Chuyên gia: Mất mặt vì vụ bắt sếp Huawei, Trung Quốc cũng đừng dại trả đũa Mỹ

Minh Khôi |

Khả năng Trung Quốc sẽ tiến hành một chiến dịch "chống Mỹ" như nước này từng làm với Nhật Bản năm 2012 liên quan đến tranh chấp lãnh thổ trên biển cũng không thể loại trừ.

Bài viết thể hiện quan điểm của ông Robert A. Manning, chuyên gia cao cấp của Trung tâm Brent Scowcroft Center về an ninh quốc tế. Ông từng là thành viên hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ từ 2004 - 2008.

Mỹ không đơn độc trong cuộc đấu với Trung Quốc

Vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính (CFO) và con gái của nhà sáng lập của tập đoàn công nghệ Huawei tại Canada theo yêu cầu của Mỹ do vi phạm lệnh trừng phạt với Iran của Washington có nguy cơ leo thang cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Chưa kể đến việc vụ bắt giữ này liên quan đến một "Công chúa", thời điểm diễn ra vụ việc cũng rất nhạy cảm, chỉ ngay sau khi Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí về một lệnh hòa hoãn cho cuộc xung đột thương mại.

Phản ứng ban đầu từ thị trường tài chính cho thấy nguy cơ sụp đổ của trạng thái hòa bình mong manh vừa được tạo ra ngày càng cao. 

Sự việc có thể vượt ngoài tầm kiểm soát với biện pháp đáp trả từ Bắc Kinh. Khả năng Trung Quốc sẽ tiến hành một chiến dịch "chống Mỹ" như nước này từng làm với Nhật Bản năm 2012 liên quan đến tranh chấp lãnh thổ trên biển cũng không thể loại bỏ.

Bắc Kinh có thể cảm thấy cần thúc đẩy trả đũa với vụ bắt giữ này, động thái mà nền kinh tế thứ 2 thế giới xem như một cú "mất mặt", hay có động cơ chính trị. 

Nhưng Trung Quốc nên suy nghĩ kỹ nếu không muốn phá hỏng bức tranh lớn hơn.

Có một phản ứng toàn cầu chống lại các hoạt động thương mại và đầu tư quốc gia của Trung Quốc. Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Chủ tịch Tập Cận Bình đã gây ra quan ngại ở ​​nhiều quốc gia - từ Sri Lanka, Malaysia đến Maldives - suy nghĩ lại về các thỏa thuận.

Ngoài ra, Washington không đơn độc trong việc củng cố luật đầu tư nước ngoài để sàng lọc đầu tư trực tiếp nước ngoài của các tập đoàn công nghệ Trung Quốc. EU đang thông qua một đạo luật mới hạn chế hơn, Australia, Nhật Bản cũng trở nên cảnh giác và phân biệt đối xử hơn đối với FDI của Trung Quốc trong các lĩnh vực chiến lược.

Mỹ lo ngại các công ty Trung Quốc như Huawei và ZTE là công cụ gây ảnh hưởng của Trung Quốc, nếu không muốn nói là gián điệp. 

Washington đã vận động các đồng minh, đặc biệt là các đối tác trong chương trình chia sẻ thông tin tình báo Five Eyes (gồm Anh, Canada, Australia và New Zealand), và tất cả các nước này,  trừ Canada đã từ chối công nghệ 5G của Huawei. Đức và các quốc gia châu Âu khác cũng bắt đầu nghi ngờ.

Thực tế, các lo ngại này là hợp lý. Quan niệm của Trung Quốc về "chủ quyền internet", luật an ninh quốc gia mới, chủ nghĩa bảo hộ kỹ thuật số và chính sách công nghiệp Made in China 2025 làm mờ ranh giới giữa nhà nước và khu vực tư nhân.

Ví dụ, Luật Tình báo Quốc gia năm 2017 của Bắc Kinh ghi rằng, "các tổ chức và công dân sẽ ... hỗ trợ, hợp tác trong công tác tình báo quốc gia." Đã có một số sự "hợp nhất" quân sự - dân sự giữa các ông lớn công nghệ của Trung Quốc như Alibaba, Yahoo và Tencent để kết hợp khả năng dữ liệu AI và Big data của họ với các lực lượng vũ trang của đất nước.

Cả Mỹ và Trung Quốc đều nên tính kỹ để thoái lui khỏi bờ vực chiến tranh

Tuy nhiên, có một cách khác để nhìn vào tình hình hiện tại. Cú sốc này có thể gia tăng áp lực lên cả 2 bên để rút lui khỏi bờ vực của cuộc chiến và một thỏa thuận thương mại càng có nhiều khả năng được xác lập. Điều này yêu cầu Bắc Kinh phải nhận ra rằng, chính sách kinh tế của nước này, trong đó có công nghệ đang tạo ra phản ứng dữ dội không chỉ ở Nhà Trắng.

Sự nhất trí giữa 2 nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ tại Hội nghị thượng đỉnh ở Argentina có thể phản ánh sự tổn thương kinh tế của Trung Quốc, và một sự thừa nhận ngầm rằng ông Tập đã vượt quá tầm tay của mình. 

Bắc Kinh rõ ràng đã đồng ý tăng mua hàng nông sản và các hàng hóa khác từ Mỹ, bao gồm khí đốt tự nhiên dài hạn. Nhưng về 2 vấn đề khác, tiếp cận thị trường và lĩnh vực công nghệ, ý định của Bắc Kinh là chưa chắc chắn.

Việc bổ nhiệm Đại diện thương mại "diều hâu" Robert Lighthizer lãnh đạo nhóm đàm phán với Bắc Kinh, cho thấy tiếng nói của chính sách của Washington có thể nhường chỗ cho một người duy nhất thực hiện thỏa thuận giữa 2 nhà lãnh đạo.

Tuy nhiên, nếu Mỹ thất bại trong việc giải quyết vụ việc của bà Mạnh, có thể, áp dụng như với trường hợp của ZTE, yêu cầu các thay đổi trong bộ máy quản lý và một khoản phạt nặng, điều này có thể quá "đau đớn" cho Bắc Kinh để có thể bỏ qua.

Vì vậy, có thể Mỹ không thể đạt được 100% những gì nước này muốn nhưng một thỏa thuận mới trong quan hệ kinh tế giữa 2 nước có thể ở phía trước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại