Chị Lưu Quế Lĩnh, 55 tuổi, sống ở thành phố Thương Châu, Hà Bắc (Trung Quốc) hiện đã nghỉ hưu và dành toàn bộ thời gian của mình để giao lưu với những bệnh nhân ung thư, xuất bản tự truyện và truyền cảm hứng cho những người đang phải sống trong hoàn cảnh của chị 22 năm về trước.
Nếu không có sự giới thiệu, ít ai biết rằng chị Lĩnh là một bệnh nhân ung thư. Với thái độ cởi mở, dễ gần, thần thái vui vẻ, nhiệt huyết, nhiều năng lượng, chị Lĩnh có thể trò chuyện với bất kỳ ai mà chị gặp, đặc biệt là những người bệnh kết nối với chị trên mạng xã hội.
Chị Lĩnh (bên phải) trong một buổi tập thể dục
Trời sập, nhưng phải sống!
Nhớ lại 22 năm trước, chị Lĩnh rưng rưng kể về cuộc đời thăng trầm của mình. Giống như những gia đình bình thường khác, chị có một gia đình nhỏ hạnh phúc với một cậu con trai.
Trong thời gian đi làm, chị tranh thủ học thêm tại khoa Quản lý dân số tại Đại học Hà Bắc. Một lần đang ngồi viết luận văn tốt nghiệp, chị cảm thấy đau bụng, đau tăng nặng đến mức không thể đứng dậy được, chị liền thu xếp lịch đến viện kiểm tra.
Thật không ngờ, lời nói của bác sĩ hôm ấy giống như một tiếng sét phóng ngang qua tai chị, bị ung thư buồng trứng đã ở giai đoạn muộn là câu nói khiến tim chị như vỡ vụn.
Sau khi trao đổi với bác sĩ Tống, Trưởng khoa Phụ khoa Bệnh viện số 4, Đại học Y khoa Hà Bắc, chị đã phải tiến hành phẫu thuật khẩn cấp để giữ lấy mạng sống.
Sau khi phẫu thuật được 7 ngày thì tiến hành xạ trị lần thứ nhất, 1 tháng sau xạ trị lần 2. Do tác dụng phụ của xạ trị quá lớn, cơ thể chị yếu không thể đáp ứng được, nên chị phải dừng điều trị và trở về nhà tự dưỡng bệnh.
Mùa xuân năm sau, chị Lĩnh bắt đầu cảm giác thấy thỉnh thoảng có những cơn ho khan, tiếp theo là dấu hiệu khó thở. Biết bệnh có thể đã tiến triển nặng, chị đến viện chụp X-quang. Kết quả phim cho thấy ung thư đã di căn đến phổi. Chị được giới thiệu đến bệnh viện ở Thạch Gia Trang.
Một tháng sau, kết quả chụp lại phim cho thấy bệnh có dấu hiệu nặng hơn, các bác sĩ khuyên chị nên lên bệnh viện tuyến trên ở Thiên Tân để xạ trị. "Nó giống như là bầu trời đang rơi xuống, tôi cảm thấy mình đang đi từng bước về phía cổng địa ngục", chị Lĩnh kể.
Do bệnh tiến triển nhanh, gia đình không còn tiền, chồng chị cũng không hy vọng nên không tiếp tục đi theo hướng điều trị như chỉ định, chị lại tiếp tục về nhà "chờ chết".
Sau 22 năm mắc bệnh, chị Lĩnh (bên trái) vẫn khỏe mạnh, yêu đời
Trong lúc đau đớn, chị còn buồn khổ hơn khi thiếu sự quan tâm của chồng, anh gần như không chấp nhận được thực tại, có thái độ bỏ rơi việc điều trị của chị. Đứng trước những nỗi đau, chị nhìn con trai và lại muốn chiến đấu với bệnh để giành lại sự sống.
Tuy nhiên, bệnh mỗi ngày một nặng, chị bắt đầu có cảm giác rã rời, người không còn chút năng lượng nào. Không có cảm giác ăn ngon miệng, có các dấu hiệu táo bón, cứ vào nhà vệ sinh ngồi, lâu quá đến nỗi chị thiếp đi.
Trong lúc nửa mê nửa tỉnh, chị nghe tiếng con trai gọi, mẹ ơi, mẹ bị sao vậy, mẹ tỉnh lại đi, mẹ đừng bỏ rơi con, con sợ lắm mẹ ơi. Sau đó, mẹ chị khóc thét lên và gọi hàng xóm giúp đỡ, chị mới hồi tỉnh lại là mình vừa bị ngất trong nhà vệ sinh.
Trong thời khắc đó, chị nhận ra rằng, mình không thể chết, cuộc sống này không thể không có chị. Sau một đêm thức trắng, chị đã tìm ra con đường đi đến ngày mai của chính mình. Chị quyết tâm thay đổi, làm lại cuộc đời theo suy nghĩ tích cực nhất.
Thực phẩm rẻ tiền và khí công lúc 3-5h sáng
Phải sống tiếp, nói thì có vẻ dễ hơn làm. Thời điểm hơn 20 năm trước, với đồng lương ít ỏi, đến ăn còn không đủ, chị hoàn toàn không có khả năng để điều trị. Trong lúc quẫn bách, chị đã tìm hiểu thêm về vấn đề ăn uống và tập luyện.
Thật may là những cuốn sách mà bạn bè đồng nghiệp gửi tặng, đã mang đến cho chị một tia hy vọng mới.
Tuy nhiên, dù đã biết lý thuyết rõ rồi, việc thực hành cũng không hề dễ. Với những thực phẩm đơn giản, chị có thể mua được, nhưng có nhiều loại thực phẩm hiếm, đắt tiền lại làm khó chị thêm một lần nữa.
Cái khó ló cái khôn, không mua được đồ hiếm, chị dùng các thực phẩm rất rẻ tiền để thay thế, như cà rốt, hạt sen, các loại thảo dược và rau quả địa phương có cùng nhóm chất với tài liệu hướng dẫn trong sách.
Một cách tình cờ hơn, khi chị Lĩnh vô tình đọc được một cuốn sách nói về việc luyện tập khí công có thể hỗ trợ chữa rất nhiều loại bệnh, kể cả ung thư.
Trong cuốn sách viết rằng, các tế bào phổi hoạt động tích cực nhất vào lúc 3-5 giờ sáng, và thời điểm này rất cần thiết để tập khí công, hít thở. Mới đầu, chị luyện tập tại nhà, sau đó thì ra bên ngoài sân. Theo sách hướng dẫn, chị còn ra bên ngoài cánh đồng khi trời chưa sáng để tập, bất chấp không gian thanh vắng, sợ hãi.
Dù mưa hay nắng chị Lĩnh đều tuân thủ lịch tập luyện và ăn uống theo sách hướng dẫn, cảm thấy cơ thể đang tốt dần lên, một số triệu chứng đau trước đây không còn thấy xuất hiện nữa.
Trong khoảng hơn 1 năm kiên trì luyện khí công và ăn uống kỹ lưỡng, chị đến bệnh viện để tái khám sức khỏe. Thật bất ngờ là các chỉ số đã trở lại bình thường, những khối u trong phổi đã tan gần hết. Các bác sĩ khám cho chị đã vô cùng ngạc nhiên và kiểm tra lại toàn diện. Đúng là một phép màu lạ không thể tin nổi.
Ra viện với kết quả khám bệnh khả quan trên tay, chị gặp ai cũng nở nụ cười, dù không quen biết. Tâm trạng phấn chấn và háo hức như đang bước trong thiên đường giữa đời thực. Chị như muốn hét lên để thể hiện niềm vui sướng.
Dù bệnh đã gần như khỏi, nhưng do nghỉ việc quá lâu, chị đã không còn vị trí tại cơ quan nữa. Chị trở lại với cuộc sống bằng việc buôn bán nhỏ. Ban ngày làm việc, ban đêm học thêm kỹ năng sử dụng máy tính. Chị bắt đầu viết những kinh nghiệm chữa ung thư của mình, chia sẻ lên mạng xã hội.
Khi có nhiều người quan tâm, chị bắt đầu tổ chức các cuộc hẹn, các buổi giao lưu, cả trên mạng và ngoài đời. Cho đến một ngày đẹp trời năm 2010, chị chính thức được chính quyền thành phố Thương Châu mời làm cán bộ tuyên truyền của Hội Bệnh nhân Ung thư, rồi trở thành chủ tịch Hội.
Cuộc sống luôn có những bước ngoặt, có những lúc đứng trước ranh giới sinh tử mỏng manh. Nhưng bằng sự nỗ lực và ý chí mạnh mẽ, chị Lưu Quế Lĩnh giờ đã trở thành một "ngôi sao ung thư" nổi tiếng Trung Quốc.
Bài tập khí công chữa bệnh nổi tiếng nhất Trung Quốc
Quách Lâm tân khí công được xem là bài tập khí công để phòng ung thư và các bệnh nan y nổi tiếng nhất Trung Quốc, được đông đảo người bệnh tin tưởng tập luyện và được nhiều nhà khoa học, y học Trung Quốc công nhận.
Quách Lâm khí công do giảng viên Quách Lâm – họa sĩ thuộc Họa viện Trung Quốc biên soạn xuất phát từ nhu cầu tự thân chữa ung thư của chính bà.
Kể từ năm 1971 đến nay, đã có hàng triệu người bệnh ung thư, bệnh nan y khó chữa ở hàng chục quốc gia đã tin tưởng tập theo và đạt những lợi ích lớn từ bài tập này.
Quách Lâm khí công là sự sáng tạo ra một bài tập mới để chữa ung thư, phòng tránh bệnh nan y và rèn luyện sức khỏe dựa trên những tinh hoa rút gọn của khí công cổ Trung Quốc.
Môn khí công này được xem là bài tập tuyệt vời vì "có tác dụng chữa bệnh, kết hợp giữa động và tĩnh, giữa đơn giản và khoa học, giữa bên trong và bên ngoài, giữa âm và dương, nạo vét các kinh mạch, lưu thông dòng máu, thúc đẩy trao đổi chất, tăng cường miễn dịch, ngăn ngừa, chữa bệnh hiệu quả, dễ hiểu dễ tập, không bị làm sai".
Bìa cuốn sách và tác giả Quách Lâm
Một số hình ảnh hướng dẫn tập khí công
Khí công tập đi bộ chậm kết hợp thở đều, thư giãn cơ bắp và tinh thần...
Khí công đi bộ nhanh bước dài, thở ngắn để tăng nhịp tim, điều hòa huyết áp...
Bài tập khí công hít thở và day bấm huyệt để tỉnh táo đầu óc, thư giãn não, giảm căng thẳng...
Bài tập khí công kết hợp thở và bấm huyệt dũng tuyền mang lại nhiều lợi ích cho cơ quan nội tạng, tăng cường miễn dịch và các tác dụng khác...
Ở khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ giới thiệu cơ bản về bài tập khí công Quách Lâm. Trong các bài viết sau, chúng tôi sẽ giới thiệu chi tiết hơn về phương pháp khí công tuyệt vời này, kính mời quý độc giả quan tâm theo dõi.
*Theo Health/Hebei