Luôn lo sợ TQ núp bóng Huawei làm chuyện khuất tất, thực chất chính là Mỹ "có tật, giật mình"?

Hồng Anh |

Theo Quartz, trước sự phát triển nhanh chóng của Huawei, Mỹ dường như đang lo sợ sẽ "trở tay không kịp" khi phải đối diện với chính "chiêu trò" cũ của mình.

* Bài viết thể hiện ý kiến và quan điểm cá nhân của tác giả John Detrixhe, cây viết chuyên phân tích các vấn đề tài chính của báo Quartz.

---

Mỹ lo Trung Quốc biến Huawei thành "con ngựa thành Troy"

Không chỉ yêu cầu Canada bắt người, gần đây chính phủ Mỹ lại tiếp tục đưa ra lời cảnh cáo các đồng minh về những rủi ro khi sử dụng thiết bị viễn thông do tập đoàn Huawei của Trung Quốc sản xuất.

Cụ thể, trang Quartz trích dẫn bài viết của tờ Wall Street Journal cho biết, phía Mỹ đã cảnh báo các đối tác của mình tại Đức, Italia và Nhật Bản về những hiểm họa an ninh mạng và bảo mật thông tin tiềm tàng khi sử dụng sản phẩm của Huawei.

Tất nhiên, đây không phải lần đầu tiên Mỹ đưa ra các cáo buộc tương tự đối với tập đoàn viễn thông của Trung Quốc. Năm ngoái, Washington cũng từng khuyên người dân Mỹ không nên sử dụng các sản phẩm điện thoại di động của Huawei.

Nói một cách chi tiết hơn, thì Mỹ sợ Trung Quốc lợi dụng sản phẩm công nghệ để chèn các phần mềm, phần cứng gián điệp, giúp họ dễ dàng nắm trong tay và kiểm soát các thông tin quan trọng của Mỹ. Rõ ràng, nếu nỗi lo ấy là thật, thì an ninh quốc gia của Mỹ (và nhiều quốc gia khác) đang bị đe dọa nghiêm trọng!

Tập đoàn viễn thông hàng đầu Trung Quốc Huawei được ông Nhậm Chính Phi (cha ruột của bà Mạnh) thành lập năm 1987 tại tỉnh Thâm Quyến.

Tuy Huawei không thuộc quản lý của nhà nước, nhưng ông Nhậm được cho là có mối quan hệ khá thân thiết với chính phủ Trung Quốc, do trước đây ông từng đứng trong hàng ngũ của lực lượng Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc (PLA).

Kể từ năm 1987, Huawei đã từng bước phát triển, thống lĩnh thị trường thế giới, dần đánh bại nhiều tập đoàn tên tuổi như Cisco (Mỹ), Ericsson (Thụy Điển), và Nokia (Phần Lan), trở thành nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới.

Thế nhưng, một số ý kiến cảnh báo rằng Huawei có thể là "con ngựa thành Troy" của Bắc Kinh. Cụ thể, họ lo ngại rằng một khi "con ngựa" này thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế, chính phủ Trung Quốc có thể sẽ tận dụng cơ hội để gắn các phần mềm gián điệp hay kiểm soát các hệ thống viễn thông trọng yếu.

Tất nhiên, Huawei đã quả quyết bác bỏ các cáo buộc trên.

Luôn lo sợ TQ núp bóng Huawei làm chuyện khuất tất, thực chất chính là Mỹ có tật, giật mình? - Ảnh 2.

Ảnh: Reuters.

Thực chất là Mỹ "có tật, giật mình"?

Lâu nay, nhiều quốc gia, đặc biệt là phương Tây, đã trở nên thận trọng hơn với Huawei vì những lo ngại về an ninh quốc gia. Tuy nhiên, vụ Canada bắt giữ Giám đốc Tài chính (CFO) Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ lại không liên quan trực tiếp đến mối lo này, mà do cáo buộc bà này vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.

Nhưng vì sao chính phủ Mỹ lại lo lắng và sốt sắng đến vậy về Huawei nói riêng, và về tập đoàn viễn thông-công nghệ lớn của Trung Quốc nói chung?

Theo Quartz, câu trả lời thực ra khá đơn giản: Sở dĩ Washington lo "ngay ngáy", có thể là bởi giới chức Mỹ trước đây đã từng sử dụng chính chiêu thức can thiệp ấy.

Thực tế, chiêu thức cài phần mềm gián điệp không phải là điều xa lạ, và cũng đã từng được quan chức Mỹ sử dụng trước đây. Ví dụ, hồi cuối thập niên 80, khi công nghệ mã hóa bắt đầu trở nên phổ biến hơn - trước đây công nghệ này bị quân đội kiểm soát chặt chẽ - từ giới hàn lâm, cho đến các doanh nghiệp.

Với sự phát triển của mặt hàng máy tính cá nhân, các công ty công nghệ đã phải đau đầu tìm cách bảo mật dữ liệu và thông tin của người dùng trước mối đe dọa từ các tay tin tặc và tội phạm. Trong đó, Lotus Notes, một công ty dữ liệu, đã sử dụng công nghệ mã hóa để bảo mật thông tin người dùng.

Tuy nhiên, việc xuất khẩu các phần mềm sử dụng kĩ thuật mã hóa cao cấp vào thời kỳ đó lại bị chịu sự kiểm soát của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) đã dựa vào điều đó để ép Lotus Notes bán ra thị trường nước ngoài bản mã hóa yếu 32-bit, thay vì bản 64-bit được sử dụng trong thị trường nội địa. Để có được giấy phép xuất khẩu sản phẩm của mình ra thị trường nước ngoài, Lotus Notes đã phải chịu nhượng bộ trước yêu cầu của NSA.

Vào thời điểm đó, việc bẻ mã 64-bit gần như là điều bất khả, trong khi bản 32-bit thì yếu hơn nhiều. Các siêu máy tính của NSA chỉ cần mất vài ngày để bẻ mã, còn những tay tin tặc lành nghề thì phải cần đến khoảng 2 tháng để làm điều đó với một chiếc máy tính cá nhân bình thường.

Hiện nay, sự phát triển nhanh chóng của kĩ thuật-công nghệ đang mở ra kỉ nguyên mới của công nghệ mạng 5G (thế hệ mạng di động thứ 5 có tốc độ gấp 10 lần công nghệ 4G), và tập đoàn Huawei của Trung Quốc đang ở tuyến đầu của lĩnh vực này.

Sự trỗi dậy của Huawei lại càng khiến Mỹ thêm "lo ngay ngáy". Đây là điều rất dễ hiểu, khi biết rằng giới chức Mỹ từng dùng "chiêu trò" để can thiệp vào công nghệ mã hóa của các công ty tư nhân. Tương tự, Trung Quốc cũng có thể dùng chiêu đó với các sản phẩm công nghệ do nước này sản xuất và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại