"Lật tẩy chiêu bài" của Nga, Ukraine trong vụ đụng độ trên biển: Không phải ngẫu nhiên!

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Trong vụ đụng độ vừa xảy ra trên biển Đen, mọi diễn biến đều được Nga và Ukraine tính liệu trước chứ không hề ngẫu nhiên.

Nga - Ukraine cùng gài bẫy

Không có gì là khó hiểu khi Ukraine và Nga diễn giải chuyện vừa xảy ra giữa hai bên ở eo biển Kerch không chỉ khác nhau mà còn trái ngược nhau.

Bên nào cũng muốn chứng tỏ mình có lý và phải đối phó khi bị phía bên kia cố tình khiêu khích. Nhưng nếu nhìn vào những gì mà cả hai phía đều được từ vụ việc này thì lời giải thích gần sát sự thật nhất chỉ có thể là cả hai phía đã gài bẫy cho nhau và cùng đều chủ ý sa vào bẫy của nhau.

Cái gì cũng đều có quá trình của nó. Cái bất ngờ ở vụ việc vừa rồi không phải là khúc mắc về thông thương qua eo biển này mà ở mức độ hành động quyết liệt của phía Nga khi nổ súng và bắt giữ 3 tàu của Ukraine. Lần đầu tiên xảy ra nổ súng như thế giữa Nga và Ukraine.

Năm 2003 - khi ấy mối quan hệ giữa Nga và Ukraine còn hữu hảo - hai nước này ký với nhau thoả thuận về biển Azov, coi nó là biển nội địa và cho phép hai bên tự do đi lại, đánh cá và thương mại. Chỉ có tàu chiến của nước thứ ba muốn vào khu vực biển này thì phải được sự chấp thuận của cả hai bên.

Nhưng từ sau chính biến ở Ukraine và Nga tiếp nhận Crimea thì cục diện tình hình thay đổi cơ bản và việc thực hiện thoả thuận kia trở nên khác trước hoàn toàn.

Với việc hoàn tất xây dựng cầu nối lãnh thổ lục địa Nga và Crimea, Nga trên thực tế đã phong toả Eo biển Kerch. Có thể thấy ở đây cả chiến lược hoàn chỉnh của Nga chứ không phải là những biện pháp riêng rẽ.

Với cây cầu này, hiện chỉ có tàu bè cao dưới 36m qua lại được, tàu bè nước ngoài qua lại đấy phải xin phép Nga trước đó từ 24 đến 48 giờ, hoa tiêu và hải quan của phía Ukraine cứ dần bị lấn lướt và vô hiệu hoá. Chiến lược này giúp Nga không cần chiếm mà vẫn có thể kiểm soát được biển Azov, gây thiệt hại lớn về chiến lược cho Ukraine.

Trước khi xảy ra vụ việc đến mức nổ súng vừa rồi, xung đột đã được báo trước khi phía Ukraine bắt giữ tàu đánh cá của Crimea và Nga bắt giữ tàu đánh cá của Ukraine cũng như khi Nga tăng cường kiểm soát tàu thuyền và tàu chiến của Ukraine đi qua eo biển Kerch.

Chiêu bài chính trị, tâm lý

Trong chuyện vừa rồi, mọi diễn biến đều được hai phía tính liệu trước chứ không ngẫu nhiên. Phía Ukraine cố tình kích phía Nga phản ứng quyết liệt và phía Nga chủ ý phản ứng quyết liệt. Bên này dụ dẫn phía kia sa vào bẫy của mình và cả hai đều không tránh sa vào bẫy của nhau. Nguyên do ở chỗ tình hình căng thẳng hiện tại đều có lợi cho cả hai bên.

Ở phía Ukraine, Tổng thống Petro Poroshenko đứng trước nguy cơ bị thất cử trong cuộc bầu cử tổng thống dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 31.3.2019. Người này bị sa sút uy tín chủ yếu bởi không kiên quyết chống tham nhũng ở Ukraine và cả nhiệm kỳ cầm quyền không làm cải thiện được cả tình hình chính trị an ninh, lẫn kinh tế xã hội của đất nước.

Lật tẩy chiêu bài của Nga, Ukraine trong vụ đụng độ trên biển: Không phải ngẫu nhiên! - Ảnh 2.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. Ảnh: Reuters

Ông Poroshenko cần thành quả đối ngoại để vớt vát, như chuyện nhà thờ chính thống Ukraine ly khai nhà thờ chính thống Nga hay làm thời sự trở lại vấn đề Ukraine.

Gây chuyện với Nga như thế vào thời điểm hiện tại giúp ông Poroshenko làm cho cử tri và dư luận bớt để ý đến đối nội ở Ukraine, dùng thiết quân luật để trì hoãn cuộc bầu cử tổng thống hoặc ít nhất thì cũng cản trở các ứng cử viên tổng thống khác vận động tranh cử.

Người này còn muốn đẩy Mỹ, EU và NATO vào tình thế buộc phải thể hiện thái độ ủng hộ Ukraine và chống Nga.

Năm 2014, chiến sự ở Ukraine còn khốc liệt hơn rất nhiều nhưng ông Poroshenko đâu có sử dụng đến thiết quân luật bởi lúc ấy cần viện trợ tài chính của Quỹ Tiền tệ quốc tế. Bây giờ, chuyện bám giữ quyền lực còn cấp thiết hơn và sống còn hơn đối với ông Poroshenko.

Lật tẩy chiêu bài của Nga, Ukraine trong vụ đụng độ trên biển: Không phải ngẫu nhiên! - Ảnh 3.

Có không ít người coi đấy là nước cờ cao của ông Poroshenko. Nhưng nước cờ có còn cao nữa hay không khi bị đối thủ không chỉ biết rõ mà còn lợi dụng? Tổng thống Nga Vladimir Putin hiện cũng có nhu cầu dùng thành quả đối ngoại để trang trải nhu cầu đối nội và cải thiện mức độ tín nhiệm ở Nga.

Vụ việc vừa rồi với Ukraine vì thế chẳng khác gì "cầu được ước thấy".

Nga đối phó rất mạnh tay và kiên quyết để xác lập tương quan và cục diện trên thực địa, để cảnh báo và răn đe phía Ukraine, đồng thời còn phát đi thông điệp rõ ràng về phía Mỹ, EU và NATO rằng Crimea là chuyện đã rồi và không thể đảo ngược, Nga không đánh đổi nó lấy bất cứ cái gì khác.

Tổng thống Mỹ Donald Trump doạ sẽ huỷ cuộc gặp ông Putin đã được dàn xếp bên lề hội nghị cấp cao sắp tới của nhóm G20 ở Argentina ư ? Không gặp ở đó thì rồi sẽ gặp ở nơi khác và dịp khác.

Phía Ukraine thổi phồng nguy cơ xảy ra chiến tranh với Nga và EU cũng như NATO tỏ ra lo ngại sâu sắc. Tất cả chỉ là chiêu bài chính trị và tâm lý thôi chứ ai ai trong thâm tâm cũng thừa biết rằng sẽ không lại xảy ra chuyện nổ súng như vừa rồi, lại càng không thể xảy ra chiến tranh giữa Ukraine và Nga.

(*) Tiêu đề do tòa soạn đặt lại

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại