Công khai ngân sách: Công chúng được giám sát "túi tiền" tới đâu?

Xuân Dũng |

Không phải ngẫu nhiên mà mức độ minh bạch của ngân sách của Việt Nam được Tổ chức Hợp tác Ngân sách Quốc tế (IBP) đánh giá ở nhóm yếu nhất với chỉ 18/100 điểm. Việc chậm công khai báo cáo, tài liệu, hoặc nếu có thì thiếu nhiều chỉ tiêu quan trọng là vấn đề đã được chính các chuyên gia lên tiếng.

Khó tìm số liệu ngân sách

Con số 18/100 điểm về mức độ minh bạch ngân sách của Việt Nam theo cơ quan khảo sát, nói lên rằng, Việt Nam là "ít" hoặc "không" công khai thông tin ngân sách.

Là một chuyên gia nhiều năm theo dõi ngành tài chính, chính chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đã phải thừa nhận rằng, khi nghiên cứu về ngân sách Nhà nước, nhiều lúc ông phải sử dụng số liệu của nước ngoài.

Dù vậy, số liệu mà ông tham khảo ấy, theo ông, có lẽ cũng không không được đầy đủ và chính xác.

Chỉ ra thực tế, vị chuyên gia kinh tế này cho rằng, ngay với bản tin nợ công được Bộ Tài chính công bố trên trang web của cơ quan này cũng mới dừng lại ở bản tin số 3 vào tháng 11/2014, cách khá xa so với hiện tại.

Số liệu nợ công, theo ông, luôn được các tổ chức tài chính quốc tế cập nhật, nhưng thông tin chính thức từ phía Việt Nam luôn chậm hơn rất nhiều

Ví dụ của ông Ánh chỉ là một trong nhiều vấn đề về minh bạch ngân sách đang đặt ra.

Ông Joel Friedman, Nghiên cứu viên cao cấp, Tổ chức Hợp tác Ngân sách quốc tế (IBP) đánh giá, báo cáo kiểm toán của Việt Nam thường được công bố khá chậm, muộn hơn nhiều so với tiêu chuẩn quốc tế.

Trong khi ấy, tài liệu được công bố thường thiếu một số chi tiết quan trọng như giả thiết, đánh giá kinh tế vĩ mô, dự báo, so sánh,...

Chia sẻ thêm cái nhìn, chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, nỗ lực của Bộ Tài chính và Chính phủ trong những năm qua nhằm làm tăng tính minh bạch của ngân sách cho thấy cải cách đang đi đúng hướng.


Điểm minh bạch ngân sách của Việt Nam được xếp 18/100 điểm, thấp hơn mức bình quân là 45 điểm. (Ảnh: IBP)

Điểm minh bạch ngân sách của Việt Nam được xếp 18/100 điểm, thấp hơn mức bình quân là 45 điểm. (Ảnh: IBP)

Theo ông Tuấn, hiện Bộ Tài chính đã có công bố những báo cáo hàng tháng về tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính, ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn, nội dung các báo cáo này chủ yếu phù hợp cho công tác và chức năng điều hành.

Vị chuyên gia này cho rằng, số liệu công bố mới chỉ dừng ở mức độ tổng thu, tổng chi và cân đối ngân sách trong khi thiếu những chi tiết và minh họa đi kèm về tình hình phân bổ ngân sách phân theo cấp, ngành, lĩnh vực, đối tượng, đơn vị...

Giám sát chỉ trên "giấy tờ"?

Trong khi minh bạch vẫn ở mức "lẹt đẹt" thì sự tham gia của công chúng vào giám sát ngân sách lại được phía IBP đánh giá khá cao, 42/100 điểm.

Sự chênh lệch này đã khiến nhiều người đặt ra nghi ngờ, bởi nếu sự giám sát của công chúng tốt thì đồng nghĩa, mức độ minh bạch cũng không thể thấp như vậy.

Tuy nhiên, theo giải thích của cơ quan giám sát đó chỉ là điểm đánh giá trên "cơ chế" để công chúng tham gia vào việc việc giám sát sử dụng ngân sách chứ chưa đo lường chất lượng.

Hay nói cách khác, việc giám sát của công chúng mới tính trên quy định, "giấy tờ."

Điều này được chỉ rõ hơn trong một nghiên cứu gần đây về "Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam" (PAPI) trong năm 2015.

Theo kết quả nghiên cứu trải nghiệm của 13.552 người dân trên cả nước, việc công khai thông tin thu, chi ngân sách của các xã, phường không được cải thiện nhiều so với những năm trước.

Cụ thể, khoảng 36,3% số người được hỏi cho biết thu, chi ngân sách của xã/phường được công bố công khai, tương đương với tỷ lệ của hai năm trước.

Tuy nhiên, cũng theo khảo sát, chỉ có khoảng 32,5% cho biết họ đã từng đọc bảng kê khai được niêm yết công khai, giảm gần 13% so với tỉ lệ 37,4% của năm 2011.

Đặc biệt, mức độ công khai, minh bạch về thu, chi ngân sách cấp xã càng là vấn đề đặt ra do chỉ có 8 trong số 100 người được hỏi cho biết họ được biết, đã đọc và tin vào độ chính xác của bảng kê thu, chi ngân sách của chính quyền cấp cơ sở.

Qua đó, đại diện nhóm nghiên cứu PAPI cho rằng, để cải thiện mức độ công khai, minh bạch, các cấp chính quyền địa phương cần tìm ra những phương thức chia sẻ thông tin đáng tin cậy tới người dân với nhiều đặc điểm nhân khẩu khác nhau.

"Cổng thông tin điện tử ở cấp tỉnh và cấp huyện, bảng tin công khai ở Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn, tờ tin hoặc loa truyền thanh ở cấp thôn, tổ dân phố vẫn là những công cụ hữu hiệu để công khai, minh bạch thông tin đến người dân," đánh giá của nhóm nghiên cứu có nêu.

Đánh giá thêm về vấn đề này, bà Ngô Thị Minh Hương, Giám đốc Trung tâm Hội nhập và Phát triển cho rằng, Luật ngân sách năm 2015 hiện đã có điều 15 về công khai ngân sách và điều 16 về sự giám sát của người dân với những cơ chế được ghi cụ thể.

Đây là điều được bà kỳ vọng có thể giúp tăng số điểm của Việt Nam trong thời gian tới./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại