Doanh nghiệp mong chờ điều gì khi TPP có hiệu lực?

Hồng Hà |

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức được ký kết thành công vào ngày 4.2. Trước cơ hội và thách thức, doanh nghiệp Việt Nam mong chờ điều gì?

Tin tức trên báo VOV, ngay sau khi chính thức ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cộng đồng doanh nghiệp đã bày tỏ niềm vui mừng khi đất nước chính thức gia nhập một sân chơi hội nhập mang tính toàn cầu, đồng thời mong muốn tới đây sẽ có những cơ chế, chính sách kịp thời nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội từ Hiệp định.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cổ phần May Hưng Yên cho biết: “Nhận được thông tin Việt Nam chính thức ký hiệp định TPP vào hôm nay, tôi cho rằng đây là một tín hiệu rất đáng vui mừng đối với cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp dệt may, da giầy nói riêng."

"Tôi tin rằng, hiệp định này mở ra cho các doanh nghiệp cơ hội xuất khẩu rất lớn. Nhưng muốn hưởng được thuế ưu đãi thuế 0%, thì doanh nghiệp dệt may, da giầy phải đáp ứng yêu cầu về quy định xuất xứ.

Muốn vậy thì phải thay đổi ít nhất trong vòng 5 năm tới, trước mắt cũng phải có định hướng sản xuất để chủ động được nguồn nguyên liệu”. ông Dương nói.

Ông Ngô Tiến Dũng – Tổng Thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho biết trên báo VOV, khi gia nhập TPP, nếu không có chính sách tốt thì sẽ hạn chế ngành chăn nuôi bò sữa của Việt Nam.

Hiện các doanh nghiệp tư nhân đang bị cạnh tranh rất lớn. Nếu không có chính sách hỗ trợ hoặc tạo môi trường đầu tư thích hợp tư nhân thì doanh nghiệp tư nhân không có nội lực phát triển.

Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH) chia sẻ trên báo VietTimes: " Trong TPP có điều khoản quy định là tổng số nước phê chuẩn mà giá trị thương mại đạt mức 60-70% trở lên thì hiệp định có hiệu lực.

Như vậy chúng ta thấy rằng, nếu Quốc hội (QH) Mỹ và QH Nhật Bản thông qua thì về cơ bản TPP được thông qua. Mà Mỹ và Nhật Bản lại là những quốc gia chủ trì chính của TPP. Vì vậy chúng ta tin rằng 100% TPP sẽ trở thành hiện thực."

Về việc thông qua của QH, theo quy trình, thì đã báo cáo Hội nghị TƯ 13 và cả TƯ 14 về TPP. TƯ đã có ý kiến là nhất trí thông qua những kết quả đàm phán. Vì vậy QH sẽ nghe chính phủ báo cáo về TPP.

QH sẽ thảo luận để hoàn thiện và ngay trong những ngày họp đầu tiên của Quốc hội khóa 14, tôi tin là Hiệp định TPP sẽ được thông qua vì cơ bản những điều kiện và thách thức đặt ra cho chúng ta trong quá trình tham gia TPP đều đã được Việt Nam, mà cụ thể là đoàn đàm phán có những thỏa thuận tương đối chặt chẽ với các đối tác.

Cũng theo ông Kiên, về các bộ luật của chúng ta như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đã tương đương với các cam kết mà chúng ta thực hiện ở trong TPP.

Để chuẩn bị cho quá trình hội nhập, Hiến pháp năm 2013 của chúng ta cũng đã quy định là công dân được làm mọi việc mà pháp luật không cấm.

Còn Nhà nước muốn cấm công dân phải thông qua luật. Thế thì nó thể hiện ngay ở trong 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Nếu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì các bộ phải công bố các điều kiện trên các website của mình và doanh nghiệp theo đó mà thực hiện.

Và đương nhiên doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước các hoạt động của mình và các cơ quan quản lý nhà nước đi hậu kiểm.

Thông tin Hiệp định TPP vừa được ký kết chính thức thực sự là tín hiệu vui đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong những ngày đầu năm mới.

Hiệp định TPP được kỳ vọng mở ra thị trường xuất khẩu rộng lớn cho Việt Nam, đặc biệt là thị trường Mỹ, Nhật Bản với các sản phẩm trọng điểm như dệt may, da giày, túi xách, đồ gỗ và các mặt hàng nông sản.

Khi thuế nhập khẩu được hạ về mức 0% theo cam kết TPP, riêng ngành dệt may, da giầy có khả năng tăng trưởng ít nhất 20%.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, để tận dụng được các cơ hội từ hiệp định này cần khẩn trương có những bước chuẩn bị cụ thể.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại