Liên Xô chế tạo thành công tên lửa K-13 đầy uy lực nhờ... Việt Nam

Hải Dương |

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, việc thu thập vũ khí trang bị của đối phương từ chiến trường là việc làm thường xuyên được hai siêu cường quân sự Mỹ và Liên Xô tiến hành.

Hãng thông tấn Sputnik của Nga vừa có bài báo đề cập đến vấn đề thu thập thông tin tình báo về vũ khí trang bị của đối phương trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Sputnik dẫn báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận National Security Archive tại Mỹ cho biết, các chiến dịch tìm kiếm quân sự đã được Mỹ tiến hành từ tháng 8 năm 1951, một trong những thành tựu lớn chính là việc lắp ráp hoàn chỉnh một chiếc tiêm kích MiG-15 do Liên Xô sản xuất từ các mảnh vỡ (có thể lấy từ chiến trường bán đảo Triều Tiên).

Ngoài ra, tài liệu còn đề cập đến cuộc đàm phán của Washington về việc chuyển giao các thiết bị lục quân của Liên Xô biên chế trong quân đội Ghana.

Liên Xô chế tạo thành công tên lửa K-13 đầy uy lực nhờ... Việt Nam - Ảnh 1.

Tên lửa không đối không K-13 có hình dáng bên ngoài rất giống AIM-9 Sidewinder của Mỹ

Về phía Liên Xô, theo Chủ tịch Học viện các Vấn đề Địa chính trị của Nga, Tiến sĩ Khoa học Quân sự Konstantin Sivkov cho biết:

"Việc thu thập các thông tin về thiết bị quân sự của đối phương bao gồm cả các mảnh vỡ của nó là điều hoàn toàn bình thường - và chúng tôi đã tham gia vào các hoạt động này cả ở Ai Cập và Việt Nam. Đặc biệt, nhờ dữ liệu nhận được khi nghiên cứu các mảnh tên lửa Sidewinder của Mỹ thu được tại Việt Nam, chúng tôi đã chế tạo thành công tên lửa K-13".

Thông tin được chuyên gia quân sự Nga cung cấp đã giải thích rõ hơn vì sao tên lửa không đối không K-13 của Liên Xô (phục vụ từ năm 1961) lại có hình dáng bên ngoài cũng như tính năng kỹ chiến thuật giống với AIM-9 Sidewinder (vào biên chế từ năm 1956) của Mỹ như vậy.

Điều này cũng đồng thời giải đáp luôn tin đồn rằng tên lửa K-13 là sản phẩm sao chép AIM-9 Sidewinder vẫn tồn tại lâu nay.

Liên Xô chế tạo thành công tên lửa K-13 đầy uy lực nhờ... Việt Nam - Ảnh 2.

Xe tăng chiến đấu chủ lực M60 Patton tại bảo tàng tăng thiết giáp Kubinka

Việc thu thập các bộ phận của thiết bị quân sự rõ ràng đóng một vai trò rất quan trọng trong việc đánh giá lực lượng của đối thủ trong Chiến tranh Lạnh, nhờ các hoạt động này mà hai bên đã nhận thức tương đối tốt về mức độ trang bị vũ khí của nhau.

Ông Konstantin Sivkov còn nói thêm: "Điều này nhắc chúng ta nhớ tới bảo tàng xe tăng ở Kubinka - ở đó cũng có một chiếc xe tăng M60 của Mỹ được lắp ráp hoàn chỉnh với các chi tiết thu được trong cuộc chiến tại Việt Nam và Ai Cập - chứ không phải do người Mỹ tặng chúng ta".

Cần nói thêm rằng tại chiến trường Việt Nam thì Mỹ chỉ mang sang loại M48 Patton, nhưng nó và người anh em M60 Patton có rất nhiều chi tiết tương đồng với nhau (thậm chí Israel còn nâng cấp cả M48 lẫn M60 thành một mẫu mới là Magach), cho nên có thể tận dụng các loại phụ tùng và lắp lẫn sang nhau để thu được một sản phẩm hoàn chỉnh.

Tên lửa không đối không K-13 được hoán cải để phóng đi từ mặt đất

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại