Kỷ lục hiến tạng trên thế giới

Nguyễn Vân |

Từ cô bé 13 tuổi hiến cơ thể mình để cứu sống 8 người khác trước khi trút hơi thở cuối cùng, tới nhận thức của nước đi đầu thế giới về hiến mô tạng... thêm nhiều cuộc đời ở lại nhờ những nghĩa cử cao đẹp.

Cô bé 13 tuổi hiến tạng cứu 8 người

Jemima Layzell, cô bé 13 tuổi ở Anh quốc sau khi đột ngột qua đời do phình mạch não đã hiến tặng mô tạng của mình để cứu sống 8 người khác. Đây là kỷ lục số mô tạng mà một người hiến nhiều nhất trong lịch sử ở nước này.

Kỷ lục hiến tạng trên thế giới - Ảnh 1.

Jemima Layzell từng nói chuyện với gia đình về nguyện vọng hiến mô tạng vài tuần trước khi cô bé qua đời (ảnh do gia đình cung cấp/PA)

Jemima Layzell rất “thông minh, đáng yêu, giàu lòng trắc ẩn”, mẹ cô bé tâm sự. Bà Sophy Layzell, mẹ của cô bé năm nay 43 tuổi, là giáo viên dạy văn từ Horton ở Somerset.

Chỉ một vài tuần trước khi đổ bệnh vào tháng 3/2012, gia đình đã có cuộc nói chuyện về hiến tạng bởi một người bạn của gia đình bị thiệt mạng trong vụ tai nạn ô tô.

“Họ có trong danh sách hiến tạng nhưng các bộ phận cơ thể của họ lại không thể hiến được bởi tình trạng tử vong của họ”, bà Sophy chia sẻ. “Jemima chưa từng nghe về hiến tạng trước đó và có phần hơi lo lắng, nhưng cô bé hoàn toàn hiểu tầm quan trọng của hiến tạng”.

Cha mẹ của Jemima cũng cảm thấy rất khó khăn, nhưng rồi họ cũng cảm thấy vui vì đã hiến tặng cơ thể của con gái mình. Trái tim của cô bé, ruột non, và tụy được ghép cho 3 người. 2 người khác thì nhận 2 quả thận của Jemima.

Gan của em được tách ra và ghép cho 2 người, trong khi phổi được ghép cho 1 bệnh nhân. Trong số 8 người nhận tạng của em có 5 trẻ em trên khắp nước Anh.

Jemima quỵ ngã trong khi chuẩn bị sinh nhật 38 tuổi cho mẹ và mất 4 ngày sau đó ở bệnh viện. Bệnh phình não, hiếm gặp ở trẻ em, hiện tượng sưng thành mạch thường không có triệu chứng trừ khi vỡ vụn. Khi sưng to, nó gây ra băng huyết ở não có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng nặng.

Bố mẹ cô bé đã lập nên quỹ tưởng niệm Jemima Layzell Trust nhằm để giúp đỡ những người sống sót. “Nếu Jemima vượt qua căn bệnh, mạch phình vỡ sẽ ảnh hưởng nặng tới khả năng giao tiếp và bên phải cơ thể của cô bé”, cha mẹ tiết lộ.

Cha mẹ của em đã lục lại quần áo, đồ đạc của em để tìm hiểu tại sao em lại qua đời khi còn quá trẻ như vậy, họ không tìm thấy gì, nhưng phát hiện ra khoảng 20 nhật ký và sổ tay từ khi em mới 4 tuổi. Họ đã chuyển thể thành một cuốn sách mang tên The Draft để gây quỹ từ thiện.

Quốc gia đứng đầu thế giới về hiến tạng

Tây Ban Nha dẫn đầu thế giới về hiến mô tạng trong vòng 25 năm qua. Và trong năm 2016, nước này phá vỡ kỷ lục của chính mình về số ca ghép tạng tiến hành.

Tổng số 4.818 ca ghép tạng năm 2016, so với 4.769 ca năm trước đó. Trong số này, có 2.994 ca ghép thận, 1.159 ca ghép gan, 281 ca ghép tim, 307 ca ghép phổi, 73 ca ghép tụy và 4 ca ghép ruột.

Kỷ lục hiến tạng trên thế giới - Ảnh 2.

Tây Ban Nha tiếp tục dẫn đầu thế giới về hiến mô tạng. (Nguồn ảnh: AFP)

Điều này có nghĩa là bình quân có 43,4 người hiến tạng trên 1 triệu dân trong năm 2016, cao hơn tỷ lệ bình quân 19,6/triệu dân của châu Âu và 26,6/triệu dân của Mỹ.

Tây Ban Nha được coi là mô hình để nhiều quốc gia học tập. Từ năm 1989, Tây Ban Nha đã có cơ quan chuyên trách về hiến ghép tạng. Mô hình này dựa vào chỉ định các chuyên gia phù hợp (phần lớn là bác sĩ chuyên khoa) để đảm bảo điều phối tạng nhanh chóng.

Trong khi một số nước giới hạn độ tuổi hiến, Tây Ban Nha lại xem xét người hiến tạng ở độ tuổi trên 65, trên thực tế, 10% số người hiến tạng ở Tây Ban Nha trên 80 tuổi.

Quan trọng nhất trong chính sách của Tây Ban Nha là mọi công dân sẽ nghiễm nhiên hiến tạng sau khi chết não trừ phi họ đã lập văn bản khẳng định không hiến tạng. Biện pháp này cũng được Pháp thực thi kể từ 1/1 năm nay.

Theo số liệu năm 2014, 86 nghìn người đang chờ nhận tạng ở các nước EU, Na Uy và Thổ Nhĩ Kỳ, và 16 người chết mỗi ngày trong khi chờ ghép tạng.

2016 - năm hiến mô tạng kỷ lục ở Australia

Trong năm 2016, nhiều người Australia và gia đình họ được ban tặng “món quà của sự sống” hơn bao giờ hết. Đây là năm kỷ lục hiến mô tạng ở Australia.

Kỷ lục hiến tạng trên thế giới - Ảnh 3.

1.448 người Australia được ban tặng cơ hội thứ hai trong đời nhờ tấm lòng của 503 người đã khuất. Tỷ lệ này cao hơn 16% so với năm trước đó, và giúp tăng số người được cứu sống lên thêm 17%.

Trước năm 2008, trung bình chỉ có 204 người hiến tạng ở Australia mỗi năm, và chưa đến 607 người được ban tặng món quà sự sống mỗi năm.

Nguồn: Guardian, thelocal.es, transplant.org.au

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại