"Cõng rắn cắn gà nhà": S-400 của Nga có phải "ngòi nổ" để Thổ Nhĩ Kỳ phá hủy "đế chế NATO" 70 năm tuổi?

Quốc Vinh |

Trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có mối quan hệ lâu dài, bền chặt với Mỹ; ngược lại, quan hệ đối tác với Nga là ngắn hạn và thực dụng.

Khi những tranh cãi xoay quanh thương vụ S-400 nổ ra, các học giả ở phương Tây đã bắt đầu nói về một sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ. Một số người đã đi xa đến mức cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã "quay lưng lại với Mỹ" và đang tiến gần hơn tới Nga.

Đây không phải là lần đầu tiên một thành viên NATO mua một hệ thống quân sự từ Moscow (Hy Lạp mua S-300, phiên bản cũ của S-400, vào năm 1996) , nhưng thỏa thuận Nga-Thổ lại run rủi rơi vào thời điểm căng thẳng nhất giữa phương Tây và Nga, đồng thời là sự chia rẽ ngày càng lớn trong liên minh xuyên Đại Tây Dương.

Theo Al Jazeera, thương vụ đã gây ra một cuộc khủng hoảng nội bộ đầu tiên trong liên minh và không ngạc nhiên khi người ta khiến Washington lo lắng.

Câu hỏi đặt ra giờ đây không phải là việc Thổ Nhĩ Kỳ có bị loại khỏi NATO nữa hay không, mà là liệu sau cú sốc này, liên minh quân sự lâu đời và lớn nhất thế giới có thực sự tan rã?

Thế giới đa cực

Để hiểu lý do tại sao Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mua một hệ thống vũ khí của Nga, điều quan trọng là phải đặt thỏa thuận trong bối cảnh xu thế phát triển toàn cầu trong vài năm qua.

Khi NATO được thành lập 70 năm trước, các vấn đề thế giới bị chi phối bởi một cuộc xung đột lạnh giữa hai siêu cường - Liên Xô và Mỹ.

Sau sự sụp đổ của Liên Xô, Washington đã chuyển sang áp đặt một trật tự đơn cực trên thế giới, kéo dài gần hai thập kỷ. Tuy nhiên, ngày nay, các cường quốc khác nhau, bao gồm Nga và Trung Quốc, ngày càng trở nên quyết đoán hơn trên trường quốc tế khi thế giới dần chuyển sang một hệ thống đa cực.

Do đó, các liên minh truyền thống đang thay đổi và các quốc gia đang điều chỉnh chính sách đối ngoại của mình để phù hợp với thực tế mới này. Chính Mỹ cũng đã sửa đổi cách tiếp cận để xoay xở với các vấn đề mới liên quan đến bạn bè và kẻ thù.

Ví dụ, những bất đồng giữa Washington và các đồng minh châu Âu đang được đặt ra, đặc biệt là về mức chi tiêu quốc phòng và đề xuất thành lập quân đội chung châu Âu, một ý tưởng được ủng hộ bởi các nhà lãnh đạo của Pháp và Đức.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã nhiều lần chỉ trích các đồng minh Tây Âu về việc nhập khẩu năng lượng từ Nga. Năm ngoái, ông đã công kích Đức quá phụ thuộc vào khí đốt của Nga, cũng như quyết định tiến hành dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2.

Nói tóm lại, có một sự chia rẽ nghiêm trọng trong Châu Âu và NATO về các vấn đề khác nhau, bao gồm cả quan hệ với Nga. Tuy nhiên, điều đó đã không ngăn được chính quyền Donald Trump tìm kiếm quan hệ nồng ấm hơn với Moscow.

Tổng thống Trump đã không chỉ tổ chức một số cuộc gặp riêng với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, mà chính quyền của ông cũng đã tìm cách hợp tác chặt chẽ với Điện Kremlin về một số vấn đề, đặc biệt là cuộc chiến Syria.

Hồi tháng 2, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, đồng minh thân cận nhất của ông Trump, đã tới thăm Moscow và trao cho ông Putin một kế hoạch chung về hợp tác Mỹ-Nga-Israel về Syria. Tiếp theo là một hội nghị ba bên vào ngày 25/6 giữa các cố vấn an ninh quốc gia của Israel, Nga và Mỹ lần đầu tiên được tổ chức.

Từ những điều trên, có một câu hỏi đang được đặt ngược lại cho Mỹ. Nếu chính Washington còn đang tìm kiếm sự hợp tác bên ngoài các liên minh truyền thống, tại sao các quốc gia khác như Thổ Nhĩ Kỳ không được phép làm như vậy?

Cân nhắc của Thổ Nhĩ Kỳ

Cõng rắn cắn gà nhà: S-400 của Nga có phải ngòi nổ để Thổ Nhĩ Kỳ phá hủy đế chế NATO 70 năm tuổi? - Ảnh 2.

Ankara vẫn tỏ rõ ý định gắn kết với liên minh quân sự phương Tây.

Không chỉ là vấn đề liên quan đến thời thế đang thay đổi hay chính người Mỹ cũng đang thay đổi. Còn một lý do khác khiến cho Ankara phải cân bằng lại các mối quan hệ đối ngoại. Theo đó, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã phàn nàn rằng trong vài năm qua, Mỹ không phải là một đối tác đáng tin cậy.

Người Mỹ liên kết với người Kurd ở Syria và không hợp tác trong các yêu cầu dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen - người mà chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc chủ mưu trong cuộc đảo chính tháng 7/2016 – là hai điều gây chia rẽ.

Đặc biệt hơn, Mỹ đã không làm sáng tỏ những đề nghị của Ankara trong việc mua hệ thống phòng không Patriot cho đến khi nước này ký vào thỏa thuận S-400 với Nga.

Thậm chí, việc Mỹ đưa ra những điều kiện và điều khoản ngặt nghèo hơn về giá cả cũng như hợp tác sản xuất chung - so với những điều được Moscow đưa ra – cũng làm tăng sự thiếu tin tưởng lẫn nhau hơn nữa.

Điều này đã thúc đẩy Ankara chấp nhận đề xuất của Moscow về việc cung cấp công nghệ cần thiết để bảo vệ chính họ khỏi các mối đe dọa ở Syria, Iraq và Iran.

NATO thay đổi nhưng không tan vỡ

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã nhiều lần đề nghị mua hệ thống phòng thủ Patriot nếu thỏa thuận bao gồm cả điều kiện cho sản xuất chung. Từ quan điểm của Ankara, mua hệ thống phòng thủ Patriot không chỉ nhằm đảm bảo an ninh mà còn khẳng định lại cam kết của mình đối với liên minh Mỹ.

Trong khi hệ thống S-400 được triển khai cho phòng không, Patriot sẽ cung cấp cho mục đích phòng thủ tên lửa, biến nó trở thành một khoản đầu tư quân sự toàn diện, lâu dài và hiệu quả.

Tương tự như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có mối quan hệ lâu dài, bền chặt với Mỹ; ngược lại, quan hệ đối tác với Nga là ngắn hạn và thực dụng.

Một điều quan trọng nữa chỉ ra rằng, ngoài việc cam kết với Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ còn có sự hợp tác chặt chẽ về quân sự với nhiều đối tác châu Âu khác nhau.

Ankara đã bày tỏ ý định mua mua tên lửa đất đối không từ Eurosam, một tập đoàn chung giữa Pháp và Ý.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã ký một thỏa thuận mua máy bay chiến đấu trị giá 133 triệu USD với Vương quốc Anh hai năm trước, biến London trở thành một trong những đối tác quốc phòng chính của nước này.

Các thỏa thuận này là minh chứng cho thấy, Ankara tiếp tục tìm kiếm sự gắn kết mạnh mẽ với các đồng minh NATO và thể hiện cam kết với phương Tây.

Việc mua tên lửa S-400 thực sự đã làm mất ổn định mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và các đồng minh NATO, nhưng nó không thay đổi tầm nhìn địa chính trị và liên kết truyền thống với phương Tây.

Do đó, tình huống tên lửa S-400 của Nga-Thổ-Mỹ chắc chắn sẽ tạo ra sự thay đổi trong liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương, nhưng chắc chắn nó sẽ không gây nguy hiểm cho sự tồn tại của liên minh này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại