 23 tuổi, sau khi cả nhà ăn chung bữa cơm, ăn trái cây nói chuyện vui vẻ thì cô gái lên cơn co giật và "ra đi". Cả gia đình ai cũng bàng hoàng xót xa vì ngỡ rằng mọi chuyện đã ổn.

Lời giải từ góc nhìn y khoa hiện đại

Bác sĩ N.T.N. cho biết, bản thân ông khi còn nhỏ đã chứng kiến vài trường hợp tương tự. Dưới góc độ y khoa hiện đại, bác sĩ N.T.N. cố gắng lý giải bản chất của hiện tượng "ma dây bóp cổ".

Theo ông, nguyên nhân khiến bệnh nhân lên cơn co giật có thể là do ngạt thở. Những bệnh nhân này đã thực hiện được việc treo cổ dù được cứu sống nhưng không loại trừ khí quản bị tổn thương. Sau vài ngày nhập viện, vết thương phù nề bịt kín đường thở hoặc nước rơi vào đường thở dẫn đến tình trạng co giật, chết não, chết tim vì không đủ oxy.

Ma dây bóp cổ dưới góc nhìn y khoa - Ảnh 2.


Trong khoảng thời gian 10 phút lên cơn co giật, bác sĩ N. cho rằng lúc đó các bác sĩ không bó tay. Bệnh nhân có thể cứu được khi được đặt ống nội khí quản giúp thở và phải có đường truyền tĩnh mạch để truyền thuốc cấp cứu. Thế nhưng, trước đó, bác sĩ thấy bệnh nhân ổn định từ sức khỏe và tinh thần nên chủ quan không nghĩ đến khả năng này.

Khi trao đổi với một số bác sĩ về hồi sức cấp cứu, chúng tôi cũng được xác nhận có hiện tượng mà ông bà xưa gọi là ma dây bóp cổ. Các bác sĩ lý giải, ngoài nguyên nhân bị sưng phù khí quản thì tình trạng co giật có thể còn do một vùng nào đó của não đã bị tổn thương hoặc bệnh nhân mắc bệnh lý tiềm ẩn ở não.

Các bác sĩ cũng xác nhận, các trường hợp này đều vô phương cứu chữa. Nghĩa là đã treo cổ tự tử, dù được cứu sống nhưng sau đó khi lên cơn co giật thì không thể cứu sống.

Ma dây bóp cổ dưới góc nhìn y khoa - Ảnh 3.

Bệnh nhân nằm hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM)


Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực & Chống độc A (ICU A), Bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM), cho biết với 20 năm trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu, những trường hợp dân gian gọi là ma dây không phải hiếm.

Các tế bào của não là những tế bào yếu nhất trên cơ thể người, trung bình chỉ chịu được tình trạng thiếu oxy trong 4 phút đồng hồ. Nếu não thiếu oxy quá lâu, não sẽ chết

Bác sĩ Dũng cho biết có những trường hợp sau 3-4 ngày mới lên co giật, gọi là động kinh sau tổn thương não. Đây là những bệnh nhân bị thương tổn rất nặng, khi vào viện thường đã hôn mê sâu.

Khi lên cơn co giật lần nữa, lúc này tổn thương đã rất nặng. Bệnh nhân co giật mạnh đến mức không một loại thuốc nào có thể khống chế được.

Những cơn co giật này một lần nữa lại tạo nên tình trạng suy hô hấp, làm cho não tổn thương nặng hơn và gây tử vong. Những trường hợp co giật như thế có thể xuất hiện ở các bệnh nhân sau thắt cổ hoặc bị tai nạn.

Ma dây bóp cổ dưới góc nhìn y khoa - Ảnh 5.

 

Như vậy, dưới góc nhìn y khoa, ma dây chỉ là hiện tượng co giật hoặc động kinh sau tổn thương não hoặc tổn thương khí quản. Tuy nhiên, các bác sĩ nhận định rằng y học rất cần thực chứng.

Những trường hợp vẫn tỉnh táo sau đó lên cơn co giật rồi tử vong nếu được giải phẫu tử thi để tìm các chứng cứ y học sẽ giải thích rõ ràng hơn. Đa phần những trường hợp này sau khi tử vong thường không được giải phẫu tử thi nên hiện tượng dân gian gọi là ma dây vẫn còn phủ một bóng mờ huyền ảo.

Trước mắt, các bác sĩ trong ngành truyền tai nhau không được chủ quan với những ca tự tử, để hy vọng cứu sống bệnh nhân nếu lên cơn co giật quá nhanh.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại