"Lưới nhện" S-400 bủa vây Mỹ " 4 phương 8 hướng": Chiêu bài "đa mục tiêu" đáng gờm của ông Putin?

Quốc Vinh |

S-400 không chỉ nhằm định hình biên giới quốc gia của Nga ở Crimea và củng cố các liên minh truyền thống với Belarus, Trung Quốc và Syria; mà quan trọng hơn cả, nó đã phá vỡ các mạng lưới liên minh của Mỹ.

Nga đang thử thách các liên minh của Mỹ thông qua việc bán thiết bị quân sự, Tiến sĩ Cyrille Bret từ Viện Nghiên cứu Chính trị cấp cao Paris viết trên New Eastern Europe, bình luận về những tranh cãi gần đây liên quan đến thương vụ mua hệ thống phòng không S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ.

Kể từ khi Tổng thống Donald Trump chỉ trích NATO và đặt ra những hoài nghi về cam kết của Mỹ với các nước đồng minh, Nga đã liên tục thử nghiệm sự gắn kết của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương cũng như sự quyết tâm của các nước châu Âu.

Thử nghiệm mới nhất của Nga về NATO là việc bán cho Thổ Nhĩ Kỳ hệ thống phòng không S-400. Hợp đồng và quá trình giao hàng đang gây náo loạn giới chính trị Mỹ.

Vì sao lại có sự khuấy động như vậy, khi số lượng vũ khí chỉ đơn giản là 4 tổ hợp S-400 và những hệ thống đó chỉ đơn thuần là vũ khí phòng thủ?

Theo tiến sĩ Bret, trên thực tế, vấn đề địa chính trị đã vượt xa tính chất công nghiệp, tài chính và chiến thuật trong hợp đồng Nga-Thổ Nhĩ Kỳ gần đây.

Trong thập kỷ qua, Tổng thống Vladimir Putin đã thực hiện một chính sách "ngoại giao S-400" đáng gờm.

Vũ khí công nghệ cao này không chỉ nhằm định hình biên giới quốc gia của Nga ở Crimea và củng cố các liên minh truyền thống với Belarus, Trung Quốc và Syria; mà quan trọng hơn cả, nó khiến cho Mỹ phải đau đầu khi phá vỡ các mạng lưới liên minh của cường quốc này.

Tái định hình biên giới quốc gia

Hệ thống phòng không S-400 là một thứ vũ khí đáng tự hào đối với tổ hợp công nghiệp quân sự Nga.

Kết hợp các radar hiệu suất cao và khả năng nhắm đa mục tiêu, khả năng triển khai linh động, hệ thống S-400 có thể đánh chặn máy bay quân sự (máy bay chiến đấu, máy bay không người lái, máy bay trực thăng) và tên lửa (đạn đạo và hành trình) trong phạm vi 400 km.

"Hệ thống S-400 có thể biến một khu vực trở nên gần như bất khả xâm phạm. Nó là hiện thân cho năng lực phòng không đáng gờm của Nga", Tiến sĩ Bret mô tả.

Nga sử dụng hệ thống này để bảo vệ các thành phố lớn của mình và tái khẳng định chủ quyền đối với các khu vực chiến lược xa xôi như Bắc Cực ở Murmansk và Viễn Đông tại Vladivostok.

Việc triển khai các hệ thống như vậy ở Kaliningrad cũng giúp định hình chính sách của Nga ở vùng Baltic, trở thành cái gai trong mắt các quốc gia NATO kế cận.

Không những vậy, việc triển khai S-400 ở Crimea cũng giúp Nga tăng cường quyền kiểm soát đối với bán đảo.

Củng cố các liên minh truyền thống

Lưới nhện S-400 bủa vây Mỹ  4 phương 8 hướng: Chiêu bài đa mục tiêu đáng gờm của ông Putin? - Ảnh 2.

S-400 là biểu tượng của năng lực phòng không Nga.

Thương mại hóa S-400 là quyết định nhằm mục đích trấn an các đồng minh truyền thống của Nga trước nguy cơ can thiệp tiềm năng của NATO và không quân Mỹ, Tiến sĩ Bret nhận định.

Đối với bạn bè của Nga, có các hệ thống phòng thủ tên lửa này đồng nghĩa với việc họ được hưởng lợi từ công nghệ tiên tiến nhất và có được một thứ vũ khí đáng tin cậy.

Belarus đã có được hệ thống này miễn phí. Tương tự, Trung Quốc đã mua S-400 vào đầu năm 2014 – giai đoạn mối quan hệ Bắc Kinh và Moscow khởi sắc chưa từng có.

Đồng minh Syria của Nga cũng được hưởng lợi gián tiếp từ các hệ thống này mà không cần phải bỏ tiền mua. Với việc triển khai quân sự hỗ trợ cho chính quyền Damascus, quân đội Nga đã triển khai 2 hệ thống S-400 tại đây.

Sự có mặt của các hệ thống phòng không như vậy ở các đấu trường bên ngoài Nga có thể làm thay đổi đáng kể cán cân quyền lực địa chính trị ở một quốc gia và trong một khu vực.

Nó giúp gia tăng đáng kể vị thế của Nga trong quan hệ quốc tế. Và nó được thiết kế như một đối trọng với chính sách xuất khẩu hệ thống phòng không Patriot của Mỹ cho các đồng minh như Romania, Ba Lan, Morocco, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Đồng minh quay mặt

Chính sách thương mại cạnh tranh của các tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga có thể làm rung chuyển các liên minh của Mỹ. Đặc biệt là vào thời điểm chính quyền Tổng thống Donald Trump công khai chỉ trích các liên minh này.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi Iran hoặc Algeria, các đồng minh lịch sử của Nga, quan tâm đến S-400. Nhưng, việc các đối tác lịch sử của Mỹ như Saudi Arabia, Ấn Độ và Iraq cũng tuyên bố sẵn sàng mua S-400 đã trở thành nguy cơ khiến vị thế của Mỹ trên toàn cầu đổi thay.

Trong đó, Saudi vốn là khách hàng lớn đối với hệ thống Patriot kể từ sau Chiến tranh vùng Vịnh đầu tiên.

Việc đe dọa đưa ra các lệnh trừng phạt đối với Ấn Độ hoặc Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là một dấu hiệu thể hiện sự yếu kém của Mỹ. Thêm vào đó, nó thậm chí có thể thúc đẩy niềm tự hào dân tộc và khiến các quốc gia này càng quyết tâm với lựa chọn của mình hơn.

Đối với Mỹ, S-400 là một thách thức quân sự , công nghệ và chiến lược. Từ quan điểm hoạt động, S-400 có thể làm giảm sự thống trị trên không của Mỹ trên quy mô toàn cầu.

Ở Syria, cũng như ở Iran, hệ thống Nga có thể ngăn chặn các cuộc tấn công, bao gồm cả tên lửa hành trình Tomahawk.

Từ quan điểm công nghệ, S-400 được thế giới coi là một lựa chọn "bảo hiểm" phòng không tốt hơn so với Patriot – thiết bị được coi là quá đắt. Việc Saudi và Iraq quan tâm đến hệ thống Nga là vì họ muốn tìm kiếm lựa chọn giá rẻ hơn và bớt sự phụ thuộc của họ vào công nghệ từ Mỹ.

Cuối cùng, thành công thương mại của S-400 đặt ra một vấn đề địa chính trị thực sự: mạng lưới liên minh của Mỹ vốn được xây dựng dựa trên quá trình mua các thiết bị quốc phòng của nước này, ví dụ như máy bay chiến đấu F-35.

Nhưng giờ đây, S-400 mới đang là thứ hiện diện khắp mọi nơi: trong mạng lưới của Nga cũng như trong các liên minh của Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại