LTS: Cuộc chiến chớp nhoáng giữa Israel và khối Arab năm 1967 chỉ kéo dài 6 ngày nhưng vô cùng ác liệt, với tổn thất nặng nề cho khối Arab.
Để giúp độc giả có cái nhìn toàn cảnh về cuộc chiến này, chúng tôi xin giới thiệu tuyến bài "Chiến tranh 6 ngày". Mời quý độc giả đọc các kỳ trước tại đây:
Kỳ 1: Cảnh báo lạnh người từ tình báo Liên Xô
Khi hiệp ước phòng thủ chung giữa Ai Cập và Jordan được ký, Israel đã trong tình trạng tổng động viên được 2 tuần. Mọi công dân nam tuổi từ 18 đến 55 được lệnh trình diện. Đa số phương tiện cơ giới được trưng dụng. Nền kinh tế rơi vào tình trạng tê liệt. Nhà nước Do Thái đã bắt đầu cảm nhận được ảnh hưởng của chiến tranh ngay từ khi nó còn chưa bắt đầu.
Israel trước ngưỡng cửa chiến tranh
Khoảng thời gian ngay trước khi chiến tranh nổ ra là khi giới lãnh đạo Israel phải chịu áp lực khổng lồ cả từ bên ngoài và bên trong, đặc biệt là đối với Thủ tướng Eshkol và Tổng tham mưu trưởng Yitzhak Rabin.
Ngày 23/5, khi Tổng tham mưu trưởng Yitzhak Rabin đến tham vấn Ben-Gurion, nhà lập quốc và là thủ tướng đầu tiên của Israel, ông đã bị chỉ trích thậm tệ. Ben-Gurion cho rằng việc Rabin vội vàng tuyên bố tổng động viên khi chưa có sự ủng hộ của các đồng minh phương Tây là thiếu trách nhiệm.
Cú sốc khiến Rabin đề nghị tướng Ezer Weizman, phó tổng tham mưu trưởng, thay vị trí của mình nhưng Weizman từ chối.
Trong khi đó, thủ tướng Eshkol chịu áp lực từ một nhóm các tướng lĩnh muốn Israel chủ động đánh phủ đầu, tiêu biểu là tướng Ariel Sharon và tướng Mattityahu Peled. Tướng Peled, khi đó là chủ nhiệm hậu cần, trong một cuộc họp đã lớn tiếng với Eshkol: “Tại sao ông lại chần chừ? Ông có gì mà phải sợ?”
Để trấn an dư luận và quân đội, ngày 1/6/1967, Eshkol bổ nhiệm “độc nhãn tướng quân” Moshe Dayan làm bộ trưởng quốc phòng, đồng thời thành lập nội các thống nhất, với sự tham gia của các đảng phái đối lập.
Tướng Dayan rất được công chúng Israel tôn sùng
Ngày 4/6, nội các Israel quyết định tiến hành chiến tranh, mở màn sẽ là những cuộc tập kích bất ngờ của không quân vào sang ngày 5/9.
Tối ngày 4/9, tướng Motti Hod, tư lệnh không quân, và tổng tham mưu trưởng đều về nhà riêng nghỉ. Như vậy tình báo đối phương sẽ không nghĩ rằng chiến tranh sẽ nổ ra vào ngày mai.
Sáng ngày 5/9, 180 chiến đấu cơ của không quân Israel đồng loạt cất cánh, nhằm hướng Ai Cập. Israel chỉ để lại 12 máy bay để bảo vệ không phận của mình. Chiến tranh 6 ngày chính thức bắt đầu.
Chạy đua vũ trang trên không
Sau cuộc chiến kênh đào Suez 1956, các nước trong khu vực lao vào một cuộc chạy đua vũ trang. Liên Xô và các cường quốc phương Tây tiếp tục đưa đến đây những loại vũ khí mới nhất của mình.
Một phi đội 4 chiếc Mirage III của không quân Israel trong Chiến tranh 6 ngày
Những mẫu chiến đấu cơ siêu âm bắt đầu xuất hiện trên vùng trời Trung Đông vào năm 1959 khi Pháp cung cấp cho Israel những chiếc Dassault Super Mystere B2. Cùng lúc đó, Mig-19 cũng được biên chế cho không quân Ai Cập.
Đến năm 1962, năng lực tác chiến của không quân Ai Cập và Israel tiếp tục được nâng cấp với sự xuất hiện của Mig-21 và Dassault Mirage IIIC.
Không chỉ nhanh hơn, có thể đạt vận tốc đến Mach 2, những mẫu chiến đấu cơ này lần đầu tiên còn được trang bị tên lửa không đối không.
Cùng lúc đó, các hệ thống tên lửa phòng không hiện đại cũng bắt đầu xuất hiện: SA-2 của Ai Cập và Hawk của Israel.
Trước khi chiến tranh 6 ngày nổ ra thì giữa các bên cũng đã nhiều lần diễn ra những vụ đụng độ lẻ tẻ cả trên bộ và trên không. Đỉnh điểm là việc 6 chiếc Mig-21 của không quân Syria bị bắn rơi vào ngày 7/4/1967, chỉ một tháng trước khi Liên Xô chuyển cho Ai Cập tin tình báo sai về việc quân đội Israel áp sát biên giới Syria.
Chiếc Mig-21 bị một phi công Iraq đào ngũ giao cho Israel tháng 12/1966
Chiến dịch Moked
Không quân Israel mở màn cuộc chiến bằng Chiến dịch Moked (Tiêu điểm). Trọng tâm của kế hoạch là thực hiện những cuộc tập kích bất ngờ vào các sân bay quân sự của đối phương bằng các đội hình nhỏ, ném bom đường băng và sau đó phá hủy các máy bay đang đậu trên mặt đất bằng hỏa lực súng máy. Ngày N được ấn định là 5/6/1967 và giờ G là 7h45.
Các phi đội Israel không bay thẳng đến mục tiêu mà theo hướng tây ra Địa Trung Hải, bay sát mặt biển, và hoàn toàn không dùng radio, sau đó ngoặt lại về phía nam để xâm nhập không phận Ai Cập. Hành trình từ Israel đến các mục tiêu kéo dài khoảng 45 phút.
Các phi đội Israel tiếp cận mục tiêu theo hướng mà phía Ai Cập không ngờ tới
“Đó là 45 phút dài nhất cuộc đời tôi. Kim trên chiếc đồng hồ của tôi gần như đứng yên,” tướng Hod hồi tưởng.
“Khi bay trên vùng đồng bằng, chúng tôi có thể nhìn thấy những nông dân vẫy tay chào chúng tôi. Có lẽ họ nghĩ chúng tôi thuộc không quân Ai Cập,” Ran Peker, một trong những phi đội trưởng, nhớ lại. Chỉ trong ít phút nữa, gần như toàn bộ không quân Ai Cập sẽ bị xóa sổ.