Từ ngày 19/2, thị trường chứng khoán trong nước bắt đầu xuất hiện giao dịch đột biến liên quan đến các cổ phiếu của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), khi hai cổ phiếu HAG, HNG tăng kịch trần và giao dịch lên tới hàng chục triệu đơn vị.
Cụ thể, mã HNG của Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai là cổ phiếu có giao dịch lớn nhất phiên hôm nay với gần 42 triệu đơn vị, trong đó nhà đầu tư nước ngoài gom gần 5 triệu đơn vị.
Giá cổ phiếu này tăng trần lên 8.800 đồng, chấm dứt chuỗi 14 phiên giảm sàn trước đó.
Tương tự, HAG của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cũng tăng hết biên độ lên 8.300 đồng và có tới hơn 15 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng.
Sang phiên giao dịch đầu tuần này (22/2), “mẹ con” nhà bầu Đức tiếp tục tạo địa chấn. Khi đợt giao dịch sáng mới đi hết nửa quãng đường, HAG và HNG vẫn tăng trần.
HAG tăng 500 đồng/CP lên 8.800 đồng/CP. HNG tăng 600 đồng/CP lên 9.400 đồng/CP.
Khối lượng giao dịch tiếp tục ở mức cao. Đã có tới gần 6,4 triệu cổ phiếu HAG và gần 3 triệu cổ phiếu HNG được trao tay. Khối lượng giao dịch HAG và HNG chiếm 14,6% tổng khối lượng giao dịch toàn sàn TP HCM.
Trong đó, thanh khoản của HAG chỉ đứng sau FLC. Nguyên nhân là do lực cầu HAG vẫn rất lớn nhưng không có người bán ra.
Trên bảng giao dịch điện tử, bên dư cung HAG và HNG hoàn toàn trống trơn. Trong khi đó, dư cầu mức giá trần của HAG đạt gần 1,7 triệu đơn vị, dư cầu giá trần HNG là hơn 32.000 đơn vị.
Trong 2 ngày tạo “địa chấn”, HAG mang về cho Hoàng Anh Gia Lai 790 tỷ đồng. Riêng bầu Đức được chứng kiến khối tài sản tăng gần 350 tỷ đồng.
Còn HNG “tặng” Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai 780 tỷ đồng. Với việc nắm giữ hơn 79% vốn HNG, Hoàng Anh Gia Lai có thêm 616 tỷ đồng nhờ đà tăng của HNG.
Tuy vậy, sự quay trở lại này cũng không thể bù đắp những gì đã mất trong thời gian qua của HNG. Nhìn lại nửa năm lên sàn, có thể thấy công ty con của "bầu" Đức mất gần 17.500 tỷ đồng.
Chính thức niêm yết ngày 20/7/2015 trên Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE), với hơn 708 triệu cổ phiếu tương đương vốn điều lệ 7.081 tỷ đồng, HAGL Agrico lúc đấy là doanh nghiệp về nông nghiệp có quy mô lớn nhất của Việt Nam được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.
Từ mức giá khởi điểm là 28.000 đồng, cổ phiếu HNG đã tăng lên 33.500 đồng/đơn vị, đưa vốn hóa thị trường của HNG tại phiên giao dịch ngày 20/7/2015 đạt gần 23.723 tỷ đồng.
Đây cũng là mức giá cao nhất của cổ phiếu này tính từ lúc lên sàn.
Thời gian sau đó, cổ phiếu HNG được giao dịch trong khoảng từ 28.000 đồng/đơn vị đến 30.000 đồng/đơn vị.
Tuy nhiên, đến khoảng giữa tháng 12 năm ngoái, cổ phiếu này bắt đầu “lao dốc không phanh” theo cổ phiếu công ty mẹ HAG
Ngày 16/2/2016 chắc chắn sẽ là một ngày không thể nào quên đối với Bầu Đức cũng như nhà đầu tư của HNG khi cổ phiếu này lần đầu tiên rớt xuống dưới mệnh giá, đạt 9.500 đồng/đơn vị.
Tính đến nay, sau 14 phiên liên tiếp "đo sàn" và 1 phiên trần duy nhất, từ mức 21.900 đồng hôm 22/1/2016, giá cổ phiếu HNG đã mất 59,82%, xuống còn 8.800 đồng/đơn vị chiều ngày 19/2.
Tính riêng từ đầu năm 2016, cổ phiếu HNG đã "bốc hơi" tới 69,6% giá trị.
Còn nếu so với mức giá đỉnh, tức là mức giá trong phiên đầu tiên HNG lên sàn, giá trị cổ phiếu này đã mất tới 73,7% giá trị. Theo đó, khoảng 17.491 tỷ đồng vốn hóa công ty đã "cuốn theo chiều gió".
Theo kết quả hoạt động kinh doanh mới được doanh nghiệp này cập nhật, năm 2015, HNG lãi ròng hợp nhất hơn 996 tỷ đồng, trong khi 9 tháng đầu năm đã đạt con số hơn 979 tỷ đồng.
Như vậy có khả năng quý 4/2015, HNG chỉ đạt lãi ròng chưa đến 20 tỷ đồng.