Kyodo News đưa tin chỉ số Nikkei đã giảm xuống dưới 15.000 điểm lần đầu tiên trong 16 tháng qua khi thị trường chứng khoán Nhật mở cửa trở lại ngày 12/2, giảm 5,5% so với phiên giao dịch trước kỳ lễ ngày 10/2.
Đây là mức giảm theo tuần lớn nhất kể từ năm 2008 - tâm điểm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, buộc Bộ trưởng tài chính Taro Aso tuyên bố sẽ có biện pháp can thiệp.
Thị trường Hàn Quốc giảm 2,1% và buộc phải ngưng giao dịch chỉ số Kosdaq sau khi sụt giảm đến 8%.
Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của Hong Kong mất thêm 1,44% sau khi đã giảm gần 4% trong phiên giao dịch hôm trước.
Ngân hàng Châu Âu gặp bão
Tình hình xuất phát từ sự suy giảm của các ngân hàng châu Âu trong tuần qua, khi chỉ số chứng khoán STOXX 600 của các ngân hàng châu Âu sụt tới 6,3% ngày 11/2.
Đây là mức sụt giảm liên tiếp trong sáu tuần và nghiêm trọng nhất kể từ cuộc khủng hoảng 2008.
Theo CNBC, cổ phiếu Ngân hàng Société Générale của Pháp giảm hơn 12,6% sau khi ngân hàng công bố doanh thu quý IV-2015 thấp hơn kỳ vọng của giới phân tích, kéo theo hàng loạt ngân hàng châu Âu sụt giảm.
Các biện pháp hỗ trợ mới của chính quyền Ý cũng không ngăn được chỉ số chứng khoán Ngân hàng UBI Blanca rớt giá 12%.
Chỉ số FTSE trên thị trường Anh giảm 2,6%, trong khi chỉ số DAX của Đức mất 3,1%. Mỹ cũng bị ảnh hưởng khi chỉ số Dow Jones giảm 1,6% và S&P 500 giảm 1,2%.
Chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI hạ 1,32%. Ngược lại, giá các tài sản an toàn hơn như vàng, đồng yen, trái phiếu chính phủ tăng mạnh.
Sự biến động của ngành ngân hàng châu Âu gây bất ngờ cho giới phân tích, bởi Ngân hàng Trung ương châu Âu (BCE) trước nay vẫn giữ chính sách tài chính lỏng và gây nhiều lo ngại về nguồn vốn cho các công ty có thể bị siết lại.
“Khác Mỹ, các ngân hàng châu Âu đóng vai trò quan trọng hơn trong cơ chế tín dụng của nền kinh tế - nhà chiến lược Peter Garnry của Ngân hàng Saxo giải thích - Ở Mỹ, họ có thị trường vốn có thể dễ dàng phát hành trái phiếu doanh nghiệp và lấy vốn ngoài hệ thống ngân hàng thương mại.
Ở châu Âu chúng tôi không như vậy và sự suy yếu của hệ thống ngân hàng khá đáng sợ”.
“Thị trường tài chính toàn cầu đơn giản là sợ nhiều thứ, nhưng có lẽ điều đáng sợ nhất là các ngân hàng trung ương không còn khả năng giải cứu họ” - Patti Domm của CNBC bình luận.
Mỹ cần sẵn sàng
Trong khi đó, chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Janet Yellen như đổ thêm dầu vào lửa với những cảnh báo tiêu cực ngày 11/2.
Xuất hiện trước Quốc hội Mỹ, bà Yellen cho biết sự bất ổn tài chính toàn cầu đe dọa đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới vào suy thoái.
Trong khi đó, câu hỏi khi nào giá dầu mỏ và đồng USD ổn định vẫn chưa có câu trả lời chính xác. Dù thừa nhận Mỹ “có nguy cơ suy thoái”, nhưng bà Yellen cho rằng vẫn còn sớm để đưa ra kết luận về ảnh hưởng lên kinh tế Mỹ.
Những diễn biến mới trên thị trường khiến giới phân tích cho rằng có khả năng FED sẽ phải cắt giảm thay vì tăng lãi suất, tuy nhiên bà Yellen khẳng định FED vẫn sẽ cân nhắc nâng lãi suất dần trong năm nay do thị trường lao động đang dần hồi phục.
Nói về việc áp dụng lãi suất âm như các ngân hàng trung ương châu Âu, Nhật Bản đang sử dụng để giảm sức ép giảm phát, bà Yellen cho biết FED đang xem xét liệu biện pháp này có tác động xấu đến tình hình kinh tế hay không.
“Tôi ngạc nhiên khi một số nước có thể hạ âm mức lãi suất đến như vậy” - chủ tịch FED nói trước các nghị sĩ Mỹ. Dù vậy, bà nói rằng sẽ không loại trừ khả năng này “bởi chúng tôi cần sẵn sàng cho lúc cần thiết”.
Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ hôm 11/2 đã giảm lãi suất ngắn hạn xuống -0,5%, trong khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cuối tháng trước đã đưa mức lãi suất xuống -0,1% và chủ tịch BOJ Haruhiko Kuroda tuyên bố sẵn sàng cắt giảm thêm nếu cần thiết.
Tuy nhiên biện pháp này khiến thị trường hoảng sợ, như tại Nhật lãi suất âm khiến chứng khoán sụt giảm và đồng yen tăng giá.
“Tin xấu xuất hiện ở khắp nơi, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Mỹ, lĩnh vực hàng hóa, ngân hàng. Kiểu như những cuộc khủng hoảng nhỏ sẽ kết hợp thành một cuộc khủng hoảng lớn.
EMILE CARDON (chiến lược gia của Rabobank).