Lọc máu ngừa đột quỵ có thật sự thần kỳ?

LIÊN ANH |

Lọc máu ngừa đột quỵ chi phí cao, nhiều nguy cơ xảy ra biến chứng và hiệu quả chưa được đánh giá đầy đủ nên các chuyên gia khuyên người dân cần cân nhắc

Đột quỵ là bệnh lý đang gây lo ngại khi số người mắc bệnh ngày càng đông, độ tuổi ngày càng trẻ. Làm sao để phòng tránh đột quỵ là mối quan tâm của nhiều người. Vừa qua, một nam diễn viên nổi tiếng khoe hình ảnh và thông tin về công nghệ lọc mỡ máu để phòng ngừa nhiều bệnh, trong đó có đột quỵ, thu hút sự chú ý của dư luận.

Nhiều quảng cáo có cánh

Nam diễn viên cho biết đã đi lọc máu ở Thái Lan. Anh chia sẻ trên trang cá nhân: "Hôm nay được biết đến công nghệ lọc mỡ máu thật đỡ cho sức khỏe quá. Công nghệ lọc mỡ máu toàn diện giúp dọn dẹp toàn bộ rác thải tích tụ trong máu mà cơ thể không thể tự làm sạch trong nhiều năm như cholesterol xấu, protein gây hại, vi khuẩn, vi nhựa và độc tố thần kinh... giúp ngăn ngừa các bệnh phổ biến hiện nay như tim mạch, tai biến, đột quỵ, suy gan...".

Chỉ cần gõ từ khóa "lọc mỡ máu ngừa đột quỵ" trên thanh công cụ tìm kiếm của Facebook, Google sẽ dễ dàng tìm thấy rất nhiều thông tin quảng cáo. Sau khi tìm hiểu trang web của một bệnh viện quốc tế ở quận 1, TP HCM, phóng viên Báo Người Lao Động đã để lại thông tin và được nhân viên của đơn vị này gọi điện thoại tư vấn.

Theo người này, tại bệnh viện đang thực hiện 2 phương pháp phòng ngừa đột quỵ, các biến chứng tim mạch gồm Plaquex và lọc máu.

Theo đó, phương pháp Plaquex sẽ truyền hợp chất trực tiếp vào tĩnh mạch như dịch nhằm hỗ trợ bào mòn các mảng xơ vữa. "Phương pháp này dành cho các trường hợp bị mảng xơ vữa, bệnh lý về mạch vành. Đối với trường hợp bị mỡ máu cao sẽ sử dụng phương pháp điều hòa ổn định lọc mỡ trong máu, giảm chỉ số cholesterol xấu" - nhân viên này tư vấn và khẳng định đây là phương pháp chủ động phòng ngừa các bệnh lý về tim mạch và nguy cơ đột quỵ.

Theo nhân viên này, ngoài phương pháp trên, tại bệnh viện còn có phương pháp lọc máu ngừa các nguy cơ đột quỵ. Để thực hiện, người bệnh sẽ được lọc máu liên tục từ 2-3 giờ. Máu sẽ lấy từ một bên tay, sau đó lượng máu sẽ chảy qua thiết bị có 2 màng lọc kép để loại bỏ trực tiếp các tạp chất.

"Đây là phương pháp chủ động loại bỏ trực tiếp các tạp chất ra khỏi cơ thể trong đó có mỡ máu xấu. Ngoài ra, còn có thể lọc độc tố thần kinh, vi khuẩn, virus, kim loại nặng. Đặc biệt, người bệnh có thể trực tiếp quan sát quy trình thông qua hệ thống 2 màng lọc kép. Chi phí lọc máu là 120 triệu đồng nhưng hiện bệnh viện đang có chương trình khuyến mãi, giảm còn 96 triệu đồng" - nhân viên này thông tin.

Trước lo lắng về việc sử dụng công nghệ này có an toàn hay không, người này khẳng định các dịch vụ tại bệnh viện đã được cấp phép và thẩm định hằng năm. Để thuyết phục thêm, nhân viên tư vấn dẫn chứng về việc phương pháp lọc máu đã được chứng minh và ứng dụng tại Nhật Bản 30 năm về độ an toàn, hiệu quả.

Lọc máu ngừa đột quỵ có thật sự thần kỳ? - Ảnh 1.

Quảng cáo lọc máu với nhiều công dụng thần kỳ. Ảnh: HẢI YẾN

Không nên lạm dụng

Thượng tá - bác sĩ chuyên khoa II Vũ Đình Ân, Phó Chủ nhiệm Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM), cho biết lọc mỡ máu là một kỹ thuật chuyên sâu, cần các điều kiện cao mới có thể thực hiện được. Thứ nhất, về máy móc phải là những thiết bị hiện đại, chuyên dụng dùng cho lọc máu ngoài cơ thể. Thứ hai, người thực hiện phải là người có chuyên ngành lọc máu ngoài cơ thể.

"Để thực hiện được lọc máu phải là những bác sĩ chuyên sâu về hồi sức cấp cứu. Bởi trong quá trình lọc máu vẫn có thể xảy ra tai biến. Vì vậy, khi xảy ra sự cố, bác sĩ hồi sức sẽ có thể xử lý ngay tại chỗ" - bác sĩ Ân phân tích.

Giải thích thêm, bác sĩ Ân cho biết hệ thống lọc máu gần giống như lọc thận nhân tạo. Khác ở chỗ là việc lọc máu diễn ra liên tục, không lấy dịch thay thế mà lấy máu cho vào quả lọc, sau đó đi qua quả lọc và quay trở lại cơ thể.

"Tùy từng màng lọc mà người ta lấy các chất khác nhau, có những màng lọc lấy mỡ, có những màng lọc giữ lại các chất độc. Hiện nay, phương pháp này ở nước ngoài đã triển khai nhiều nhưng tại Việt Nam chỉ mới có một bệnh viện tư thực hiện" - bác sĩ Ân nói.

Tuy nhiên, bác sĩ Ân nhấn mạnh không nên lạm dụng phương pháp này. Vì khi thực hiện bất cứ thủ thuật xâm nhập vào cơ thể có thể vẫn xảy ra biến chứng. Thực tế, có những thủ thuật an toàn đến 99% nhưng vẫn có 1% tai biến. Nếu không may rơi vào 1% sẽ rất nguy hiểm.

Bác sĩ Ân thông tin theo quy định của Bộ Y tế, người có chỉ định lọc máu khi chỉ số mỡ máu cao trên 11 mmol/L kèm viêm tụy. "Đối với người bình thường, chỉ số cholesterol lên vài chục chưa có biểu hiện về mặt lâm sàng thì cũng không phải lọc. Thông thường phải có yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến triệu chứng lâm sàng thì mới cần lọc máu" - bác sĩ Ân lý giải.

Một bác sĩ tại Khoa Nội thận - Lọc máu Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM) cho biết hiện nay, có rất nhiều loại máy lọc máu có thể loại bỏ những chất độc như mỡ máu hay một số trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc, bệnh nhân suy thận cấp, nhiễm trùng nặng... Một số trường hợp suy tạng, suy đa tạng, suy đa cơ quan hoặc bệnh nhân hôn mê kéo dài, cơ thể không thể đào thải tất cả chất cặn bã, chất độc thì lọc máu sẽ thay thế nhiệm vụ đó trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, áp dụng phương pháp lọc máu với một người bình thường chưa có các yếu tố cần để lọc máu điều trị đến nay, trên thế giới vẫn chưa có nghiên cứu về phương pháp này.

"Với một người bình thường, không nên lạm dụng lọc máu vì có nhiều nguy cơ. Ví dụ, bệnh nhân suy thận lọc máu để lọc chất độc ra khỏi cơ thể buộc phải sử dụng kim to mới đủ để lọc toàn bộ máu trong cơ thể. Lúc này, khi xâm lấn cơ thể sẽ có nhiều nguy cơ như tràn khí vào màng, trong lúc lọc máu chất điện giải lên xuống gây ngưng tim, huyết áp dao động… Tuy nhiên, việc sử dụng kim nhỏ không thể nào kiểm soát được lượng máu có được lọc hết hay không, hiệu quả ra sao" - bác sĩ này dẫn chứng.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, tăng huyết áp chính là thủ phạm làm gia tăng đáng kể nguy cơ của đột quỵ và gây tử vong sớm trên toàn thế giới. Cứ 4 nam giới hoặc 5 nữ thì có 1 người bị tăng huyết áp. Có khoảng 64% bệnh nhân tăng huyết áp bị đột quỵ. Do đó, việc kiểm soát huyết áp là cần thiết để giảm nguy cơ đột quỵ và dự phòng đột quỵ tái phát.

Lọc máu ngừa đột quỵ không phổ biến ở Nhật

TS-BS Phạm Nguyên Quý, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren (Nhật Bản), khẳng định lọc máu ngừa đột quỵ theo công nghệ Nhật Bản như các quảng cáo là không đúng sự thật.

"Phương pháp trên không hề phổ biến như quảng cáo. Tại Nhật Bản, giải pháp y tế có hiệu quả rõ rệt thì Chính phủ mới công nhận và dùng bảo hiểm đồng chi trả cho người dân. Nghĩa là những phương pháp điều trị tự do (tự trả chi phí 100%) thì không đủ chuẩn để gọi là "có hiệu quả". Tôi làm việc tại Nhật 10 năm nhưng chưa thấy ai thực hiện lọc máu ngừa đột quỵ" - bác sĩ Quý khẳng định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại