Lưu ý không thể bỏ qua cho người mắc bệnh tim mạch khi xem bóng đá

BS. Ngô Thị Hạnh |

SEA Games 31 đang diễn ra với lịch thi đấu giữa các đội, trong đó có môn thể thao vua là bóng đá. Và không ít người bệnh tim mạch là "fan" hâm mộ môn thể thao này, muốn hòa mình vào không khí sôi động của các trận túc cầu.

Người mắc bệnh tim mạch xem bóng đá có an toàn, và cần lưu ý gì là nỗi băn khoăn của người bệnh cũng như người thân. Bài viết dưới đây giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.

1. Một số nguy cơ dễ gặp nếu người bệnh tim mạch xem bóng đá

Những cảm giác hồi hộp là trạng thái tinh thần rất thường gặp của con người khi gặp phải vấn đề căng thẳng. Tương tự khi theo dõi một trận bóng đá nhiều người có cảm xúc như hào hứng, phấn khích, hồi hộp quá mức… Đây là yếu tố kích thích, ảnh hưởng mạnh mẽ lên hệ tim mạch và hệ miễn dịch, làm tim đập nhanh hơn, mạnh hơn, huyết áp tăng lên, rối loạn nhịp tim ; các động mạch dễ có nguy cơ co thắt, gây hẹp, đưa đến gia tăng những vấn đề tim mạch.

Theo các nghiên cứu, sự thay đổi cảm xúc mạnh mẽ có thể gây ra đau thắt ngực, thậm chí gây nhồi máu cơ tim ở bệnh nhân mắc bệnh mạch vành. Chính vì thế những cổ động viên có tiền sử bệnh tim mạch cần dè chừng khi xem bóng đá, đặc biệt là những trận đấu đầy kịch tính với đội bóng yêu thích.

Lưu ý không thể bỏ qua cho người mắc bệnh tim mạch khi xem bóng đá - Ảnh 1.

Cảm xúc hưng phấn và hồi hộp cực độ ước tính sẽ khiến nhịp tim tăng 75% khi chứng kiến trận đấu qua ti vi và có thể tăng hơn nữa khi xem trực tiếp tại sân vận động.

Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra, cơn đau tim thường xảy ra nhiều nhất vào thời điểm kịch tính, lúc đó chính là khi đội bóng có cơ hội ghi bàn hoặc pha bóng được ghi vào những phút cuối cùng bù giờ của trận đấu. Một nghiên cứu cho thấy, sự gia tăng cảm xúc hưng phấn và hồi hộp cực độ được ước tính rằng nhịp tim tăng 75% khi chứng kiến trận đấu qua ti vi và có thể tăng hơn nữa khi xem trực tiếp tại sân vận động.

Nhiều nhà nghiên cứu đồng ý rằng, những thời điểm kịch tính của các đội bóng thi đấu như đá phạt, sút luân lưu, phút bù giờ…. có thể tạo ra mức độ căng thẳng, hồi hộp đủ lớn để gây ra 1 cơn đau tim.

Ngoài ra, khi xem bóng đá trên ti vi nếu hút thuốc, uống rượu bia cộng với tâm lý căng thẳng, hồi hộp là nguy cơ dễ khiến xảy ra cơn đau tim, đột quỵ, nếu không cũng sẽ góp phần làm xấu thêm tình trạng tim mạch. Lý do là sự căng thẳng trong khi xem bóng đá như chứng kiến cú đá phạt, sút luân lưu,… gây ra stress quá mức, nồng độ catecholamin trong máu tăng cao, chất này làm gia tăng huyết áp và kích thích gia tăng tần số tim… bởi vậy, làm gia tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

2. Người bệnh tim mạch cần làm gì để an toàn khi xem bóng đá?

Vậy nhiều người sẽ thắc mắc rằng người bệnh tim mạch có nên xem đá bóng không? Trên thực tế các chuyên gia sẽ không khuyên người bệnh tim mạch tuyệt đối không xem bóng đá. Vì các nghiên cứu cho thấy người bệnh tim mạch có tinh thần vui vẻ, lạc quan sẽ tốt cho sức khỏe.

Việc xem các môn thể thao trong đó có bóng đá nếu điều độ, có chừng mực, kiểm soát tốt vẫn được các chuyên gia ủng hộ. Bởi điều này sẽ giúp người bệnh vui vẻ, tinh thần thoải mái và có thể giúp người bệnh quên đi những triệu chứng khó chịu, quên đi sự mệt mỏi.

Vậy xem bóng đá như thế nào để an toàn là vấn đề vô cùng quan trọng với người bệnh tim mạch. Một số lưu ý dưới đây cho người bệnh tim mạch khi xem bóng đá:

- Người bệnh có tiền sử suy tim nặng, bệnh mạch vành nặng, các tình trạng tim mạch chưa kiểm soát được thì không nên theo dõi bóng đá. Còn với các người bệnh tim mạch khác vẫn có thể theo dõi bóng đá tuy nhiên, cần thực hiện nghiêm túc đơn thuốc chỉ định, nhớ uống thuốc đầy đủ hàng ngày.

- Nếu cần thiết nên tư vấn thêm bác sĩ tim mạch đang theo dõi cho mình để xem bóng đá cho an toàn. Nên theo dõi huyết áp tại nhà hàng ngày nếu thấy huyết áp không được kiểm soát tốt cần đến bác sĩ khám để được điều chỉnh liều thuốc.

Lưu ý không thể bỏ qua cho người mắc bệnh tim mạch khi xem bóng đá - Ảnh 2.

Nên theo dõi huyết áp hàng ngày để được điều chỉnh liều thuốc.

- Người bệnh tim cần tránh vừa xem bóng đá vừa ăn, vừa uống bia rượu, chất kích thích,... không nên ăn các thực phẩm chế biến sẵn vì chúng thường có nhiều muối như: thực phẩm đóng hộp, thịt nguội, thịt xông khói, xúc xích, khoai tây chiên, gà rán, snack, bánh quy, bánh nướng mặn và các loại thức ăn nhanh… làm xấu thêm tình trạng bệnh tim mạch.

- Người bệnh tim mạch cần lưu ý không được buồn vui quá mức, phải biết tránh phản ứng quá mức và chấp nhận kết quả trận đấu. Nên chọn lọc các trận đấu để đảm bảo công việc mà vẫn thoả mãn được niềm say mê bóng đá. Nên có người thân cùng xem bóng đá để chia sẻ cảm xúc và kịp thời tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra.

- Tránh xem những trận đá có tính chất quan trọng được dự đoán là căng thẳng, kịch tính. Nếu bản thân không thể cưỡng lại được thì trước khi xem cần đến bác sĩ điều trị để tư vấn, đánh giá lại sức khoẻ một lần nữa.

- Ngừng xem bóng đá khi cảm thấy quá căng thẳng mệt mỏi. Nếu có thể tốt nhất tắt ti vi hoặc đi ra ngoài khi thấy pha đá bóng mang tính quyết định gay cấn.

- Giải pháp tốt nhất để cân bằng cảm xúc, chúng ta có thể áp dụng một số cách như hít một hơi sâu hoặc tập một số tư thế yoga, tập thiền định...

Tóm lại, căng thẳng, xúc động, hồi hộp có thể kích hoạt hoặc làm trầm trọng hơn tình trạng tim đập nhanh. Đối với những người bị bệnh tim mạch, căng thẳng có thể gây ra những ảnh hưởng rất tiêu cực đến sức khỏe.

Vì vậy, người bệnh cần hạn chế lo lắng và căng thẳng. Hãy nghỉ ngơi và chợp mắt một chút nếu cảm thấy quá mệt mỏi. Một số cách để giảm căng thẳng là hít thở sâu, liệu pháp hương thơm, tập yoga hoặc thiền. Dù rằng đối với người hâm mộ bóng đá, nhịp bóng lăn cũng có ý nghĩa nhưng có thể xem lại trận đá ngày hôm sau được phát lại để giảm bớt hồi hộp khi diễn ra các trận đấu được phát trực tiếp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại