Theo ông Khuê, không có quy định nào bắt buộc bệnh viện phải vận chuyển xác bệnh nhân về nhà. Khi bệnh nhân không may tử vong, bệnh viện sẽ giải thích cho người nhà các quy chế, quy định của bệnh viện.
Đồng thời tại bệnh viện cũng có nhà tang lễ, xe tang phục vụ, đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật.
"Bệnh viện có xe cứu thương, nhưng để chở, cấp cứu người bệnh chứ không phải để chở người chết. Tuy nhiên, trong trường hợp nếu hôm đó không có ca cấp cứu nào, bệnh viện sẽ hỗ trợ gia đình chở người tử vong về nhà"- ông Khuê nói.
Theo ông Khuê, thời gian qua các gia đình tự khiêng xác, chở xác người tử vong về chủ yếu là đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa.
Ở những vùng này, hoặc là xe ô tô không vào được tận nhà, hoặc gia đình bệnh nhân ở gần bệnh viện nên họ tự thu xếp mang xác về mai táng theo phong tục địa phương.
Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Xuân Phú, Phó GĐ bệnh viện Lao-Phổi Trung ương cũng chia sẻ, mặc dù ngành y tế không quy định bệnh viện phải chở xác bệnh nhân về nhà khi bệnh nhân chẳng may tử vong, nhưng khi bệnh nhân tử vong, bệnh viện luôn hỗ trợ hết sức.
"Mới đây chúng tôi đã hỗ trợ chuyến xe chở bệnh nhân tử vong từ Hà Nội về tận Mường Ẳng (Lai Châu), chi phí hết 16 triệu đồng. Nói thế để thấy bệnh viện không phải không có trách nhiệm.
Nhưng ở đây lại có một vấn đề, theo đúng quy định về môi trường thì xe cứu thương gắn đèn hụ màu đỏ chuyên vận chuyển người bệnh đi cấp cứu, không được chở người đã chết (chở người chết là đèn hụ màu xanh).
Tuy nhiên, không phải bệnh viện nào cũng có đủ điều kiện này", ông Phú nói thêm.