Loại củ tốt cho người tiểu đường, hỗ trợ chống ung thư: Rộ phong trào sử dụng tại Việt Nam

Ngọc Bích |

Loại củ này được lên men trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm cao, có các hoạt chất chống oxy hoá hỗ trợ chống ung thư, kiểm soát các biến chứng của tiểu đường và bảo vệ tim, gan...

Tỏi đen là tỏi sống được lên men trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm cao trong vài tuần. Khi ấy, tép tỏi sẽ chuyển thành màu đen, dẻo và có vị ngọt và mùi nhẹ hơn so với tỏi sống.

Tạp chí Healthline cho hay tỏi đen cũng mang lại một số lợi ích sức khoẻ vượt trội so với tỏi sống nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng.

Dưới đây là 6 lợi ích sức khoẻ của tỏi đen và lưu ý khi sử dụng.

1. Tỏi đen chứa nhiều chất chống oxy hoá hơn

Theo Viện Nghiên cứu và Đào tạo Nông nghiệp và Thủy sản Tây Ban Nha, quá trình lên men giúp tỏi đen chứa nhiều chất chống oxy hóa hơn đáng kể so với tỏi sống.

Điều này một phần là do allicin, hợp chất tạo cho tỏi có mùi hăng, được chuyển đổi thành các hợp chất chống oxy hóa như alkaloid và flavonoid trong quá trình tỏi được lên men thành tỏi đen.

Chất chống oxy hóa là các hợp chất giúp bảo vệ tế bào cơ thể trước các tác động của oxy hóa và gây ra bệnh tật. Mọi người thường bổ sung chất chống oxy hoá thông qua thực phẩm là thực vật, trong đó có tỏi. 

Loại củ tốt cho người tiểu đường, hỗ trợ chống ung thư: Rộ phong trào sử dụng tại Việt Nam - Ảnh 1.

Hoạt tính chống oxy hoá ở tỏi đen mạnh hơn so với tỏi sống. Ảnh minh hoạ.

Một nghiên cứu của Khoa Thực phẩm và Dinh dưỡng, Đại học Kyung Hee (Hàn Quốc) vào năm 2014, cho thấy nồng độ các chất chống oxy hoá trong tỏi đen tăng lên đáng kể theo số ngày tỏi được ủ lên men. Theo đó, tỏi đen có nồng độ chất chống oxy hoá đạt đỉnh khi được ủ đến 21 ngày.

2. Tỏi đen giúp điều chỉnh lượng đường trong máu

Những bệnh nhân tiểu đường nếu không kiểm soát lượng đường trong máu có thể tăng nguy cơ gặp các biến chứng như tổn thương thận, nhiễm trùng và các bệnh về tim. 

Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Tây Ban Nha năm 2019, chiết xuất tỏi đen có thể cải thiện sự trao đổi chất như giảm cholesterol, giảm viêm và điều chỉnh sự thèm ăn ở những con chuột được cho ăn một chế độ ăn nhiều chất béo và đường. 

Một nghiên cứu cũ hơn của Viện Khoa học Thực phẩm, Đại học Inje (Hàn Quốc) vào năm 2009 trên chuột mắc bệnh tiểu đường, cho thấy các chất chống oxy hoá trong tỏi đen có khả năng ngăn ngừa các biến chứng khi lượng đường trong máu cao.

Một nghiên cứu khác vào năm 2019 cho thấy những con chuột được áp dụng chế độ ăn giàu chất béo nếu ăn thêm tỏi đen sẽ có nồng độ đường trong máu thấp hơn đáng kể so với những con chuột không ăn tỏi đen.  

Loại củ tốt cho người tiểu đường, hỗ trợ chống ung thư: Rộ phong trào sử dụng tại Việt Nam - Ảnh 2.

Tỏi được ủ trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm cao trong nhiều ngày để lên men thành tỏi đen. Ảnh minh hoạ.

Tỏi đen thậm chí còn được chứng minh là có tác dụng ngăn ngừa sự phát triển của bệnh tiểu đường thai kỳ.

Tuy nhiên, các nghiên cứu này chủ yếu mới được thực hiện trên động vật hoặc một quy mô nhỏ trên người. Do đó, cần có thêm các nghiên cứu quy mô rộng hơn trên người để hiểu rõ hơn về tác động của tỏi đen đối với việc kiểm soát lượng đường trong máu ở người.

3. Tỏi đen có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỏi đen có thể làm giảm các chỉ số của bệnh tim, bao gồm cả mức cholesterol toàn phần, cholesterol LDL (có hại) và chất béo trung tính trong máu. Tỏi đen cũng có thể làm tăng cholesterol HDL (có lợi).

Một nghiên cứu trên động vật đã so sánh tác dụng của tỏi sống và tỏi đen trong việc phục hồi tổn thương tim do chứng thiếu máu cục bộ - thiếu máu tới tim. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng cả tỏi sống và tỏi đen đều giúp máu lưu thông tốt hơn và bảo vệ tim khỏi tổn thương.

Một nghiên cứu khác trên động vật cho thấy chiết xuất tỏi đen giúp giảm tổng lượng chất béo trong máu và chất béo trung tính ở những con chuột được áp dụng một chế độ ăn nhiều chất béo. Chất béo trong máu tăng cao sẽ gây ra các nguy cơ mắc bệnh tim. 

Loại củ tốt cho người tiểu đường, hỗ trợ chống ung thư: Rộ phong trào sử dụng tại Việt Nam - Ảnh 3.

Tỏi đen hỗ trợ phòng các bệnh về tim. Ảnh minh hoạ.

Một nghiên cứu của Bệnh viện Đại học Quốc gia Chonbuk, Hàn Quốc, đã cho 60 người bị tăng cholesterol dùng 6g chiết xuất tỏi đen hoặc giả dược hàng ngày trong 12 tuần. Kết quả cho thấy tỏi đen giúp tăng cholesterol HDL (có lợi) và giảm các dấu hiệu tiềm ẩn của bệnh tim. 

Tuy nhiên, cần có nhiều nghiên cứu hơn nữa trên người để khẳng định vai trò này của tỏi đen.

4. Tỏi đen có thể bảo vệ sức khoẻ não bộ

Tỏi đen hỗ trợ ngăn ngừa chứng viêm có thể làm suy giảm trí nhớ và suy giảm chức năng não.

Các nhà khoa học cho rằng sự tích tụ hợp chất beta amyloid gây ra chứng viêm trong não làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.

Một nghiên cứu của Đại học Khon Kaen, Thái Lan, trên chuột cho thấy tỏi đen có thể làm giảm chứng viêm não do beta amyloid gây ra và thậm chí có thể cải thiện trí nhớ ngắn hạn.

5. Tỏi đen có đặc tính chống ung thư

Một số nghiên cứu đã chỉ ra tỏi đen có hiệu quả trong việc chống lại các tế bào ung thư. 

Loại củ tốt cho người tiểu đường, hỗ trợ chống ung thư: Rộ phong trào sử dụng tại Việt Nam - Ảnh 4.

Salad tỏi đen. Ảnh minh hoạ.

Theo Đại học Quốc gia Kangwon, Hàn Quốc, các hợp chất chống oxy hoá trong tỏi đen có khả năng kích thích miễn dịch, chống lại các gốc tự do và chống ung thư mạnh hơn so với tỏi sống. 

Các nghiên cứu khác trên ống nghiệm cho thấy tỏi đen có khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư dạ dày, ruột kết và ung thư máu. 

Tuy nhiên, đây mới là các nghiên cứu trên ống nghiệm. Cần có thêm các nghiên cứu về các đặc tính chống ung thư tiềm năng của tỏi đen. 

6. Tỏi đen có thể bảo vệ sức khoẻ gan

Tỏi đen có thể bảo vệ gan khỏi bị tổn thương do hóa chất, thuốc men, rượu và vi khuẩn có hại.

Các nghiên cứu trên chuột đã phát hiện ra rằng tỏi đen có tác dụng ngăn ngừa sự lây lan của các tổn thương trên gan ở những con chuột đang bị viêm gan. 

Một nghiên cứu của Đại học Quốc gia Chungnam, Hàn Quốc, cho thấy tỏi đen có thể hỗ trợ cải thiện chức năng gan ở những trường hợp tổn thương gan mạn tính do rượu. 

Tỏi đen tốt nhưng không phải ai cũng có thể dùng

Những người đang sử dụng các loại thuốc làm loãng máu nên tránh tiêu thụ quá nhiều tỏi đen và cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng.

Những người đã từng bị dị ứng khi ăn tỏi sống, phụ nữ có thai, người mắc bệnh tiêu chảy hoặc huyết áp thấp cũng không nên dùng tỏi đen.

Những người mắc bệnh về gan hoặc thận nếu muốn sử dụng tỏi đen với hy vọng cải thiện bệnh, cần tham khảo ý kiến bác sĩ, tránh tự ý dùng. 

Tỏi đen có vị ngọt và dẻo, thích hợp để thêm vào một số món ăn như salad, mì ống, pizza...

Loại củ tốt cho người tiểu đường, hỗ trợ chống ung thư: Rộ phong trào sử dụng tại Việt Nam - Ảnh 6.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại