Tôi nghe nói tiểu đường type 2 hay gặp khi người ta bị béo phì, ăn nhiều, vậy tôi không béo phì vẫn có nguy cơ hay sao? Bây giờ đường huyết đã sắp đến mức tiểu đường, nó sẽ tiếp tục cao lên hay có những biện pháp nào để khỏi tiến triển thành bệnh tiểu đường thực sự không?
(Trần An Duyên , nữ, 57 tuổi, quận Gò Vấp, TP HCM)
Bác sĩ chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM):
Chào chị,
Bệnh tiểu đường type 2 mà chị quan tâm là một bệnh về rối loạn chuyển hóa, thường gặp ở người lớn, xảy ra do cơ thể đề kháng với insulin hoặc tuyến tụy không sản xuất đủ insulin.
Người béo phì dễ gặp tiểu đường type 2, điều đó là đúng. Tuy nhiên, béo phì chỉ là yếu tố nguy cơ, không phải nguyên nhân.
Ngoài béo phì, các yếu tố làm tăng nguy cơ tiểu đường type 2 khác là ít vận động (dễ gây đề kháng insulin), tính chất gia đình (nhiều người trong gia đình cùng mắc bệnh tiểu đường), tuổi trên 45, chủng tộc (châu Á, châu Mỹ).
Người không có các yếu tố làm tăng nguy cơ trên có thể bị bệnh tiểu đường không? Tôi xin nói là có.
Đối với trường hợp của chị, chị chưa bị tiểu đường type 2 nhưng có đường huyết cao nên cần theo dõi và thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt.
Để xác định nguyên nhân chính xác, chị cần đến bệnh viện để làm nghiệm pháp dung nạp đường glucose, kiểm tra đường huyết, HbA1c, insulin máu…
Như chị nói, có lẽ chỉ riêng gần xét nghiệm gần nhất, chị mới gặp tình trạng đường huyết cao. Đó có thể là do một vấn đề gì nảy sinh, như tôi đã nêu trên, cũng có thể là tình trạng tạm thời do chế độ ăn uống, sinh hoạt gần đây của chị.
Vì thế, chị nên giảm bớt các thức ăn thuộc nhóm bột – đường, tập thể dục thường xuyên hơn, có khi sẽ thấy kết quả xét nghiệm được cải thiện tốt.
Bởi lẽ, dù không ăn nhiều mà lại ăn thừa đồ ngọt, thiếu các nhóm chất khác, ít vận động, tình trạng đề kháng insulin dẫn đến tiểu đường vẫn có thể xảy ra.